"Đắng lòng" loạt vụ nữ đại gia Việt bị trai Tây lừa tiền tỷ

Google News

(Kiến Thức) - Hàng loạt nữ đại gia Việt lên mạng kết bạn với trai Tây đã bị họ dùng độc chiêu lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.

80 quý bà Việt bị trai Tây lừa hơn chục tỷ đồng
Tháng 4/2016, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP HCM), đã triệt phá băng nhóm người nước ngoài chuyên lừa đảo qua mạng xã hội chiếm đoạt số tiền hàng chục tỷ đồng từ các nữ đại gia Việt. Những người đàn ông gốc Phi câu kết với băng nhóm tội phạm trong nước lừa hơn 80 phụ nữ Việt, chiếm đoạt hơn chục tỷ đồng bằng phương thức "chuyển phí nhận quà".
Theo trung tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8 (PC46), quá trình điều tra, cảnh sát tạm giữ 7 người để làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức.
Họ gồm 2 người mang quốc tịch Nigeria, tạm trú tại quận 12, tên Ihugba Agustine Chinonso (30 tuổi) và Onu Chinonoso Peter (31 tuổi). Và 5 người Việt, trong đó có Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (24 tuổi, quê Nghệ An) và Trần Viết Hùng (34 tuổi, ở Hà Nội).
Các nghi phạm lừa đảo tại trụ sở cảnh sát. Ảnh: Zing. 
Cơ quan điều tra xác định, băng nhóm này thường dùng thủ đoạn vờ làm quen các phụ nữ Việt trên mạng xã hội. Quá trình nói chuyện, chúng nhận mình là những người nước ngoài giàu có, ngỏ ý muốn tặng quà cho họ.
Nạn nhân nào muốn nhận quà phải gửi tiền phí để làm thủ tục hải quan. Băng tội phạm sau đó chiếm đoạt số tiền này của bị hại.
Thời gian qua có không ít các trường hợp "quý bà" Việt bị trai Tây lừa tiền tỷ.
Sập bẫy trai Tây, 21 quý bà mất trắng hàng tỷ đồng
Qua quá trình điều tra, vào tháng 10/2015, công an TP HCM phát hiện 21 phụ nữ Việt bị nhóm người đàn ông nước ngoài lừa tiền, tổng số hơn 1,6 tỷ đồng.
3 đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nữ đại gia Việt bị công an TP HCM ra thông báo truy tìm là Chikelu Tobechukwu Samson (33 tuổi), Nkwocha Peter Emeka (45 tuổi) và Nmoruka Samuel Obumneme (38 tuổi) đều mang quốc tịch Nigeria.
Qua điều tra, công an xác minh một người phụ nữ tự xưng là Nguyễn Thị Ngọc L., người này bị các nạn nhân tố cáo có hành vi giúp sức cho nhóm người Nigeria trên thực hiện các vụ lừa tình, tiền.
Theo nạn nhân trình báo, thông qua các trang mạng xã hội, các kẻ lừa đảo làm quen với các nạn nhân, sau đó hứa hẹn sẽ qua Việt Nam để cưới hỏi, tặng quà, tiền cưới… rồi thực hiện hành vi lừa tình, tiền của các nạn nhân.
Khi nạn nhân tin tưởng, đối tượng lừa đảo thông báo đã gửi quà, tiền cho nạn nhân để làm lễ vật đính hôn, mua nhà cửa, lo các thủ tục kết hôn... Tuy nhiên để nhận được những món quà trên, phụ nữ phải đóng hàng chục triệu đồng tiền cước phí.
Nghi can Chikelu Tobechukwu Samson được cho là người cầm đầu nhóm lừa đảo. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Có vai trò giúp sức cho nhóm đàn ông người Nigeria là Lê Dũng Tuyến và Trần Thuyên Lý - hai bị can đứng tên mở các tài khoản tại các ngân hàng ở Việt Nam.
Khi bị bắt, Trần Thuyên Lý khai đầu năm 2010, Lý quen biết với Samson và một số người đàn ông quốc tịch Nigeria. Những người này nhờ bà Lý mở tài khoản ở ngân hàng để “giao dịch”. Đổi lại họ hứa khi rút được tiền sẽ trích 10% “hoa hồng” để thưởng công cho bà Lý.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện có khoảng 21 phụ nữ bị nhóm người đàn ông Nigeria nêu trên lừa tiền, với tổng số tiền nhóm này chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng.
Tin trai Tây vạm vỡ, quý bà đưa ngàn đô nhận quà
Cũng trong năm 2015, chị Nguyễn Thị Mai (40 tuổi) trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã siêu lòng đưa cả nghìn USD chuyển khoản cho một chàng trai nước ngoài với mong muốn được nhận quà.
Cơ quan công an quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã tiếp nhận đơn của chị Mại phản ánh về tình trạng bị một người đàn ông ngoại quốc tên là Edward Archie lừa đảo hàng ngàn USD. Theo lời khai của chị Mai, tháng 10/2015, khi vào facebook, chị Mai thấy có một tài khoản tên Edward Archie gửi lời mời kết bạn.
Vào xem ảnh đại diện, thấy anh chàng ngoại quốc đẹp trai, vạm vỡ, chị đã đồng ý kết bạn. Ít lâu sau chị và chủ nhân tài khoản Edward Archie thường xuyên nhắn tin qua lại trên facebook bằng tiếng anh.
Qua trò chuyện, chị Mai được biết chàng trai là một doanh nhân sống tại Anh, đã ly hôn vợ và đang nuôi con gái nhỏ. Edward Archie tâm sự muốn tìm một người phụ nữ Việt Nam để sống cùng và chăm sóc con.
Chị Mai dù đã có chồng, nhưng khi thấy chàng trai ngoại quốc tâm sự vậy liền tìm cách đùa giỡn. Chị cho biết mình đang là bà mẹ đơn thân, cũng thiếu thốn tình cảm. Ít lâu sau khi tìm được tiếng nói đồng cảm, Archie ngỏ lời tỏ tình với chị và sẽ sớm sang Việt Nam để tính chuyện lâu dài.
Một tài khoản Facebook đối tượng sử dụng để lừa đảo "quý bà" Việt Nam. Ảnh: CAND.
Ngày 5/12/2015, Edward Archie nhắn tin cho chị Mai đã gửi cho chị một thùng quà toàn đồ hiệu thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế và giấu một khoản tiền lớn để tiện cho việc chi tiêu khi sang Việt Nam. Edward Archie nhờ chị Mai làm các thủ tục thanh toán để nhận hàng.
Chị Mai khoe với chồng lừa được chàng trai Tây khoản tiền lớn. Bị chồng ngăn cản nhưng chị vẫn không nghe, kiên quyết làm đến cùng. Hai ngày sau, một người phụ nữ tự nhận là nhân viên chuyển phát nhanh tại TP.HCM liên hệ với chị Mai cho biết đang giữ thùng hàng chứa nhiều đồ dùng giá trị và yêu cầu chị phải chuyển 2000 USD tiền thuế.
Chiều cùng ngày, cũng nhân viên này gọi điện thoại yêu cầu chị đóng 10% lệ phí vì khi soi chiếu qua cửa hải quan phát hiện số tiền 70.000 USD. Chị Mai tiếp tục gửi thêm 7000 USD để mong được nhận quà.
Sau đó mấy ngày, một nhân viên lại gọi điện đến đề nghị chị đóng thêm 15.000 USD “phí bảo hiểm”, nếu muốn nhận hàng sớm.
Dù không còn tiền nhưng ham quà tặng đắt tiền và số tiền lớn cất giấu chị tiếp tục đi vay và gửi thêm 7.500 USD vào tài khoản ngân hàng.
Sau khi chuyển khoản tiền lớn, chị liên lạc với người tình ngoại quốc nhưng không được. Biết bị lừa, chị đến cơ quan công an để trình báo.
Quý bà ở Sài Gòn bị lừa cả chục ngàn USD
Chị Phạm Thị Thu Thủy (chủ một tiệm tạp hóa, ngụ tại quận 1, TP HCM) đã bị người đàn ông gốc Phi lừa cả chục ngàn USD sau khi quen qua mạng xã hội và sống chung với nhau. Chị Thủy đã ngoài 40 tuổi song vẫn còn khá trẻ.
Qua mạng xã hội, chị Thủy có người yêu là James (một chủ thầu xây dựng ở Mỹ). James bảo rằng anh là người Mỹ, nhưng gốc Phi nên dung nhan có phần… khiêm tốn. Song vì thấy James chụp ảnh đứng bên chiếc Mercedes cáu cạnh, cùng tòa biệt thự lộng lẫy nên chị Thủy bỏ qua vẻ ngoài đó.
Gặp nhau vài lần, chị Thủy dẫn người yêu về nhà sống chung như vợ chồng. Chị đưa người yêu đi chơi nhiều nơi trong TP HCM, rồi đi biển Vũng Tàu, Mũi Né, Phú Quốc… Tất cả chi phí cho chuyến đi chơi do chị Thủy đứng ra chi trả.
Sau đó, James mượn tài khoản ngân hàng của chị, nói là có đối tác muốn chuyển tiền mà giấy tờ thất lạc nên chưa kịp làm Master Card.
Ít hôm sau, người tình nói với chị Thủy là phải bay về nước có việc. Sau khi trở lại TP HCM thì sẽ mua nhà sắm xe và tính chuyện lâu dài với chị.
Nhưng chị Thủy liên lạc mãi không được. Số tiền cả chục ngàn USD chị cho hắn ta vay biến mất.
Các mánh lới lừa tiền quý bà Việt của trai Tây
Khoảng tháng 7/2011, bà Đinh Thị Diệu (ngụ quận 7) tham gia vào một trang mạng xã hội (địa chỉ www.tagged.com) thì có một người đàn ông xưng tên Renzo Roland (47 tuổi) "nhảy vào" làm quen. Sau một tháng quen trên mạng, Renzo Roland nói sẽ về Việt Nam để làm đám cưới với bà Diệu.
Đến ngày ghi trên vé máy bay (vé gửi qua email), bà Diệu ra sân bay Tân Sơn Nhất để đón nhưng không thấy ông Renzo Roland đâu và cũng không có chuyến bay nào như ông Renzo Roland nói.
Ngay sau đó, Renzo Roland gọi điện thoại cho bà Diệu nói là đang ở sân bay Nội Bài - Hà Nội và đang bị Hải quan sân bay bắt giữ do mang tiền theo với số lượng lớn. Renzo Roland nhờ bà Diệu giúp 1.000 USD để đóng phạt, khi lấy tiền ra được Renzo Roland sẽ trả lại.
Nhiều phụ nữ kết bạn với trai Tây qua mạng đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Ảnh: Công an nhân dân.
Theo hướng dẫn của Renzo Roland, bà Diệu chuyển tiền vào tài khoản số tiền 20.810.000 đồng (tương đương 1.000 USD). Sau khi nhận được tiền trên, Renzo Roland tiếp tục yêu cầu bà Diệu đưa tiếp 3.000 USD để "lót tay" cho cán bộ sân bay để vụ việc được giải quyết nhanh chóng. Mặc dù không có tiền, nhưng bà Diệu cũng cố vay mượn và chỉ gửi thêm được 10.420.000 đồng (tương đương 500 USD).
Không dừng lại ở đó, Renzo Roland tiếp tục yêu cầu bà Diệu gửi thêm tiền để mua đồ ăn vì nhân viên sân bay không cho ăn uống. Xót lòng, bà Diệu chắt chiu gửi tiếp 2 triệu đồng cho Renzo Roland. Sau khi nhận được tiền, Renzo Roland lại tiếp tục yêu cầu bà Diệu phải gửi thêm tiền. Thấy mình đã bị lừa, bà Diệu không gửi tiền nữa và trình báo với cơ quan điều tra.
Cũng có nhu cầu tìm bạn trên mạng, bà Lê Thị Ánh Hồng (ngụ quận Thủ Đức) tham gia vào một trang mạng xã hội và quen một người tên Raymond Cole (Quốc tịch Anh, 39 tuổi, nghề nghiệp thủy thủ).
Khoảng tháng 11/2010, Raymond Cole nói sẽ đến Việt Nam du lịch và muốn gửi đồ qua trước. Khoảng hai tuần sau, bà Hồng nhận được email và điện thoại của Công ty Vận chuyển Global Shipping Company London gửi yêu cầu chuyển 1.000 USD (phí vận chuyển hàng hóa từ Malaysia đến Việt Nam), nếu không hàng sẽ không được chuyển đến.
Tìm cách liên lạc với Raymond Cole không được nên ngày 23/11/2010, bà Hồng đã gửi 19.480.000 đồng (tương đương 1.000 USD) vào tài khoản theo hướng dẫn của đại diện Công ty Vận chuyển Global Shipping Company London. Khoảng hai ngày sau, công ty này yêu cầu bà Hồng gửi tiếp 6.000 USD phí bảo hiểm vì hàng này có giá trị lớn.
Tin lời, ngày 1/12/2010, bà Hồng tiếp tục gửi 116.820.000 đồng (tương đương 6.000 USD). Sau khi nhận tiền, công ty này lại tiếp tục yêu cầu bà Hồng gửi tiếp 10.000 USD để đóng phí hải quan vì hàng đang bị Hải quan Mailaysia bắt giữ. Đến lúc này, bà Hồng mới biết là mình đã bị lừa...
Với những thủ đoạn như trên, các đối tượng người nước ngoài đã lừa rất nhiều phụ nữ Việt tìm bạn qua mạng.
Thảo Nguyên (tổng hợp)