Vụ việc vợ ông Huỳnh Uy Dũng (hay còn gọi là Dũng "lò vôi", Chủ khu di lịch Đại Nam) - bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, trụ sở ở tỉnh Bình Dương), tặng vườn cao su trị giá 170 tỷ đồng cho bộ đội Trường Sa đang được dư luận rất quan tâm và ngưỡng mộ. Bởi lẽ, việc làm này chứng tỏ hảo tâm của một doanh nhân thành đạt với cộng đồng. Tuy nhiên, gần đây, dư luận lại càng xôn xao vì đằng sau việc này là những câu chuyện dài chưa kể.
Năm 2001, bà Nguyễn Phương Hằng góp vốn cùng ông Trần Văn Thìn (SN 1963, quê Bến Tre, tạm trú quận 8, TP.HCM) thành lập Công ty TNHH Đông Nam Long theo tỷ lệ 50/50, đặt trụ sở tại 490/58A Lê Quang Định, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM (văn phòng chính tại 281A Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM) để trồng cây cao su, sản xuất và kinh doanh giống cây cao su và các loại cây công nghiệp.
Công ty Đông Nam Long đã thuê dài hạn 560 ha đất của tỉnh Bình Phước để trồng cao su. Trong quá trình làm ăn, tháng 10/2006, ông Thìn và bà Hằng chính thức kết hôn. Nhưng cuộc hôn nhân này diễn ra ngắn ngủi khi chỉ 2 năm sau đó, 2 người ly hôn khi đã có với nhau 1 con chung.
|
Bà Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: Người đưa tin. |
Cuối năm 2007, ông Thìn và bà Hằng thống nhất phương án giải thể Công ty Đông Nam Long và phân chia số tài sản. Hai bên thỏa thuận, ông Thìn nhận trên 200 ha diện tích đất trồng cao su trên và bà Hằng được chia nhiều hơn, trên 360 ha đất.
Tuy nhiên, sau đó, ông Thìn vẫn lén lút duy trì hoạt động của Công ty Đông Nam Long, không thông qua bà Hằng. Ông Thìn còn giả mạo chữ ký bà Hằng để chuyển công ty về Bình Phước nhằm chiếm đoạt tài sản. Ông Thìn đã qua mặt được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh mới, dấu mộc mới. Đến giữa năm 2012, cơ quan chức năng Bình Phước mới phát hiện ra.
Đầu năm 2011, bà Hằng phát hiện ra ông Thìn chiếm đoạt 360 ha của mình và khởi kiện ra tòa. Cuối tháng 5/2012, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an phía Nam đã khởi tố, bắt giam ông Thìn để điều tra về 2 tội danh: "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ngay sau khi có kết luận điều tra thì bà Hằng quyết định tặng 360 ha cao su này cho bộ đội Trường Sa.
Nhiều ý kiến ngay lập tức bày tỏ quan điểm không còn đồng tình và cảm phục bà Hằng về thiện nguyện này. Nguyên nhân là mảnh đất tranh chấp này chắc gì đã được coi là tài sản của bà Hằng. Và việc bà hiến tặng mảnh đất đang gây tranh cãi thì nhằm mục đích gì?
Trao đổi về vụ việc này với Kiến Thức, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật sư BQH và cộng sự cho biết, vụ việc bà Hằng tố ông Thìn chiếm đoạt trên 360 ha đất của bà, tuy tòa án chưa xử kiện nhưng cơ quan điều tra đã có kết luận về hành vi phạm tội của ông Thìn. Theo đó, ông Thìn có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Hằng. Nếu sự việc đúng như kết luận của cơ quan điều tra thì tòa án xét xử có thể sẽ theo hướng trả lại tài sản cho bà Hằng.
Tuy nhiên, do chúng ta không biết đằng sau câu chuyện về diện tích đất cao su trên, giữa bà Hằng và ông Thìn còn có giao dịch nào khác đối với diện tích cao su đó không, nên nếu tòa án xác định rằng diện tích cao su mà bà Hằng dự định tặng cho bộ đội Trường Sa sẽ không còn vướng vào bất cứ giao dịch nào khác thì việc tặng cho này có thể làm thủ tục trong tương lai sau khi tòa án đưa ra bản án có hiệu lực, luật sư Bùi Quang Hưng nhận định.
Luật sư Hưng cũng nói thêm, việc bà Hằng đưa ra tuyên bố tặng đất cho bộ đội Trường Sa là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do không biết cụ thể đơn vị nào của bộ đội Trường Sa có thể nhận diện tích đất 360 ha nên khó có thể tư vấn có nhận được hay không. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản là một đơn vị của bộ đội Trường Sa sẽ tiếp nhận vườn cao su và chăm sóc để toàn bộ nguồn thu hoạch phục vụ bộ đội Trường Sa hoặc vườn cao su được bán đi thì toàn bộ nguồn thu sẽ thành quỹ phục vụ kinh tế cho bộ đội Trường Sa.
Đứng ở góc độ tâm lý, trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho hay: Trong vụ việc này, bà Hằng có thể do muốn ổn định tâm lý với chồng mới (là ông Huỳnh Uy Dũng) nên muốn dứt bỏ mọi thứ liên quan với chồng cũ (là ông Trần Văn Thìn). Mặt khác, diện tích đất trên 360 ha cũng đã bỏ bẫm từ lâu vì không được bà Hằng đầu tư kinh doanh nên bà Hằng có thể cũng muốn hồi sinh mảnh đất này bằng cách trao tặng cho người khác.
Hành động cho đất của bà Hằng là một hành động đáng được khen ngợi. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng thì diện tích đất này không phải là đất của cá nhân bà Hằng mà đó chỉ là đất bà Hằng thuê dài hạn của tỉnh Bình Phước. Tức là với danh nghĩa là cho đất nhưng thực chất là chuyển nhượng quyền sở hữu đất đó sang cho một người khác, một đơn vị khác hay chuyển nhượng thời gian sử dụng đất còn lại cho một người khác, một đơn vị khác.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cũng cho rằng, việc vợ ông Huỳnh Uy Dũng tặng đất cho bộ đội Trường Sa là hành động muốn dứt khỏi thửa đất mà trước kia đã từng dính đến kiện tụng, dứt khỏi những lằng nhằng xung quanh thửa đất không đáng có với chồng cũ.
Còn về phía bộ đội Trường Sa, nếu được nhận diện tích đất trên, các chiến sĩ đều có tâm lý phấn chấn và trân trọng vì đó là món quà, là tài sản lớn được nhận. Tuy nhiên, tâm lý phấn chấn của các chiến sĩ cũng sẽ phụ thuộc vào yếu tố là mảnh đất đó phải là tài sản minh bạch hay không.
Trước sự ồn ào của dư luận, mới đây trả lời báo giới, bà Hằng cho biết, giữa tháng 12/2013, bà sẽ cho luật sư liên lạc với cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục pháp lý ủy quyền, công chứng, cho - tặng... nhằm trao toàn bộ tài sản mà bà được phân chia cho bộ đội Trường Sa. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đại diện bộ đội Trường Sa có thể phát mãi chuyển thành tiền, sử dụng nguồn tiền đó phục vụ đời sống các chiến sĩ.
Minh Phương