|
Ông vua quạt cổ Trần Công Phúc. |
Nhưng niềm đam mê của ông đã làm sống dậy nét đẹp xưa vô giá mà không phải ai cũng làm được. Ông cũng là người được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là "Người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất".
Nét đẹp xưa là tài sản vô giá
Người mà tôi nói ở trên là ông Trần Công Phúc. Ông là "lão phù thủy" có tài thổi hồn vào đống sắt vụn cổ, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Cửa hàng của "lão phù thủy" này là một ngôi nhà nhỏ cổ kính, đơn sơ nằm lọt thỏm ở phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phố Tạ Hiện hay còn được gọi là "phố thế giới" vì có nhiều người nước ngoài đến sinh sống, nên khiến ai mới lần đầu đến đây cứ ngỡ như mình đi nhầm đường, đang bị lạc ở phương trời Tây nào đó. Mặc dù là ngôi nhà có diện tích nhỏ, nhưng đặc điểm nhận dạng lại hết sức đơn giản. Dọc phố Tạ Hiện, duy nhất nhà ông Phúc treo quạt cổ bán.
Có phải do đam mê những cây quạt cổ mà trông ông lúc nào cũng có vẻ lưu luyến thời xa vắng. Như một ông đồ "bày mực tàu giấy đỏ/bên phố đông người qua", ai đến xem, đến mua tùy thích, miễn sao biết có một ông lão đang làm công việc lưu lại dấu tích xưa. Thời chiến tranh, ông Phúc là thợ hàn áp lực, được đi lại nhiều nơi. Không phải là người viết lách nhưng ông lại có niềm đam mê đọc sách. Nói chuyện với ông, người nghe sẽ thường xuyên được ông nhắc lại những điển tích của các nền văn học Đông - Tây, kim - cổ.
Cái thú chơi quạt cổ của ông không phải ngẫu nhiên mà có được. Với kinh nghiệm từng là một thợ hàn áp lực nên ông Phúc hiểu biết nhiều về cơ khí. Điều này đã thúc đẩy niềm đam mê quạt cổ của ông sau khi đất nước thống nhất nhưng mãi năm 1991, ông Phúc mới chính thức bắt đầu vào công việc chơi đồ cổ. Với số lương ít ỏi của vợ chồng ông thì thật khó có một số vốn lớn để sưu tập được nhiều loại quạt cổ. Trước thế bí, ông phải đi vay tiền của bạn bè để thực hiện niềm đam mê.
Cây quạt cổ đầu tiên ông Phúc sở hữu có nguồn gốc từ nước Ý. Cơ duyên này bắt đầu có được khi khách sạn Metropole (được xây từ thời Pháp, tại quận Hoàn Kiếm) đi vào sửa chữa. Một người quen của ông Phúc đã mua những thứ vứt đi từ khách sạn này để bán lại kiếm lời. Trong đống đổ nát đó, ông Phúc đã bị mê hoặc bởi một cây quạt cổ thuộc hãng Marelli (Ý) được sản xuất từ năm 1892 và ông đã ngỏ ý mua lại cây quạt này. Tuy nhiên, do cây quạt hỏng, lại để lâu năm nên khó mà sửa chữa ngay được nhưng ông Phúc không từ bỏ ý định "phù phép" làm cây quạt sống lại.
|
Một vị khách từ Bắc Giang đến mua quạt về treo tại từ đường. |
Với ý định nghiêm túc đó, trong khoảng thời gian một tháng, ông Phúc đã tập trung cao độ quấn lại phần điện, đánh bóng quạt, đồng thời sửa lại nhiều chi tiết hỏng hóc khác. Sau khi làm cho cây quạt quay được, ông Phúc treo lên nhà để đó.
Tình cờ một ngày, có một vị khách Tây đi qua nhà ông, thấy cây quạt Marelli, liền vào hỏi chủ nhân để mua lại. Ông Phúc trình bày cho vị khách nước ngoài về tiểu sử của nó và quá trình trả lại hồn cho cây quạt. Sau một hồi ngắm nghía, vị khách trả giá cao gấp hơn 20 lần mà lúc đầu ông Phúc mua về. Biết đó là cây quạt rất quý của mình, nhưng ông Phúc vẫn quyết định bán cho vị khách Tây để lấy vốn mua các cây quạt cổ khác.
Sau vụ "mua một bán mười" này, ông Phúc có suy nghĩ khác về niềm đam mê. Nếu như mình tìm mua lại những cây quạt cổ hư nát, sửa lại rồi bán cho những người có lòng đam mê, thì đó cũng là niềm hạnh phúc của mình vậy. Với số tiền thu được từ cây quạt Marelli, ông Phúc khăn gói lên đường đi khắp mọi miền đất nước để săn lùng quạt cổ. Chỉ có niềm mê, sự say sưa hết mình mới khiến cụ ông này mặc dù vất vả nhưng không một lời kêu ca. Với ông, không những có niềm đam mê chơi đồ cổ mà nó còn xuất phát từ việc mong muốn mang lại nét đẹp xưa. Cái nét đẹp xưa đó chính là tài sản vô giá mà người đi trước để lại cho chúng ta bây giờ.
Hồn quạt như hồn người
Người đàn ông "buôn gió" này cho rằng, những gì người xưa để lại cho chúng ta, ẩn trong đó là cả một nền văn hóa, sự khổ nhọc và niềm đam mê. Như cây quạt cổ, biết bao nhà khoa học suy tư, bao đêm trằn trọc cùng với nhiều người thợ có tay nghề cao vất vả mới tạo ra được nó hoàn hảo cả về chất liệu, hình dáng, màu sắc... Rồi những cây quạt này trải qua bao đời, chứng kiến những tao đoạn của thời cuộc. Như vậy, việc ông Phúc "trả lại cuộc sống cho em" có thể được coi như là "ông tiên" làm sống lại một thứ đã chết, nhưng sâu xa hơn cả, đó là tâm hồn của người xưa đang trở lại với chúng ta.
Cửa hàng của ông Phúc có rất nhiều cây quạt cổ có giá trị như cây quạt Chanteur (Anh), cây quạt Thomson, cây quạt EOM (Pháp)… Trong nhiều cây quạt thuộc các hãng lừng danh, đáng chú ý với cây quạt của Đức, chạy bằng hơi nước, được sản xuất năm 1876. Về số tuổi, đa phần các cây quạt đều trên dưới trăm năm, có cái ngót nghét gần 200 tuổi.
Do mua quạt cổ từ nhiều nước không sử dụng được rồi sửa chữa lại, nên ông Phúc đã phải mày mò đọc rất nhiều sách vở về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới để hiểu hơn từng kiểu quạt cổ. Có hiểu kỹ như vậy, ông Phúc mới dám làm hồi sinh lại cây quạt đúng như dáng vẻ ban đầu của nó. Không những thế, ông Phúc còn cất công đi học hỏi nhiều thợ hàn, thợ cơ khí khác để trau dồi thêm kỹ năng cơ bản để làm sao sửa một cây quạt cổ mà nó vẫn giữ được cái nét xưa và mang vẻ đẹp hoàn hảo nhất.
Trong lúc trò chuyện, đôi lúc ông Phúc ngừng lại với vẻ mặt suy tư, nghĩ ngợi điều gì đó như một gã thi sĩ trẻ thất tình. Ông Phúc cho rằng, cuộc sống con người không thể tốt đẹp hơn nếu như quên đi một phần lịch sử. Nếu vậy, chẳng khác nào chúng ta "bắn súng lục vào quá khứ". Niềm đam mê cộng với sự am hiểu văn hóa đã giúp ông Phúc luôn nỗ lực trong việc khôi phục đống đổ nát để mang lại một sức sống mới, yêu kiều hơn.
Ông Phúc cho biết, ông chưa bao giờ chịu khuất phục trước một cây quạt cổ hỏng nào. Có những cái rất khó sửa khiến ông phải thao thức nhiều đêm, nhưng dần dà, kiểu gì ông cũng sửa cho bằng được.
Ông Phúc tâm sự: "Người ta có công sinh thành ra nó, mình chỉ việc sửa lại thôi, có thế mà không làm được thì ăn thua gì. Nên tôi đã cố gắng hết sức, quyết tâm đến cùng để sửa cho bằng được những cây quạt cổ hỏng". Những cây quạt được ông Phúc trả lại cái thuở ban đầu giờ đây đã vang xa khắp cả nước. Không những các vị khách trong nước tìm đến mua, mà cả những vị khách quốc tế, trong đó có các vị đại sứ cũng tìm đến cửa hàng của ông để được quyền sở hữu những cây quạt quý.
Điều đặc biệt là những vị khách này trước khi đem "linh hồn xưa" từ nhà ông Phúc về nhà mình đều để lại danh thiếp, coi như họ đã từng đến đây, trong một ngôi nhà nhỏ có một người Việt Nam vóc dáng nhỏ, nhưng sức lưu giữ "tâm hồn xưa" là rất lớn. Một ngôi nhà nhỏ chỉ có treo quạt cổ, ngoài ra không có thứ gì khác. Chắc chắn ai bước vào gian phòng, mà ngay cả trên trần, trên gác đều treo lủng lẳng những cây quạt cổ đủ màu sắc, chủng loại đều phải thán phục trước sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Trần Công Phúc.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu