Anh Nguyễn Thành Ba ở Hà Nội, người đại diện một nhóm người đứng ra mua 4,8 ha đất xây biệt thự Điền Viên Thôn tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì cho biết, việc mua đất có số tờ, số thửa rõ ràng và đã gửi hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận.
Khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn thuộc thôn Chóng (xã Yên Bài, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) gồm nhiều căn biệt thự sầm uất mang phong cách kiến trúc xứ Đoài bắt đầu được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2012.
|
Khu biệt thự mang tên Điền Viên Thôn được xây dựng không phép. |
Sau những thông tin liên quan đến hàng loạt căn biệt thự mang tên Điền Viên Thôn tại thôn Chóng (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) xây dựng không phép, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn thanh tra phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện Ba Vì để thanh tra toàn diện việc xây dựng công trình sai phạm này.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, gần 60 căn biệt thự mang tên Điền Viên Thôn nằm trong diện tích gần 4,8ha là công trình xây dựng sai phép. Toàn bộ diện tích 4.8ha tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì do một cá nhân đại diện mua lại từ các hộ gia đình, cá nhân trong xã Yên Bài nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý qua điện thoại, anh Nguyễn Thanh Ba (SN 1979, ở Hà Nội) cho biết bản thân là người đại diện cho một nhóm người đứng ra mua đất của các hộ dân ở thôn Chóng (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) với ý tưởng xây nhà mang kiến trúc xứ Đoài để ở và phát triển thành một khu nghỉ dưỡng.
Anh Ba cho biết: “Đất bà con bán lại cho chúng tôi có số tờ, số thửa rõ ràng. Chúng tôi mua từ năm 2000-2001. Toàn bộ hồ sơ liên quan chúng tôi có đầy đủ để gửi lên các cơ quan chức năng xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có cả người dân sinh sống tại đây cũng xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp”.
|
1 căn biệt thự đã được đưa vào sử dụng. |
Theo anh Ba, trong số toàn bộ diện tích 4,8ha đất mua lại từ bà con thôn Chóng, xã Yên Bài, có những mảnh đã có sổ đỏ được sang tên chuyển nhượng và nộp thuế cho Nhà nước. Có những cái chưa được cấp do điều kiện và quy hoạch chưa phù hợp.
“Tôi làm xây dựng, thấy mảnh đất đẹp, sau đó vận động anh em chơi với nhau cùng mua. Sau khi mua, anh em chúng tôi chung ý tưởng xây dựng một kiến trúc xứ Đoài để ở và phát triển kinh doanh. Không xây quá 2 tầng/1 căn”, anh Ba nói.
Khi PV hỏi: Vì sao không được các cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận mà đã tiến hành xây dựng?. Anh Ba cho biết: "Năm 2014, xã mới đưa ra quy định là phải có giấy phép xây dựng. Chúng tôi không xây chui, không xây trộm. Thời điểm năm 2014, khi chúng tôi đang xây thêm một căn nhà nữa, cán bộ xã yêu cầu không cho xây và yêu cầu dừng, chúng tôi dừng lại ngay. Chúng tôi không chống đối pháp luật. Trong quá trình xây dựng, có một số anh em trong nhóm thiếu tiền nên bán đi. Vì vậy mới xảy ra việc trao đi bán lại. Cái nào có sổ thì anh em qua huyện nộp thuế để chuyển nhượng, cái nào chưa có chúng tôi vẫn đang đang đề nghị cấp".
Anh Ba cho biết thêm: "Đầu năm 2012, có một công ty thuê lại một số căn để kinh doanh du lịch (Công ty Cổ phần Thăng Long Xanh) và một số căn ở trong làng, họ thuê cách đó 2km, thuê cả vườn chè, rừng keo của người dân để cắm trại. Công ty này không phải là chủ đầu tư".
Khi phóng viên đề nghị cung cấp những giấy tờ liên quan đến việc mua bán chuyển nhượng đất, anh Ba cho biết đang đi công tác nên chưa thể cung cấp cho PV, tuy nhiên cũng đã cung cấp những giấy tờ quan trọng cho các cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của UBND xã Yên Bài: Khu rừng Mu, thôn Chóng, xã Yên Bài huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội có diện tích khoảng 4,8ha thuộc tờ bản đồ số 19 bám theo dưới chân núi Ba Vì. Tại đây, từ những năm 1990 khu vực này có một số hộ dân sinh sống làm nhà ở và vườn trồng cây lâu năm.
Năm 2001-2003, có một số người dân địa phương kết hợp với một số người dân ngoài địa phương đã mua bán chuyển nhượng tại một số thửa đất trong khu vực này theo hình thức tự thỏa thuận không thông qua chính quyền địa phương và các hộ đã sửa chữa lại những căn nhà cũ để phục vụ ở và sinh hoạt theo nhu cầu từng hộ.
Năm 2010, ông Nguyễn Thành Ba ở Hà Nội cùng một số cá nhân khác mua lại của các hộ dân. Việc mua bán trao tay diễn ra qua nhiều năm và không thông qua chính quyền địa phương.
Trong quá trình mua bán, ông Nguyễn Thành Ba đã tổ chức cải tạo một số nhà cũ và xây dựng nhà mới trên khu đất này theo hình thức nhà ba gian kiểu kiến trúc đồng bằng bắc bộ, trồng cây ăn quả. Kể từ thời điểm đó đến này là 57 căn.
Sau khi phát hiện việc tổ chức xây dựng, UBND xã Yên Bài đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính về việc sử dụng đất sai mục đích và xây dựng nhà không có giấy phép, không được cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng.
UBND xã Yên Bài cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng đối với ông Nguyễn Thành Ba xong việc vi phạm trật tự xây dựng này vẫn tiếp tục.
Năm 2015, UBND Huyện Ba Vì cũng thành lập Đoàn kiểm tra để xử lý việc xây dựng nhà trái phép tại khu rừng Mu, xong đến nay vẫn chưa có kết luận của đoàn.
Về nguồn gốc sử dụng đất có các hộ dân ở thôn Chóng xã Yên Bài sử dụng là:
1. Ông Man Văn Bình, sử dụng thửa đất số 14, tờ bản đồ 19, nguồn gốc đất theo bản đồ 299 lưu trữ ở xã là đất hoang.
2. Ông Nguyễn Văn Dàn sử dụng thửa đất số 15, tờ bản đồ số 19, nguồn đốc đất theo bản đổ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất hoang.
3. Ông Nguyễn Văn Chương, sử dụng thửa đất số 16 tờ bản đồ số 19, nguồn đốc đất theo bản đổ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất hoang.
4. Ông Nguyễn Văn Nguyên sử dụng thửa đất số 98+19 tờ bản đồ số 19, nguồn đốc đất theo bản đổ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất hoang.
5. Ông Nguyễn Văn Đức, sử dụng thửa đất số 21 tờ bản đồ số 19, nguồn đốc đất theo bản đổ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất hoang.
6. Ông Nguyễn Văn Lực ( chưa rõ) tờ bản đồ số 19, nguồn đốc đất theo bản đổ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất hoang.
7. Ông Nguyễn Văn Quý sử dụng thửa đất số 82 tờ bản đồ số 19, nguồn đốc đất theo bản đồ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất hoang.
8. Ông Nguyễn Như Sinh sử dụng thửa đất số 26, tờ bản đồ số 19, nguồn gốc đất theo bản đồ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất thổ cư.
9. Ông Khuất Văn Sơn, sử dụng thửa đất số 25, tờ bản đồ số 19, nguồn gốc đất theo bản đồ 299 hiện lưu trữ ở xã là đất thổ cư.
Mời các bạn xem video khu resort trái phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì:
Theo Công Lý