Phạm Nhật Vượng - Tỷ phú đô la đầu tiên Việt Nam
Năm 2013, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup trở thành người Việt Nam đầu tiên được Tạp chí Forbes xếp hạng trong danh sách tỷ phú thế giới với khối tài sản ước tính 1,5 tỷ USD. Trong danh sách này, ông Vượng đứng thứ 974 với 53% cổ phần ở Vingroup. Ông Vượng trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam cũng là tỷ phú đô la đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Năm 2013 cũng là năm bội thu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi ông thu về hàng trăm tỷ đồng trong những phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán. Những cú bứt phá này đã tăng thêm tiềm lực tài chính vô cùng hùng hậu cho ông Vượng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 30/10, vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thu về hơn 300 tỷ đồng. Khi chỉ số VN-Index tăng 1,99 điểm, tương đương 0,4% lên mức 499,7 điểm đã khiến chỉ số VN30Index tăng 1,08 điểm, tương đương 0,19% lên 557,23 điểm. Việc tăng điểm này đã khiến nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, trong đó có cổ phiếu VIC của Vingroup. Giá cổ phiếu của VIC tăng thêm 1.000 đồng/đơn vị cổ phiếu trong phiên giao dịch lên mức 67.000 đồng/cổ phiếu. Việc nắm giữ 284,6 triệu cổ phiếu đã khiến tài khoản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gia tăng thêm 284,6 tỷ đồng. Tương tự, bà Phạm Thu Hương vợ ông Phạm Nhật Vượng cũng thu về gần 50 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch ngày 22/8, trong rổ VN30Index có duy nhất mã cổ phiếu VIC tăng giá 1.000 đồng/cổ phiếu. Phiên giao dịch này, ông Vượng cũng bỏ túi gần 300 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 27/5, cổ phiếu VIC cũng tăng giá mạnh mẽ ở 2.000 đồng/cổ phiếu, lên mức 67.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên này, ông Vượng kiếm được 569,2 tỷ đồng.
Trong năm 2013, ông Vượng còn gây ấn tượng mạnh với dư luận khi khai trương Royal City - trung tâm thương mại dưới lòng đất lớn nhất châu Á. Đây không chỉ là sự kiện nổi bật của năm mà còn là sự kiện đặc biệt của Vingroup, đánh dấu sự lớn mạnh của tập đoàn và tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Royal City hiện đang là điểm đến lý tưởng và yêu thích của dân Việt.
Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tôn Hoa Sen
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen cũng trở nên nổi tiếng hơn nhờ sự kiện đưa diễn giả nổi tiếng thế giới - Nick Vujicic đến Việt Nam diễn thuyết về sự vươn lên trong cuộc sống đối với người khuyết tật.
Sau sự kiện này, ông chủ Tôn Hoa Sen đã thu về món lợi rất lớn. Ngày 24/5, chỉ hai ngày sau khi sự kiện này diễn ra, giá cổ phiếu của Tôn Hoa Sen đã tăng mạng từ 45.000 đồng lên 49.000 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa thị trường của tập đoàn lên 4.938 tỷ đồng tính đến hết phiên sáng 24/5. Với tỷ lệ nắm giữ gần 43 triệu cổ phiếu HSG, tương đương gần 43% cổ phần, tài sản tính theo vốn hóa thị trường của ông Lê Phước Vũ tăng thêm 170 tỷ đồng sau 4 ngày. Trong khi đó, để mời Nick Vujicic, Tôn Hoa Sen chi khoảng 35 tỷ đồng.
Hết quý 3/2013, tỷ lệ sở hữu của ông Vũ đối với cổ phiếu HSG trên sàn chứng khoán là 1.700 tỷ đồng. Với tỷ lệ sở hữu như vậy, ông Vũ đang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Tôn Hoa Sen.
Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát
Ông Trần Đình Long hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Và ông đang được xếp trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Kết thúc tháng 9, Tập đoàn Hòa Phát đạt 1.520 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, theo đó đạt 127% kế hoạch lợi nhuận cả năm và gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu Tập đoàn cũng đạt 68% kế hoạch năm với 12.663 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận thu về trong 9 tháng đầu năm này của Hòa Phát, Trần Đình Long đã thu lợi thêm được hơn 366 tỷ đồng. Vợ ông Long - bà Vũ Thị Hiền cũng “bỏ túi” hơn 120 tỷ đồng với việc nắm giữ gần 8% cổ phần của Tập đoàn Hòa Phát. Bà Hiền hiện cũng nằm trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 14/11, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tăng khá mạnh với mức tăng 5,6%. Đóng cửa phiên giao dịch, HPG chốt giá 39.900 đồng/cổ phiếu, tăng 2.100 đồng/cổ phiếu, giá cao nhất tính từ 11/6. Phiên giao dịch đã mang lại cho ông Long thêm trên 21 tỷ đồng. Tính giá thị trường hơn 101 triệu cổ phiếu của ông Long ở Hòa Phát này thì tài sản của ông trên sàn chứng khoán tương đương 4.050 tỷ đồng.
Trong 3 phiên giao dịch giữa tháng 9, cổ phiếu HPG đã tăng 2.100 đồng, từ mức 30.900 đồng lên 33.100 đồng/cổ phiếu. Với mức tăng ấn tượng này, ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát đã kiếm được thêm hơn 222 tỷ đồng.
Ông Long còn là một trong số ít các đại gia chơi "vượt tầm" khi vung hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng. Năm 2010, ông Trần Đình Long đã bỏ ra 5 triệu USD để sở hữu chiếc trực thăng riêng với chi phí nuôi dưỡng hàng tháng được tính toán lên tới 2 tỷ đồng. Gần đây, ông đã đổi chiếc 6 chỗ bằng máy bay mới loại 12 chỗ cùng chủng loại, có giá trị 7 triệu USD.
Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai từng là người kiếm tiền giỏi nhất sàn chứng khoán năm 2012. Năm nay, tiếng tăm của bầu Đức càng được củng cố hơn với việc đầu tư bất động sản mạnh mẽ ở Myanmar.
Sau những lùm xùm về bất động sản ở Myanmar như việc bị tố là “lừa” cổ đông qua Myanmar mua bất động sản nhưng sau đó bầu Đức vẫn kiếm trăm tỷ đồng. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 15/10, chỉ số VN-Index tăng 2,1 điểm, tương đương 0,43% lên mức 495,72 điểm. Chỉ số VN30Index theo đó cũng tăng 2,42 điểm, tương đương 0, 44 % lên 553,9 điểm.
Giá cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tăng lên mức 21.400 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng 300 đồng/cổ phiếu. Với việc sở hữu gần 311.605.030 cổ phiếu HAG, tương đương 43,39%, với biên độ tăng này, tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ của bầu Đức đã tăng lên hơn 93 tỷ đồng.
Trước đó, với việc mời câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới Arsenal sang Việt Nam hồi tháng 7/2013 đã giúp bầu Đức kiếm 200 tỷ đồng/ngày.
Điển hình, trong phiên giao dịch 16/7, chỉ số VN30Index tăng 1,15 điểm, tương đương 0, 21 % lên 549,75 điểm. Giá cổ phiếu của HAG đã tăng lên mức 22.400 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức đã tăng lên 208 tỷ đồng.
Hải Sơn (tổng hợp)