Tại Hội nghị với chủ đề “Chung tay vì một môi trường bền vững”, tổ chức tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương, ông Nghiêm Vũ Khải - PCT Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho biết: Bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu. Đây không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một quốc gia mà là trách nhiệm của tất cả các dân tộc, các quốc gia đối với sự sống trên Trái đất này.
Bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu
Vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước... hiện nay đã trở thành vấn đề lớn của khu vực, của toàn cầu và cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng thế giới.
|
Ông Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại lễ mít tinh với chủ đề “Chung tay vì một môi trường bền vững”. |
Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế và bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
|
Ngày môi trường thế giới - cùng nhau hướng tới phát triển kinh tế xanh. |
Ngày Môi trường thế giới là sự kiện thường niên lớn nhất về bảo vệ môi trường được tổ chức vào ngày 5/6 hàng năm, vào ngày này tất cả người dân và chính phủ các nước trên thế giới đều tổ chức các hoạt động nhằm cải thiện môi trường. Mỗi năm lại có 1 chủ đề trọng tâm chính cho các hoạt động môi trường trong năm. Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2018 là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khoẻ của chúng ta. Và gần đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai văn bản tới các địa phương triển khai trong tháng 12 và là tháng hành động “Chống rác thải nhựa”.
Ông Khải đánh giá: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hải Dương là Liên hiệp Hội đầu tiên trong 63 tỉnh thành triển khai sớm chủ đề này; một điểm mới trong buổi tuyên truyền của Liên hiệp Hội là đưa nội dung tuyên truyền bằng tiết mục sân khấu...
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc,…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.
|
Việt Nam trong nhóm 20 nước thải rác nhiều nhất. |
“Việt Nam trong nhóm 20 nước thải rác nhiều nhất, bằng với Mỹ hay Malaysia, cao hơn mức trung bình 10% của thế giới. Mỗi năm, trong khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương thì Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn. Trung bình mỗi người thải ra 1,2 kg rác/ngày, 16% là rác thải nhựa. Nhưng số lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải được dồn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải. Hà Nội và TP.HCM là hai nơi có lượng rác thải xả ra môi trường lớn nhất, mỗi ngày có khoảng 80 tấn rác. Đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó, 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Đáng nói là công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp.
Tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, việc sử dụng bao bì nhựa một cách đại trà sau đó vứt bỏ bừa bãi đã trở thành một thói quen được coi là bình thường mà người thực hiện không hề hay biết là mình đã trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ sinh thái và cảnh quan.
Các túi nhựa được thải ra một cách vô tội vạ nếu không được thu gom sẽ gây tắc nghẽn cống thoát nước, ô nhiễm sông ngòi ,bờ biển... ngoài việc tác động xấu đến vệ sinh môi trường còn làm mất vẻ mỹ quan và gây ảnh hưởng cho nền công nghiệp du lịch của Việt Nam; và gần đây chúng ta đã xem phóng sự trên VTV1 đưa tin; ngư dân đánh bắt cá trên biển được bao quanh túi ni lông… người dân vùng ven biển đã xả thải túi ni lông ra biển một cách bừa bãi.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện các chiến dịch giảm thiểu sử dụng túi nhựa và khuyến khích sử dụng các loại bao bì nhựa có thể tự hủy hoặc các túi vải, túi sử dụng nhiều lần...
Chúng ta có thể đã nghe nói về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường sống, cụ thể:
1. Nhựa cần khoảng 450 năm để bắt đầu phân hủy. Và cần khoảng 50 đến 80 năm sau đó để phân hủy hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là tất cả sản phẩm nhựa trên thế giới đều chưa phân hủy.
2. Nhựa là một hợp chất được chế tạo để tồn tại đến muôn đời, vậy mà có tới 33% của các đồ nhựa như chai nước, bịch nhưa và ống hút - chỉ dùng một lẩn rồi bỏ. Chất nhựa không thể bị phân huỷ; nó chỉ vỡ ra thành những mảnh nhỏ rồi nhỏ hơn.
3. Khoảng 40% rác thải nhựa của các hộ gia đình xuất phát từ việc dùng chai nhựa.
4. Một sự thật thú vị về chai nhựa và tiền: 90% phí mà bạn trả cho 1 chai nước là từ vỏ chai nhựa, chỉ có 10% còn lại là giá trị phần nước trong chai.
5. Cần đến 91 triệu tấn dầu thô để sản xuất ra 1 tỷ chai nhựa.
6. Khoảng 13 tỷ túi nhựa (túi nylon) được sản xuất hàng năm, tức là khoảng 300 túi/người: Con số 300 túi nylon cho 365 ngày/năm là quá nhiều.
7. Các khảo sát cho thấy 90% người tiêu dùng tái sử dụng lại túi nylon cho việc đựng rác hoặc đồ đạc.
8. Có rất nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế việc sử dụng túi nylon: Úc, Trung Quốc, Áo, Băng-la-đét, Ailen và nhiều quốc gia trong Khối Cộng đồng chung Châu Âu,…
9. Người Châu Âu không hứng thú với các ý tưởng tái chế. Hiện tại chỉ có 2,5% số chai nhựa được đưa vào tái chế tại Châu Âu.
10. Chất hoá học độc hại rò rỉ ra từ nhựa và được tìm thấy trong máu và các mô của hầu hết chúng ta. Những chất độc này khi nhiễm phải sẽ dẫn đến những bịnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, làm suy yếu hệ miễn nhiễm, gián đoạn nội tiết và các bịnh tật khác.
Vậy để thực hiện tốt hành động bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải Nhựa và chúng tay bảo vệ vì một môi trường bền vững, mỗi cá nhân chúng ta phải có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường.
Giải pháp bảo vệ môi trường
Theo ông Nghiêm Vũ Khải - PCT Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, để ứng phó với ô nhiễm môi trường cần những giải pháp sau:
1. Giải pháp mang tính pháp lý:
- Quy định về việc dán nhãn phân loại bao bì nhựa, sản phẩm nhựa;
- Quy định về việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
2. Giải pháp mang tính kinh tế: Tính phí thu gom và tái chế bao bì nhựa.
3. Đối với cá nhân: Hạn chế sử dụng túi nilon. Ở nhà nên phân loại rác, đối với những rác thải như chai nhựa, giấy, túi nilon... gom lại bán phế liệu để tái sử dụng, tiết kiệm được nguồn tài nguyên. Ở cơ quan, nên tiết kiệm giấy, đọc kỹ văn bản trước khi in, tận dụng giấy một mặt… Ở những nơi công cộng, không nên tiện tay vứt rác bừa bãi ra ngoài đường, phải tìm nơi có thùng rác để vứt, khi đi chơi, picnic, nên thu dọn rác sạch sẽ, gọn gàng và vứt đúng nơi quy định. Tránh vứt rác xuống dòng sông, lòng đường, hè phố.
4. Các giải pháp khác:
- Lập hệ thống thu gom chất thải nhựa (đặc biệt là các loại ít có giá trị như túi ni-lông) tại các điểm công cộng;
- Tổ chức điều phối hoạt động thu mua phế liệu;
- Nâng cao ý thức cộng đồng về sử dụng và thải bỏ hợp lý chất thải nhựa.
Có thể nói rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường hiện nay đặc biệt là chất thải nhựa không chỉ từ các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội mà còn có trách nhiệm từ mỗi người dân chúng ta. Việc thực hiện mục tiêu cao cả này không thể thiếu hành động và trách nhiệm của bất kỳ đơn vị, tổ chức, cá nhân nào. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta hãy suy nghĩ và hành động theo khẩu hiệu “Hành động đối với môi trường hôm nay chính là cuộc sống ngày mai”.
Đánh giá thành tựu, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua, tại Đại hội XII của Đảng đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016-2021 là: “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tổng quát cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong thời gian tới là “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Những chỉ đạo nói trên cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Thực tế thi hành các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua cho thấy mặc dù đạt được nhiều thành tựu, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của đất nước. Những hạn chế này không chỉ liên quan đến công tác lập pháp, xây dựng chính sách mà còn liên quan đến việc tổ chức thực hiện chính sách trong thực tiễn, trong đó vai trò nhận thức của người dân nói chung rất quan trọng.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức KH&CN Việt Nam. Tính đến nay, Liên hiệp hội Việt Nam bao gồm 86 Hội thành viên, 63 Liên hiệp Hội địa phương và gần 481 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, 03 cơ quan báo chí, 01 nhà xuất bản và 192 đầu tạp chí, ấn phẩm chuyên ngành.
Để phát huy sự đa dạng và mạng lưới rộng lớn trên phạm vi cả nước, bao trùm tất cả các lĩnh vực, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị quyết liên tịch số 01/2004/NQLT-LHH-BTNMT ngày 3/12/2004 về việc “phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững”. Nghị quyết này là tiền đề và cơ sở pháp lý để Liên hiệp Hội Việt Nam hằng năm tổ chức các đợt hội thảo, tập huấn, các ngày kỷ niệm và mít tinh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phạm Diệp