Ngày 29/5, tờ Bangkok Post đã đăng tải phát biểu của Chủ tịch hãng hàng không Thái Lan Kan Air về thương vụ lập công ty liên doanh với hãng hàng không giá rẻ Việt Nam là Vietjet Air. Liên doanh này, theo bài báo trên, sẽ lấy tên là Thai Vietjet Air và chính thức khai thác trong 6 tháng tới với 2 chiếc A320, phục vụ khoảng 360 hành khách trên cả 2 chiều. Tuy nhiên, đến nay, phía Việt Nam vẫn từ chối đưa ra thông tin chính thức về vụ việc này.
Theo một nguồn tin riêng từ
Vietjet Air, thương vụ này đã được 2 bên tiến hành thương lượng từ khá lâu, và phía Thái Lan có thể sẽ nắm 51% vốn của công ty liên doanh do yêu cầu của nước sở tại về tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu. Riêng việc doanh nghiệp liên doanh sẽ cất cánh trong quý II/2013, nguồn tin này cho biết khó có thể thực hiện bởi thương vụ vẫn đang trong giai đoạn thương thảo, và hành trình bay đến Bangkok trong tháng 6 chỉ là chặng bay mới khai thác của riêng phía Vietjet Air.
|
Sau liên minh "hụt" với AirAsia, Vietjet Air đang "bắt tay" với đối tác khác đến từ Thái Lan. |
Tờ Bangkok Post cũng cho biết, vốn điều lệ ban đầu của Kan Air là khoảng 200 triệu bath, tương đương 140 tỷ dồng. Trong khi đó, thông tin từ cổ đông Sovico Holding cho biết, theo giấy phép kinh doanh cấp năm 2007, Vietjet Air có vốn điều lệ là 600 tỷ đồng.
Trước Kan Air vào năm 2010, Vietjet Air cũng từng có một liên mình hụt với đối tác AirAsia của Malaysia. Khi đó, AirAsia tuyên bố mua 30% cổ phần của VietJet để trở thành cổ đông nước ngoài duy nhất của hãng vận chuyển này. Hai bên dự kiến vận hành các chuyến bay thương mại trong và ngoài nước mang thương hiệu chung VietJet AirAsia.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm thương thảo mà không đạt được thỏa thuận sử dụng thương hiệu AirAsia trong các hoạt động thương mại, phía Malaysia đã rút khỏi dự án này vào tháng 10/2011. Chỉ 1 tháng sau, Vietjet Air đã chính thức khai thác bay thương mại, và trở thành một trong ba hãng bay có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay, bên cạnh Jetstar Pacific và Vietnam Airlines.
Thực tế, liên minh lần này khác với động thái 2 năm trước của hãng. Thay vì làm đối tác cho hãng hàng không nước ngoài chen chân vào Việt Nam, khai thác các đường bay trong nước, theo thông tin từ Bangkok Post, liên minh mới của Vietjet Air sẽ khai thác các chuyến bay nội địa của Thái Lan, trước khi mở rộng tới các chặng trong khu vực.
Theo Infonet