Các bị can này bị đề nghị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TPHCM.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội tinh vi, lại liên quan đến một số người giữ vị trí quan trọng của ngân hàng được dư luận quan tâm, theo dõi trong một thời gian dài. Sau gần 1 năm điều tra, đến nay, vụ án Bầu Kiên đã kết thúc điều tra, chuyển sang VKS truy tố các bị can trước pháp luật.
Những chiêu "lách luật" của ông trùm tài phiệt
Có một điều mà nhiều bạn đọc và ngay cả chúng tôi, những nhà báo theo dõi mảng nội chính vẫn thắc mắc tự hỏi là tại sao, ở thời điểm khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), ông ta không có tên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB; tức là không đại diện cho chủ sở hữu của ngân hàng này, nhưng lại có một quyền lực ghê gớm, có thể sai khiến, chỉ đạo cả Chủ tịch HĐQT lẫn Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB? Quá trình điều tra, đến nay, câu hỏi này đã được giải đáp.
Năm 1993, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn lớn của Ngân hàng ACB và sau đó đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng này từ năm 1994 đến năm 2008. Trong thời gian làm việc tại Ngân hàng ACB, bầu Kiên tham gia quản trị, điều hành ngân hàng với nhiều vị trí khác nhau, có ảnh hưởng, chỉ đạo và quyết định nhiều hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB. Là người am hiểu về ngân hàng tài chính và biết "lách luật", Kiên biết, nếu có tên trong HĐQT tại Ngân hàng ACB sẽ bị hạn chế vay vốn từ ngân hàng này, hạn chế việc sở hữu chéo tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và hạn chế nhiều hoạt động kinh doanh riêng khác.
Vì vậy, để thỏa mãn mục đích của bản thân muốn thành lập nhiều công ty gia đình để hoạt động thao túng, chi phối lĩnh vực tài chính, chứng khoán và để đầu tư cổ phần vào nhiều ngân hàng khác nhau, bầu Kiên đã rút tên khỏi HĐQT Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng, có quyền chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh tại Ngân hàng ACB, trước khi rút khỏi HĐQT, bầu Kiên đã đề nghị HĐQT ngân hàng này ra nghị quyết thành lập và phê chuẩn qui chế làm việc Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB do Kiên làm Phó chủ tịch. Thực tế, Hội đồng sáng lập không có trong cơ cấu một tổ chức ngân hàng, không được pháp luật thừa nhận, nó chỉ là cách "lách luật" để bầu Kiên có thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
|
Nguyễn Đức Kiên (X) và một số bị can trong vụ án. |
Ngoài ra, với tư duy "cáo già" của một ông trùm tài phiệt, có hiểu biết sâu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Kiên đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các qui định của ngân hàng nhà nước về kinh doanh vàng, qui định về cơ chế điều hành lãi suất trong từng thời điểm... để thực hiện hành vi phạm tội. Đối với một số hành vi thao túng chứng khoán, sở hữu chéo các ngân hàng, nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh nên cơ quan điều tra chỉ xử lý Kiên được 4 tội danh như nêu trên.
Có hàng nghìn tỷ vẫn... lừa đảo
Sau khi rút tên khỏi HĐQT Ngân hàng ACB, bầu Kiên đã thành lập 5 công ty, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (Công ty AFG); Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI); Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (Công ty ACI); Công ty TNHH đầu tư tài chính Á châu Hà Nội (Công ty ACI-HN) và Công ty CP đầu tư thương mại B & B (Công ty B & B). Trong đó, Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT của 4 Công ty B & B, AFG, ACBI, ACI và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty ACI-HN.
Mặc dù các công ty do bầu Kiên thành lập không được Nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính, nhưng bầu Kiên đã chỉ đạo 5 công ty trên sử dụng hơn 9.700 tỷ đồng từ vốn điều lệ, tiền huy động và tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu bán cho các ngân hàng. Để nâng giá trị cổ phiếu Ngân hàng ACB, bầu Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng này đã ra chủ trương cấp tiền cho Công ty ACBS là công ty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB.
Bằng nhiều thủ đoạn "lách luật", bầu Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo Ngân hàng ACB cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỷ đồng cùng vốn tự có, Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN tổng số tiền hơn 1.557 tỷ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB, đến nay mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc, còn lại 1.193 tỷ đồng chưa thu về, trong khi số cổ phiếu Ngân hàng ACB còn lại là hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng (tính theo đơn giá cổ phiếu lúc mua) và thiệt hại hơn 879 tỷ đồng (tính theo giá trị cổ phiếu hiện tại).
Việc Ngân hàng ACB chuyển 1.500 tỷ đồng lòng vòng qua các ngân hàng để mua trái phiếu do các công ty phát hành qua đó mua lại chính cổ phiếu ACB cũng gây thiệt hại cho ngân hàng ACB hơn 74 tỷ đồng. Nếu tính thiệt hại có lợi cho các bị can, thì số tiền Ngân hàng ACB bị thiệt hại là hơn 688 tỷ đồng, trách nhiệm thuộc về bầu Kiên và các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB.
Là một "đại gia" trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chỉ riêng vốn điều lệ của Công ty B & B do bầu Kiên, vợ và em gái góp vốn đã lên tới gần 1.500 tỷ đồng nhưng Kiên và đồng phạm vẫn thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 246 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát. Theo kết luận điều tra, với chức năng Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI, là người đại diện theo pháp luật, Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty cổ phần thép Hòa Phát vào Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB.
Mặc dù chưa được sự đồng ý của Ngân hàng ACB và Công ty ACBS, nhưng khi giao dịch với Tập đoàn Hòa Phát, bầu Kiên không thông báo cho họ biết số cổ phần này đang bị thế chấp tại Ngân hàng ACB mà chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, giám đốc và Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng lập khống một số giấy tờ để bầu Kiên ký, thể hiện chủ trương của HĐQT Công ty ACBI bán cổ phần Công ty cổ phần thép Hòa Phát mà Công ty ACBI sở hữu để cung cấp cho Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát, nhằm tạo lòng tin cho người có trách nhiệm tại Công ty này để họ ký hợp đồng mua cổ phần của Công ty ACBI...
Với các hành vi gian dối nêu trên, bầu Kiên đã làm cho Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát và Tập đoàn Hòa Phát tin tưởng là Công ty ACBI đang quản lý và sở hữu 20 triệu cổ phần Công ty cổ phần thép Hòa Phát nên đã ký hợp đồng, chuyển tiền mua số cổ phiếu này; nhưng sau đó đã không được nhận số cổ phiếu. Hành vi này của "bầu Kiên" là nhằm chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát.
Với hành vi cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Đức Kiên, quá trình điều tra đã xác định với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, bầu Kiên biết rõ qui định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất và các qui định kinh doanh chứng khoán.
Nhưng vì muốn bảo vệ lợi ích của nhóm cổ đông Ngân hàng ACB, bầu Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu ngân hàng ACB sai qui định, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông Ngân hàng ACB hơn 256 tỷ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 1.407 tỷ đồng. Việc Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi trốn thuế với số tiền hơn 25 tỷ đồng của Nguyễn Đức Kiên trong "phi vụ" kinh doanh vàng giữa Công ty B & B và Ngân hàng ACB thu lãi được hơn 100 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, ngoài Nguyễn Đức Kiên và 7 bị can khác đồng phạm đã bị đề nghị truy tố. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an còn xác định hành vi liên quan đối với 7 cá nhân và hàng chục tập thể. Đối với một số cá nhân, Cơ quan điều tra đã cân nhắc không xử lý hình sự, hoặc áp dụng xử lý hành chính với một số cá nhân có mức độ sai phạm nhẹ. Nhưng với hành vi liên quan tới 26 ngân hàng nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ nhân viên của Ngân hàng ACB và 4 công ty do Ngân hàng ACB ủy thác; hành vi tổ chức kinh doanh vàng trạng thái với nước ngoài và kinh doanh vàng vật chất qua tài khoản của Ngân hàng ACB sẽ được điều tra xử lý sau.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã kê biên 3 bất động sản do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên sở hữu tại phường 12, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh; phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh và hơn 2.400m2 đất tại phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
8 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án: Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, Chủ tịch HĐQT các Công ty B & B, ACI, ACBI, AFG, Thiên Nam và Chủ tịch HĐTV Công ty ACI-HN; Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; ông Lê Vũ Kỳ; ông Phạm Trung Cang; ông Trịnh Kim Quang, đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cùng Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội.
Theo Công An Nhân Dân