Từng có 2 đời chủ trước đây, Buford sau khi “rơi” vào tay thị trưởng người Việt Nam chỉ chưa đầy 16 tháng đã được thay tên đổi họ. Thị trưởng Nguyên cho biết đã đầu tư vài trăm ngàn USD vào đây nhưng việc “đầu tư” là đóng góp lớn nhất mà ông làm cho thị trấn này. Tất cả các bảng tên đường dẫn vào thị trấn, bảng hiệu đều đổi thành Buford PhinDeli.
|
Một góc thị trấn Buford - Ảnh: Reuters |
Thị trấn “Cà phê phin ngon”
“Đổi tên thị trấn có thể có người thích người không thích, người ủng hộ người phản đối nhưng tạo sự tò mò. Có thể người Mỹ ghé lại chỉ để coi thằng cha dở hơi người Việt làm ăn ra sao trên thị trấn này. Tất cả các việc đó dù tốt dù xấu đều tạo sự chú ý rất lớn cho thị trấn này. Đấy mới là khởi đầu để tiếp thị hàng Việt”, ông Nguyên chia sẻ. Cũng theo ông Nguyên, việc đổi tên thị trấn và ra mắt cà phê PhinDeli với hy vọng cả nước Mỹ biết đến cà phê Việt Nam khi đây là thị trấn có được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế. Vì vậy, “mình làm gì trên thị trấn này truyền thông Mỹ, quốc tế đưa tin, nhiều người biết được. Đổi tên thị trấn là cách giới thiệu cà phê PhinDeli ra thị trường Mỹ rẻ nhất, hiệu quả nhất”, ông Nguyên nói.
|
Thị trưởng Phạm Đình Nguyên tại lễ ra mắt thương hiệu cà phê PhinDeli và công bố đổi tên thị trấn Buford - Ảnh: C.T.V |
Theo Thị trưởng Phạm Đình Nguyên, cà phê PhinDeli là sản phẩm thuần Việt. Ông giải thích thêm rằng chữ "Phin" trong PhinDeli là cái phin để pha cà phê, biểu tượng của cách chế cà phê độc đáo chỉ có ở Việt Nam. "Deli" là chữ viết tắt của "Delicious", nghĩa là ngon. Ghép lại có nghĩa là “cà phê phin ngon”.
Sở dĩ, ông không chọn tên rặt "Tây" vì sẽ không mất ý nghĩa về nguồn gốc cà phê Việt. Tuy nhiên, chọn tên thuần Việt thì người Mỹ, người châu Âu khó đọc, khó nhớ. Vì vậy, ông đã tìm cách "liên thông" cả Việt lẫn Mỹ và cái tên PhinDeli được chọn.
“Ý tưởng điên”
Lâu nay, không ít người cho rằng ông Nguyên bỏ ra 900.000 USD mua thị trấn Buford chỉ vì chiếc “thẻ xanh” định cư tại Mỹ hoặc đơn thuần là chơi trội. Quả thật, việc đấu giá thành công vào tháng 4.2012 để trở thành ông chủ của Buford đã giúp tên tuổi Phạm Đình Nguyên được nhắc đến rộng rãi hơn rất nhiều. Và nay, tiếng tăm còn vang xa hơn khi “thay tên đổi họ” thị trấn Buford. Chia sẻ về việc này, ông Nguyên thẳng thắn cho biết mình mua Buford ngay trong lần đầu đến Mỹ và lúc đó cũng chưa biết thẻ xanh, thẻ đỏ là gì. “Thị trấn Buford đã làm tài sản chung của doanh nhân Việt Nam, có giá trị tinh thần rất lớn nên dù có lời cũng không bán. Trên thực tế có người hỏi mua lại nhưng tôi không bán. Tôi muốn biến nơi đây thành showroom hàng Việt, làm bàn đạp tinh thần cho hàng Việt tấn công thị trường Mỹ”, vị thị trưởng này khẳng định.
|
Thị trưởng Phạm Đình Nguyên (bìa phải) trả lời phỏng vấn xung quanh việc đổi tên thị trấn Buford - Ảnh: C.T.V |
Tuy nhiên, Thị trưởng Nguyên cho biết cũng đang chịu áp lực không kém. Ông bị bạn bè nói “điên" khi mượn tiền mua thị trấn và ôm “cục nợ”. Họ hỏi ông có thu lại được đồng nào chưa? Có cho thuê, có phân lô bán nền thị trấn Mỹ chưa? Ngay cả ý tưởng biến nơi “khỉ ho cò gáy” Buford thành “căn cứ” để hàng Việt tấn công thị trường Mỹ cũng bị chê là... điên.
“Nhiều doanh nhân gặp bàn chuyện đưa hàng Việt qua Mỹ nhưng họ không có niềm tin ở tôi. Họ nghĩ ông này chỉ nói mà không làm, nên tôi phải làm để cho họ thấy. Ngay cả khi đưa ra ý tưởng đổi tên thị trấn Buford, rất nhiều ý kiến phản đối, nghi ngờ, cho là “bất khả thi” nhưng tôi đã làm được. Điều này cho thấy tinh thần doanh nhân Việt Nam không gì là không thể. Và việc ra mắt cà phê PhinDeli tại Mỹ là khởi đầu cho việc khẳng định hàng Việt trên đất Mỹ, tạo niềm tin cho doanh nhân Việt Nam, đồng thời chứng minh “tôi nói được làm được chứ không phải nổ!”, ông Nguyên quyết tâm.
Đổi tên kiểu Mỹ
Với mô hình nhà nước theo kiểu phân tán quyền lực của Mỹ, mọi khu vực dân cư hay đơn vị hành chính của nước này đều có thể tự đặt tên, đổi tên hay xóa tên tùy ý miễn là đạt được sự đồng thuận chung của cư dân địa phương và không vi phạm các quy định về an ninh, bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ... Theo website của Bộ Nội vụ Mỹ, sau khi đổi tên hay đặt tên mới, địa phương sẽ đề xuất lên Ban Định danh địa lý quốc gia (BGN) để đưa vào danh mục chung và sử dụng trên toàn quốc. Hầu như BGN luôn chấp nhận các đề xuất trừ những trường hợp như tên địa phương quá quái dị hay mang tính xúc phạm thì cơ quan này có thể không cho phép sử dụng trên bình diện quốc gia. Mọi tranh chấp nếu có sẽ được phân xử ở tòa án.
Hồi năm 2000, chính quyền thị trấn Halfway, bang Oregon đồng ý đổi tên thành Half.com trong vòng 1 năm để quảng bá cho website mua bán trực tuyến cùng tên. Đổi lại, thị trấn sẽ được nhận 20 máy vi tính và các hỗ trợ tài chính khác, theo tạp chí Mental floss. Một trường hợp đổi tên nổi tiếng nữa là thị trấn DISH ở Texas. Ban đầu, nơi này mang tên Clark nhưng đến năm 2005, chính quyền quyết định đổi vĩnh viễn thành DISH, theo tên một hệ thống truyền hình vệ tinh của Tập đoàn EchoStar để đổi lấy 10 năm xem truyền hình cáp miễn phí.
Theo Thanh Niên