Cách đây không lâu, một đại gia Việt đã sẵn sàng bỏ ra 6 tỷ để chỉ sở hữu một chiếc giường phong cách hoàng gia. Giá gốc của chiếc giường cộng chi phí đóng gói, vận chuyển trên 184.000 USD, chưa tính thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu hàng đặc biệt.
Khi đưa giường về đến Việt nam, nhà sản xuất cử nghệ nhân từ Vương quốc Anh sang ráp 2 ngày, thời gian bảo hành 25 năm.
Tương tự như vậy, cách đây không lâu, một đại gia khác chi gần 2 tỷ đồng để mua chiếc đèn sản xuất thủ công tại Ý. Theo KTS Phạm Tú, gu thẩm mỹ ngày càng cao đi cùng điều kiện sống cải thiện nên số tiền người Việt chi tiêu mua sắm nội thất xa xỉ, đặc biệt hàng nhập khẩu từ các quốc gia châu Âu cũng lớn dần lên.
|
Nội thất cao cấp đổ bộ vào Việt Nam. |
Theo thống kê của Concetti, riêng năm 2017, người Việt chi khoảng 15,6 triệu USD để nhập khẩu nội thất cao cấp từ Italy. Số liệu từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho hay, với quy mô gần 95 triệu người, mức tiêu dùng đồ gỗ năm 2017 ước đạt trên 3,2 tỷ USD.
Năm 2018, con số này có thể lên đến 4 tỷ USD. Theo Paolo Lemma, Tham tán thương mại Italy, cùng sự phát triển của thị trường bất động sản, nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Ông Lý Quí Trung, CEO AKA Furniture Group đánh giá, nhu cầu tiêu thụ nội thất thuộc nhóm cao cấp nhất thì Việt Nam cũng không thiếu.Thị trường nội thất Việt Nam đặc biệt so với các nước khác ở chỗ thu nhập bình quân đầu người thuộc loại thấp nhưng nhu cầu về nội thất cao cấp không thua Hong Kong, Singapore. Ông Trung lấy dẫn chứng, nhiều khách hàng tại Hà Nội và Tp.HCM có nhu cầu rất nội thất rất cao như châu Âu.
Nhận thấy tiềm năng, rất nhiều thương hiệu nội thất cao cấp như Baxter, Ceccotti Collezioni, Savio Firmino, Walter Knoll,… đổ bộ vào Việt Nam. Bellavita Luxury, đơn vị phân phối các thương hiệu nội thất Italy trong đợt 'chào sân' này, xác nhận cụm showroom vừa mở cũng là trung tâm nội thất cao cấp Italy và châu Âu lớn nhất Hà Nội hiện nay.
Sự xuất hiện của các thương hiệu quốc tế đã tạo nên cuộc cạnh tranh sôi động trong thị trường bởi doanh nghiệp trong nước quan tâm hơn đến phân khúc tiềm năng này. Dự báo sự phát triển của thị trường bất động sản, nội thất cao cấp đang trên đà tăng trưởng sẽ thu hút khoảng 40%.
Trước đó, nhiều thương hiệu khác Cassina, Badari Lighting, Cantori, Diemme Cucine, Formitalia, Officina Luce, Sicis, Versace Home cũng có mặt tại Việt Nam thông qua các doanh nghiệp phân phối nội địa.
Sự góp mặt của các thương hiệu nội thất cũng sẽ thay đổi gu thẩm mỹ của người Việt. Ông Trung cho biết, ở các nước phương Tây, với ngành hàng nội thất, có thể không cần mở showroom lớn, tất cả bán qua catalogue và các kênh online, cộng thêm một vài địa điểm offline là đủ. Nhưng tại Việt Nam, họ vẫn cần showroom để khách hàng tới chiêm ngưỡng, định hình không gian bài trí. Bởi không phải ai cũng có ý tưởng hay "gu" thẩm mỹ trong đầu.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường nội thất cao cấp, ông Trung cho rằng, gian hàng tại Hà Nội chính là bước đi lớn đón đầu hướng tới những người có thu nhập cao và khả năng chi trả lớn. Nội thất cao cấp đặc biệt phù hợp với Hà Nội hơn là TP.HCM.
Ông Trung cũng tiết lộ, doanh số nội thất cao cấp phía Bắc cao hơn trong Nam. "Người Bắc có thể sẵn sàng chi tiền cho những món đồ đắt nhất, đẹp nhất.
Theo Nam Hải/Vietnamnet