Cụ thể, trong danh sách những nữ doanh nhân quyền lực khu vực châu Á năm 2014 mà Tạp chí Forbes vừa công bố, có tên 3 nữ doanh nhân của Việt Nam. Đó là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Forbes xếp hạng những nữ doanh nhân dựa trên doanh thu của công ty mà họ tham gia, vị trí của họ và mức độ can dự vào sự vận hành hằng ngày của công ty.
Mai Kiều Liên
Bà Mai Kiều Liên, sinh năm 1953, quê gốc Cần Thơ nhưng được sinh ra tại Pháp. Bà được coi là một hiện tượng trong giới nữ doanh nhân và là nữ tướng của ngành sữa Việt. Năm 1976, bà tốt nghiệp Đại học về chế biến thịt và sữa tại Moscow (Liên Xô cũ), sau đó trở về Việt Nam làm kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua của Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa - Cà phê miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).
Năm 1982, bà được điều lên làm Trợ lý giám đốc, Phó giám đốc kỹ thuật doanh nghiệp này và được cử đi học Quản lý kinh tế tại Đại học kinh tế Leningrad. Về nước năm 1984, bà Liên đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam. Từ năm 1992 tới nay, bà Liên là
Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Dưới sự lãnh đạo của bà Liên, Vinamilk đã liên tục đạt tốc độ tăng trưởng đều 30% mỗi năm trong vòng 5 năm gần đây. Theo đánh giá của Forbes, Vinamilk là một trong những thương hiệu có khả năng sinh lợi cao nhất Việt Nam và là cổ phiếu blue-chip trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2013, doanh thu của Vinamilk tăng 17%, đạt 1,5 tỷ USD.
Trước đó, bà Mai Kiều Liên cũng có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á được bình chọn bởi Forbes. Bà Liên cũng là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất Việt Nam năm 2013 trong giải thưởng 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức.
Ngoài ra, tạp chí Quản trị doanh nghiệp châu Á - trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng trao tặng giải thưởng Asian Excellence Recognition Awards 2012 với danh hiệu "Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc châu Á" cho bà Liên.
Trong khi đó, nếu tính trên sàn chứng khoán, bà Liên xếp thứ 16 trong top 50 nữ doanh nhân và thứ 44 trong top 200 doanh nhân giàu nhất trên sàn
chứng khoán Việt Nam năm 2013.
Nguyễn Thị Mai Thanh
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, sinh năm 1952 tại Tây Ninh, là cử nhân Đại học Tổng hợp Karlmarx-Stadt của Đức. Hiện tại bà là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc
Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), thành viên HĐQT của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Quỹ đầu tư phát triển đô thị TP HCM.
Bà Thanh tham gia Xí nghiệp Cơ điện lạnh (tiền thân của REE) từ năm 1982, trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE sau đó 10 năm. REE dưới sự dẫn dắt của bà Thanh đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu đô. REE được biết đến là công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi...
Nguyễn Thị Mai Thanh là phụ nữ duy nhất trong một ban
lãnh đạo toàn nam giới, bà cũng thừa nhận rằng, ở REE công việc khá nặng nhọc và nhiều việc thích hợp cho nam. Có thể vì lẽ này, cho dù đã ở tuổi 62 bà Thanh vẫn toát lên sự quyết đoán, mạnh mẽ và có phần… lạnh lùng.
Bà Thanh từng giữ chức thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) một thời gian dài sau đó "nhường lại" vị trí này cho con trai là ông Nguyễn Ngọc Thái Bình. Ông Bình hiện đang là Giám đốc tài chính của REE.
Nguyễn Thị Nga
Bà Nguyễn Thị Nga hiện là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch Tập đoàn BRG (BRG Group), bà chủ của 2 khách sạn Hilton ở Việt Nam.
Bà Nga sinh năm 1955, là người Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bà Nga đã học qua nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc và là người Việt Nam đầu tiên được mời học ở George Town (Mỹ). Chồng bà là Tiến sĩ, được mời ở lại làm việc tại Đức, nhưng ông bà đã quyết định trở về Việt Nam.
Năm 2000, bà Nga trở thành cổ đông của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và 2 năm sau được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch ngân hàng này. Năm 2005, bà thay thế ông Lê Kiên Thành, trở thành Chủ tịch trong khoảng thời gian trống giữa 2 nhiệm kỳ. Đến năm 2007, bà rời Techcombank, trở thành lãnh đạo cao nhất của
SeABank.
Bà Nga cũng là Chủ tịch của Tập đoàn BRG, một tập đoàn lớn với 13 công ty thành viên cùng hàng chục dự án. Ngoài các dự án lớn, BRG đang có tới 3 sân golf ở Việt Nam.
Năm 2012, Tập đoàn Tập đoàn BRG mà người đứng đầu là doanh nhân Nguyễn Thị Nga đã mua lại khách sạn
Hilton Opera - một khách sạn có vị trí hiếm có ở Hà Nội từ tay các ông chủ Đức và Áo.
Minh Phương (tổng hợp)