Không phải vì giàu có mà dân Qatar phung phí, họ tiết kiệm từng giọt nước, mua bán cũng nhấc lên, đặt xuống như thể dân nghèo. Đó là chuyện ít người biết khi nhắc đến xứ sở thu nhập cao nhất thế giới.
Để có một chuyến ra nước ngoài trong thời buổi này có vẻ không khó lắm. Với tấm hộ chiếu đứng thứ 75/95 quốc gia, người Việt Nam có thể đi 48 nước mà không cần đến visa; còn những nước đòi hỏi có thị thực nhập cảnh thì hoặc là xin giấy mời của dân sở tại, hoặc qua đường ngoại giao; cách cuối cùng là theo tours du lịch. Mà cánh tay của các hãng du lịch chúng ta giờ đây đã vươn ra có thể nói là khắp bốn biển, năm châu.
Nhưng có những nước không thể nào nhờ đến dân sở tại; không thể chi tiền; cũng không thể vin vào cánh tay các tours du lịch, chỉ duy nhất bằng con đường ngoại giao mới tới được. Cộng hòa Qatar – Thủ đô Doha là một nơi như vậy.
Xứ sở thu nhập cao nhất thế giới
Rời Thổ nhĩ kỳ chừng hai tiếng, ngồi trên máy bay đã có thể nhìn thấy đất và biển Quatar. Trắng xóa và xanh biếc là hai màu chủ đạo của Qatar, đó là màu trắng nhức mắt của sa mạc bao phủ, kéo dài, và màu xanh thẫm như tranh vẽ của biển cả. Lác đác trên sa mạc có những chấm xanh, khẳng định nơi đây tồn tại sự sống.
Nhưng khi máy bay hạ thấp chiều cao, càng gần đến Thủ đô Doha, thì hai vệt trắng- xanh hiện hình thêm hàng loạt cao ốc, những con đường kéo dài như đặt thước kẻ, hai bên là những vệt cây, những ốc đảo xanh và trong vịnh biển, hàng loạt tàu buồm neo đậu.
So với nhưng sân bay loại tầm cỡ tôi có dịp ghé qua như Hongkong, Seremetievo, Singapo, Charles de Gaulle … thì sân bay Doha khiêm tốn hơn, nhưng sự hào nhoáng và hiện đại thì chưa chịu đứng sau một sân bay nào. Đặc biệt là giàn máy bay, có đường bay khắp thế giới, gần như mới tinh mua từ đủ các hãng nổi danh nhất. Trong lúc ở các nước, có những máy bay tuổi 25, 20 vẫn đang được sử dụng, thì hàng không Qatar chỉ chơi toàn máy bay hầu như chỉ mới bay xong rốtđa, tức là đang trong chế độ bảo hành ban đầu.
Mặc dù nằm ở Trung Đông, nhưng sân bay Doha là địa điểm trung chuyển của cả phương Đông và phương Tây với đường bay ngắn và tiết kiệm nhất. Sự nhộn nhịp của sân bay suốt 24 giờ trong ngày với lượng khách rất lớn, nhưng không gian khu chờ và hệ thống các cửa hàng rộng rãi tạo cho hành khách một không khí giống như du ngoạn, nghỉ ngơi. Còn chất lượng phục vụ trên máy bay, theo đánh giá hàng năm của các trung tâmthăm dò có uy tín nhất khẳng định là số một, xứng với câu chúng ta vẫn tụng: khách hàng là Thượng đế!
|
Bảo tàng nghệ thuật ở Doha. |
Đường từ sân bay vào Thủ đô Doha chừng 25 km, các dòng xe sáng loáng đi giữa một bên là thảm cây mát mắt, một bên là biển rất lặng và xanh biếc. Cây xanh đủ loại được chọn nhập khắt khe từ khắp các nước trên thế giới với yêu cầu là khả năng chịu nóng cao và tiêu thụ ít nước. Những hàng chà là cao vút như cây cọ vùng Phú Thọ được trồng suốt hai bên đường và các loại dây leo bìm bìm, hoa giấy cùng hàng chục loại khác, phủ quanh tường nhà, công sở.
Mỗi một cây trồng trên đường phố đều có một lý lịch theo dõi riêng, được chăm sóc theo một chế độ riêng để đảm bảo sống và tươi tốt suốt hai mùa, mùa mát và mùa nóng. Có thể ví, ở Doha, cây được coi như một sinh vật, một bệnh nhân đặc biệt luôn được quan tâm và theo dõi. Quanh mỗi gốc cây có tới ba hệ thống tưới bao chằng chịt, được điều khiển tự động từ các trung tâm theo các chế độ phụ thuộc vào thời tiết: tưới nước bình thường, tưới phân vô cơ và phun thuốc.
Nằm giữa sa mạc nóng bỏng, không hề có một dòng sông, một hồ nước ngọt nào, nhưng Doha vẫn dư dả nước dùng. Hầu như biệt thự nào, nhà nào cũng có bể bơi, có bể chứa và bất cứ điểm công cộng nào cũng có hệ thống nước đầy đủ. Bởi một lẽ, Doha có hệ thống máy chế biến nước biển thành nước ngọt, mà nguồn này thì có thể khẳng định là vô cùng.
Kiến trúc nhà cửa ở Doha rất đặc biệt, nó dựa trên địa hình và đặc điểm khí hậu tại đây, yêu cầu tường phải rất dày để chống nóng; mọi ngôi nhà đều quay lưng ra mặt đường, từ dưới phố nhìn lên chỉ thấy cửa sổ đóng kín để tránh bão cát bất thường. Mỗi gia đình đều có biệt thự, khuôn viên nhỏ nhất cũng không dưới 1200 m2.
Sở dĩ có diện tích như vậy, là bởi theo quy định, khi thanh niên Doha lập gia đình, Nhà nước cấp không đất theo diện tích từ 1200 đến 1800 m2 và họ tự xây nhà lấy. Những gia đình giàu có thì diện tích rộng đến vài ba hecta, biệt thự lộng lẫy và vườn rợp bóng cây. Hình như số lượng cây đo độ sang giàu phú quý của dân Doha thì phải?
|
Một góc du thuyền Doha. |
Điều đặc biệt là dân Doha không sống ở trung tâm thủ đô. Trong các ngôi nhà cao tầng là các văn phòng công ty, Trung tâm tài chính, ngân hàng và công sở. Các khu nhà của Bộ An Ninh, Bộ Thương Mại, Nhà Chính phủ, đặc biệt là cung Vua đều to lớn và lộng lẫy như những lâu đài.
Dọc các phố trung tâm, người lại qua thưa thớt, trên vỉa hè thỉnh thoảng mới có những người nước ngoài xách cặp đi làm việc, trên phố những chiếc ô tô sang trọngra vào tầng ngầm. Toàn bộ các tầng một ở phố trung tâm không có hàng hiệu, kiot, quán ăn, các tụ điểm giải trí,các điểm giao dịch như mọi thủ đô trên thế giới. Câu ngạn ngữ “Nhà mặt phố, bố làm to” dường như không phù hợp một chút nào ở Doha!
Cư dân chủ yếu sống ở vòng ngoài cách trung tâm chừng dăm km, có thể đó là một thói quen, một phong tục, nhưng có lẽ đó là một sự lựa chọn để tránh xa sự ồn ào, vì người Doha hướng nội, ít giao tiếp.
Với diện tích 11437 km2, nhỏ hơn tỉnh Nghệ An và to hơn Thanh Hóa chút đỉnh, quốc gia Qatar được cả thế giới biết đến bởi sự giàu có khác thường.
Qatar có lượng dầu dự trữ khổng lồ 15 tỉ thùng, hơn nửa tỉ m³, đảm bảo cho việc khai thác dầu mỏ liên tục trong 23 năm nữa với mức xuất khẩu như hiện nay. Lượng dự trữ gas tự nhiên của Qatar hơn 7000 km³, chiếm trên 5% tổng lượng gas tự nhiên của địa cầu, xếp hạng thứ 3 thế giới. Qatar sống trên nguồn khí đốt hầu như là vô tận đó, chiếm trên 70% tổng thu ngân sách chính phủ, hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội và khoảng 85% thu nhập từ xuất khẩu.
Qatar hiện là nước giàu có nhất trong các nước Hồi giáo với thu nhập bình quân đầu người GDP gần 150.000 đô la một năm. Một đô la Mỹ đổi được 3,56 đồng ryan Qatar, tỉ giá bao nhiêu năm nay vẫn thế không có gì thay đổi, nó dường như bất chấp mọi biến động dầu xuống, dầu lên, các cuộc khủng hoảng nhỏ to của thế giới.
Khoảng ba chục năm trước, Qatar được coi là một trong những nước nghèo khổ nhất thế giới, nhưng dầu mỏ đã đưa họ vượt qua những nấc thang ngoạn mục để trở thành một đất nước đủ đầy và viên mãn, được cả thế giới chú ý và đặt quan hệ. Không biết câu ca dao Việt Nam xưa có ứng vào được trường hợp này chăng: “ Khó khăn thì chẳng ai nhìn – Đến khi đỗ đạt ba nghìn chị em”?
Đã có lúc tôi chợt nghĩ, giá như Qatar không có dầu mỏ, thì nơi bây giờ nơi tôi đến chỉ là những làng chài nghèo đói thiếu gạo, thiếu bánh mì, thiếu nước, thiếu mọi thứ, chứ nói gì đến xe hơi và cao ốc!
Đất nước của "những công tử Bạc Liêu"
Theo thống kê đầu năm 2017, dân số của Qatar là 2.168673 người, trong số đó người Ấn Độ là 545 ngàn, người Nepan 341 ngàn, Philippin185 ngàn, Banglades 137 ngàn, Srilanka 100 ngàn, Pakistan 90 ngàn và những nước khác khoảng 50 ngàn. Dân bản địa Qatar chỉ chiếm 1/16 dân số hiện có mặt trên đất nước họ, nhưng họ được hưởng những lợi quyền cao ngất ngưởng không dân nước nào tại đây có được.
Đến Doha nếu không biết tiếng Arap thì phải biết tiếng Anh, ngôn ngữ thứ hai của Qatar, không biết hai thứ tiếng đó thì khó khăn trăm bề, từ bắt tacxi đến mua bán và thăm thú.
Dân Qatar có quyền sống nhàn hạ, được chăm lo đủ đầy trong mọi lĩnh vực cuộc sống từ ăn ở, nghỉ ngơi, học hành và có đầy đủ tiện nghi. Trẻ con từ 6 tuổi đến 16 tuổi học hành miễn phí hoàn toàn; sau khi tốt nghiệp phổ thông, nếu chọn du học nước nào trong chỉ tiêu nhà nước thì được chu cấp 100%. Với cách đào tạo và khuyến học thế này, trong khoảng chục năm nữa, mật độ trí thức cao cấp của Qatar sẽ không thua kém bất cứ một nước văn minh nào trên thế giới.
Cư dân Qatar được miễn phí toàn bộ điện nước sinh hoạt, không phải trả bất cứ một đồng viện phí nào và được bảo hiểm trọn đời về sức khỏe.
Không phải vì giàu có mà dân Qatar phung phí, họ tiết kiệm từng giọt nước, mua bán cũng nhấc lên, đặt xuống như thể dân nghèo; các loại giao dịch đều tính toán chặt chẽ để không bị thiệt; nhưng đã tiêu pha thì nói đến công tử Bạc Liêu cũng ngán! Một đại gia đã bỏ ra 2,75 triệu đô la để sở hữu một sim điện thoại bảy số 6, số được cho là thần thánh theo quan niệm của Đạo Hồi; hoặc Thái tử Mohamet Al Thani đã chi 2,4 triệu đô la cho một trái bóng có chữ ký của Đội tuyển Ytalia trong World cup 2006…
Đàn ông mỗi nước đều có những vẻ đẹp riêng, nhưng phải thừa nhận rằng, đàn ông Qatar quả rất đẹp, cao ráo và đường nét rất chuẩn mực. Trừ khi có nghi lễ ngoại giao quan chức mặc comle, còn lại mặc quần áo dài gutra trắng, chít agal đen lên khăn trùm; còn phụ nữ mặc áo chùng đen Shaila chỉ trừ hở đôi mắt đen láy, khổ hạnh và bí ẩn.
Mặc dù phụ nữ Qatar có quyền lái xe, nhưng không thể ra đường một mình, trừ khi có chồng hoặc con trai đi cùng bên cạnh. Họ không được dự tiệc với đàn ông, không được ngồi gần đàn ông, thậm chí khi vào lễ nhà thờ, cũng chỉ ở khu vực dành riêng cho nữ giới. Điều rất lạ, là trong khu phố đêm, nơi dành cho khu chợ và sinh hoạt tại trung tâm, trong các quán hàng ăn uống, hòa vào không khí ẩm thực chung của dân các nước, có rất nhiều phụ nữ thủ đô Doha ngồi uống nước ngọt, ăn bánh ngọt và hàng giờ ngồi hút shisa.
Theo truyền thống, đàn ông Qatar có quyền được cưới bốn vợ, nhưng thực tế có ít người dũng cảm lấy bốn cô, bởi một lẽ khi lấy rồi, cả bốn người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt bà Cả, bà Hai, bà Ba, bà Bốn, gia sản phải chia đều, “ăn đều, kêu sòng” như dân mình hay nói. Hơn nữa, để tổ chức một đám cưới cực kỳ tốn kém; một đám trung bình cũng phải chi hết 1 triệu Qatari ryal cho cả nhà trai và nhà gái, tức là tầm 6 tỷ.
Trong đám cưới, bên nam và bên nữ không ngồi chung với nhau mà phải tổ chức ra hai nơi, một nơi dành cho cánh đàn ông mày râu, còn một nơi dành cho các bà trùm đầu gặp gỡ. Các đám cưới thường tổ chức lúc mặt trời lặn, kéo dài đến nửa đêm, và sau đó phía nhà trai sẽ đến địa điểm dành cho nữ giới đón cô dâu về nhà mình.
Cưới không giống ai, và tang chay cũng chẳng giống ai, dân Qatar tuân theo một luật lệ bao đời là bình đẳng khi nằm xuống. Bất kể quốc vương hay thường dân khi chết tức là về với Thánh Allah, coi đó như là một sự ra đi nên làm tang rất đơn giản. Không có quan tài, không lễ lạt, chỉ có một buổi cầu nguyện, sau đó họ bọc thi hài trong một tấm vải đưa ra vị trí quy định trong sa mạc, đào hố lấp sâu, chôn chặt, vĩnh viễn không bốc mộ hay thay đổi, xung quanh xếp đá và chỉ có một tấm bia ghi tên tuổi mà thôi.
Theo Dân Việt