Khi tivi màu chưa thịnh hành, những chiếc tivi đen trắng trở thành đồ dùng được nhiều gia đình rất có điều kiện sở hữu. Tivi đen trắng mang các nhãn hiệu như Hitachi, Sharp...được xem như tài sản quý giá trong nhà. Nói như vậy cũng không sai bởi để mua được những chiếc tivi đen trắng cũng tốn đến 5-7 chỉ vàng.
Chiếc tivi thường được đặt ở phòng khách, nơi mọi người đều có thể xem và nhìn thấy. Hình ảnh một thời đáng nhớ còn lưu lại trong ký ức nhiều thế hệ. Cứ mỗi tối, gia chủ cùng hàng xóm lại quây quần bên tivi xem các chương trình truyền hình như phim, bông hoa nhỏ, ca nhạc...Dù chiếc tivi chỉ có hai màu đen trắng, sóng còn nhiễu nhưng ai cũng chăm chú từng chi tiết.
Xe máy nhiều chỉ vàng
Cách đây 40-50 năm, những chiếc xe máy đã xuất hiện trên đường phố. Nhưng những gia đình sở hữu xe máy thường có điều kiện, giàu có. Vào thời đó, những chiếc xe được cho là cũ kỹ ngày nay lại "làm mưa làm gió" như Super Cub 50, Simson, Minsk, Babetta, Chaly...
Đặc biệt, dòng xe Peugeot (xe Lơ) được đưa vào câu đùa vui "Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi xe Lơ". Honda Cub dựng trong nhà hay đi ra đường đều thể hiện sự giàu có, đến tận những năm 1990, nhiều gia đình sở hữu xe Cub vẫn trân trọng và xem đó là tài sản lớn của gia đình.
Giá những chiếc xe này có thể lên đến cả chục chỉ vàng. Thậm chí nhiều người còn đùa nhau với câu nói: “Trăm lời anh nói không bằng làn khói Honda.
Xe đạp thời thượng
Cách đây khoảng 40 năm, xe đạp vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu trên đường của nhiều gia đình. Xe đạp có mặt khắp nơi, mỗi xe được gắn biển số để quản lý. Về xe đạp, dòng xe Favorite xuất xứ Tiệp Khắc (cũ) đắt tiền, nhiều nhà giàu sở hữu.
Thời đó, xe đạp Thống Nhất là dòng xe cũng được nhiều gia đình sử dụng, chất lượng không hề thua kém xe đạp nhập khẩu. Xe đạp Thống Nhất từng chứng kiến và đồng hành cùng nhiều người Việt Nam hàng chục năm trời, mức giá có thể lên đến nửa cây vàng.
Đồng hồ, quần áo, thời trang
Với những người giàu có, sở hữu đồng hồ cũng đủ cho người khác ao ước. Đồng hồ Polijit (Liên Xô) được những người có tiền tìm mua. Sau đó, đồng hồ SEIKO của Nhật xuất hiện như một bước tiến lớn khi không phải lên dây cót, hiển thị ngày giờ, tháng...đầy đủ. Vì vậy, có người từng lưu truyền câu đùa: “Một yêu anh có Sen kô / hai yêu xe đạp Pơ giô đón nàng”.
Ngoài ra, những gia đình có người đi học ở Liên Xô còn mang về nước đồng hồ lên dây cót hình chữ nhật và trở thành tài sản quý giá trong nhà.
Thời trang, quần áo
Khi đi ra ngoài, chiếc mũ cối được nhiều người sử dụng. Nhưng giá thực tế rất đắt lên đến 1 chỉ vàng/chiếc (hồi những năm 1980). Thậm chí, có những khi giá mũ lên đến gần 2 chỉ vàng.
Dép đúc, dép nhựa Tiền Phong rồi đến dép tông Lào cũng được xem là những chiếc dép huyền thoại được xem là gia đình có điều kiện mới sắm được. Với quần áo có thể kể đến các thương hiệu nổi bật có thể kể đến như áo bay Liên Xô, áo Nato, quần bò Thái, quần áo Tô Châu…
Đồ dùng gia đình
Nếu như ngày này, bát đĩa bằng sứ được dùng phổ biến thì thời bao cấp các gia đình có điều kiện sẽ sở hữu nhiều bát, đĩa tráng men Hải Phòng là những đồ dùng quý giá, sang trọng, được các gia đình giữ gìn. Bên cạnh đó, bếp dầu, ấm đun nước tráng men cũng là những vật dụng xa xỉ.
Điều hòa là thứ chưa ai nghĩ tới thì quạt con cóc, quạt tai voi...với kiểu cách khá gọn gàng, cầu kỳ trang trí được nhiều gia đình có điều kiện sử dụng. Hay như cốc thủy tinh có tên cốc 7 kopeek và đèn dầu chuyên dụng được nhiều gia đình nâng niu.