Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu đã công bố Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023.
Sự kiện lần này không chỉ tôn vinh các doanh nghiệp nằm trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ những góc nhìn chuyên sâu về cách thức chuyển dịch xanh tại Việt Nam và trên thế giới.
|
Ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp đại diện Petrovietnam nhận tôn vinh tại chương trình |
Năm 2023, giá trị thương hiệu Petrovietnam đạt 1,382 tỷ USD (tăng 7% so với năm 2022 là 1,296 tỷ USD) với chỉ số sức mạnh thương hiệu ở mức AA-. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Petrovietnam góp mặt trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Trong những năm qua, giá trị thương hiệu của Petrovietnam không ngừng tăng trưởng. Ngay cả trong “khủng hoảng kép” khi đại dịch Covid-19 diễn ra và giá dầu giảm sâu năm 2021, giá trị thương hiệu của Petrovietnam được định giá 945 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu Petrovietnam đã tăng lên gần 1,3 tỷ USD và đến năm 2023, giá trị thương hiệu của Petrovietnam đã lên đến gần 1,4 tỷ USD. Bên cạnh việc giá trị thương hiệu của Petrovietnam gia tăng, Tập đoàn cũng có năm thứ 15 liên tiếp góp mặt trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Góp phần vào tăng trưởng giá trị thương hiệu, công tác truyền thông, tái tạo văn hóa Petrovietnam, hoạt động động an sinh xã hội được thực hiện gắn với các mục tiêu kế hoạch SXKD và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, khẳng định rõ giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí là “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”. Công tác truyền thông – văn hóa doanh nghiệp - an sinh xã hội khi được kết hợp đã trở thành bệ đỡ vững chắc cho các hoạt động, góp phần tạo nhận thức đúng đắn và tình cảm tốt đẹp của các thế hệ người lao động Dầu khí, sự đồng thuận của xã hội.
Kết thúc năm 2022, Petrovietnam đạt kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô với 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm; sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn, vượt 17% kế hoạch, xuất khẩu 606 nghìn tấn, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón; sản xuất xăng dầu đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 931,2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước với 170,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Tính đến hết tháng 7/2023, tất cả các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 3-28%; một số chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, gồm: sản xuất điện tăng 62,3%; sản xuất xăng dầu tăng 5,4%; khai thác khí tăng 0,6%; LPG tăng 1,6%; sản xuất đạm từ Cà Mau tăng 3,3%; NPK Cà Mau tăng 13,1%. Trong 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 495,7 nghìn tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch 7 tháng và đạt 73% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch cả năm 2023, về đích trước 5 tháng.
Đánh giá về giá trị thương hiệu Petrovietnam, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho rằng Petrovietnam có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu ngày càng cao và là một trong những thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Petrovietnam trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam sẽ không chỉ góp phần xây dựng và phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh mà còn góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu, uy tín thương hiệu, thiện cảm thương hiệu và nhận thức về thương hiệu, cũng như quảng bá thương hiệu quốc gia của Petrovietnam ra thị trường quốc tế. Điều này có thể dẫn đến chỉ số sức mạnh thương hiệu và giá trị thương hiệu cao hơn cho Petrovietnam.
Trần Thị Sánh