Tiếp đón PV, Chủ tịch Tập đoàn IPP (Imex Pan Pacific) – công ty phân phối hàng hiệu lớn nhất Việt Nam, ăn mặc khá giản dị. Johnathan Hạnh Nguyễn mặc một chiếc áo sơmi kẻ, cộc tay, mở một khuy áo ở phía trên, chân đi dép lê và trông khá trẻ trung so với tuổi 65.
Căn phòng mà bố chồng Hà Tăng tiếp phóng viên trông giống phòng truyền thống của một công ty Nhà nước, với nhiều bằng khen, huy chương, huân chương, cờ lưu niệm… treo khắp nơi.
|
"Chúng tôi làm là người thật, việc thật, không gian lận nên đâu có gì phải ngại". |
Người được gán biệt danh “Vua hàng hiệu” cười tươi và cho biết: “Tôi chỉ có quốc tịch là nước ngoài thôi, còn máu Việt Nam và ở đây đã 30 năm rồi. Vì thế mà tư tưởng cũng gắn với cờ đỏ sao vàng, cũng là 30 năm xây dựng, cờ truyền thống, bằng khen, huân huy chương do Nhà nước trao tặng. Cái này thì chúng tôi cũng giống như một công ty nhà nước đấy”.
Kết quả bất ngờ từ thanh tra thuế
Sau lời giải thích về “công ty Nhà nước”, câu chuyện kinh doanh hàng hiệu được ông chủ IPP bắt đầu với thuế. Năm 2013, Tập đoàn IPP đóng 1.200 tỷ đồng và sang 2014 là 1.270 tỷ đồng.
Người đứng đầu công ty hàng hiệu lớn nhất Việt Nam cho biết thêm, khi xảy ra vụ gian lận thuế tại Milano, Tập đoàn IPP cũng vướng những tin đồn không hay. Điều này làm ông rất khó chịu.
“Đích thân tôi lên gặp lãnh đạo thành phố, đề nghị kiểm tra thuế tại IPP để làm rõ. Không phải ai cũng trốn thuế và làm bậy. IPP luôn chấp hành rất đúng và đủ các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, và đây là niềm tự hào lớn của tôi khi về nước kinh doanh 30 năm nay. Tôi không muốn bị nghi ngờ”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tâm sự.
Sau khi thanh kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện một kết quả khác: Tập đoàn IPP còn 55 tỷ đồng tiền hoàn thuế chưa đề nghị hoàn lại từ Nhà nước. Đây là khoản tiền hoàn thuế từ 5 công ty con trong tập đoàn.
Bên cạnh việc đề nghị thanh tra thuế, ông chủ IPP yêu cầu tất cả các cửa hàng của mình phải treo giấy chứng nhận phân phối chính hãng của những thương hiệu nổi tiếng. Điều này để xác thực với khách hàng về nguồn gốc xuất xứ, cũng như độ tin cậy khi mua đồ hiệu tại IPP.
“Chúng tôi làm là người thật, việc thật và không gian lận nên đâu có gì phải ngại. Sau khi tiến hành song song 2 biện pháp nói trên, chúng tôi ổn định trở lại và khách đến mua hàng đông hơn trước. Sau đó, hàng chục thương hiệu tên tuổi đã chọn chúng tôi làm đối tác lâu dài với họ”, Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Sau 20 năm đặt nền móng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn mới bước vào kinh doanh hàng hiệu đúng nghĩa gần 10 năm nay, khi Việt Nam gia nhập WTO. Ảnh: Hải An.
Trao đổi với Zing.vn, một đại gia chứng khoán ở Sài Gòn - người rất mê hàng hiệu và siêu xe, cho biết: "Nếu muốn mua hàng hiệu ở Việt Nam thì những cửa hàng của anh Johnathan Hạnh Nguyễn là đáng tin nhất". Ông này nhận định, về kinh doanh hàng hiệu trong nước thì hiện chưa ai qua được Chủ tịch IPP.
Từ cửa hàng miễn thuế đến Tràng Tiền Plaza
Johnathan Hạnh Nguyễn bắt đầu kinh doanh hàng hiệu từ một cửa hàng miễn thuế ở sân bay – “phần thưởng” cho đóng góp của ông trong việc mở đường bay TP HCM – Manila (Phillipines) năm 1985, khi Việt Nam còn chưa mở cửa.
Tuy nhiên, cửa hàng này không đem lại cho ông lợi nhuận, bởi các chuyến bay quốc tế thời đó quá ít. Chưa hết, việc xin visa nhập cảnh vào Việt Nam lúc đó mất 60 ngày, còn xuất cảnh lên tới 6 tháng, khách du lịch là không đáng kể.
Vật lộn với cửa hàng miễn thuế ở sân bay vài năm đem đến cho Johnathan Hạnh Nguyễn cơ hội khác – mối quan hệ với các thương hiệu hàng đầu thế giới. Chủ tịch IPP tiết lộ: “Sân bay là cửa ngõ của các thương hiệu lớn và họ bao giờ cũng vào đó trước. Nhờ là người đầu tiên kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam, tôi có cơ hội làm quen với đại diện nhiều thương hiệu lớn của thế giới. Đây chính là khởi nguồn cho việc kinh doanh hàng hiệu sau này”.
Trên thực tế, ngoài cửa hàng miễn thuế ở sân bay, Johnathan Hạnh Nguyễn cũng là doanh nhân tiên phong trong việc kinh doanh các siêu thị miễn thuế ở cửa khẩu giáp biên giới Lào, Campuchia, Trung Quốc.
|
Tràng Tiền Plaza là trung tâm hàng hiệu quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam. |
Thế nhưng, phải sau 20 năm, khi Việt Nam đã vào WTO, việc kinh doanh hàng hiệu trong nội địa của IPP mới được thực hiện. Điểm đến đầu tiên của Johnathan Hạnh Nguyễn là khách sạn Rex, TP HCM, với sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi lớn cùng lúc như Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Salvatore Ferragamo, Cartier...
Ông trùm hàng hiệu cho biết, chỉ khi kinh tế Việt Nam mở cửa và phát triển đến một mức độ nhất định, lượng khách quốc tế qua sân bay vượt ngưỡng 2 triệu người mỗi năm thì đối tác hàng hiệu trên thế giới mới cho phép mở các cửa hàng ngoài sân bay.
Tràng Tiền Plaza là điểm nhấn tiếp theo của Johnathan Hạnh Nguyễn về hàng hiệu. Lần đầu tiên tại Việt Nam có một trung tâm thương mại chỉ kinh doanh hàng hiệu với những cửa hàng quy mô lớn, hội tụ đủ thương hiệu hàng đầu của thế giới. Tại đây, “Vua hàng hiệu” có 20 gian hàng.
Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, chỉ riêng tiền đầu tư cho “vẻ ngoài” Tràng Tiền Plaza đã tiêu tốn 20 triệu USD (khoảng hơn 400 tỷ đồng) của IPP. Mỗi gian hàng hạng sang ở đây còn bỏ thêm khoảng 4 triệu USD cho việc thiết kế, trang trí và hàng hoá, tạo nên vẻ sang trọng đặc biệt.
Bình thường, một gian hàng chỉ cần 1-2 tháng là hoàn thành nhưng ở đây các thương hiệu lớn mất từ 6-9 tháng để thi công, hoàn thiện. Họ không muốn có bất kỳ sơ suất nhỏ nào lúc mở cửa, để đảm bảo đẳng cấp thương hiệu giống nhau trên toàn thế giới.
Theo Zing