“Lộ” nhân vật sắp thay thế CEO FPT Trương Gia Bình

Google News

Một nguồn tin thân cận cho biết, có khả năng ông Bùi Quang Ngọc (57 tuổi) sẽ ngồi vào ghế CEO của FPT thay cho ông Trương Gia Bình trong thời gian rất gần đây.

Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, các cổ đông của FPT đã nhất trí thông qua việc Chủ tịch hội đồng quản trị Trương Gia Bình tiếp tục kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc trong năm 2013.

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho biết Tập đoàn sẽ giới thiệu Tổng giám đốc mới trước tháng 6 và song song đó sẽ tiếp tục kế hoạch đào tạo đội ngũ kế cận.

Gần như chắc chắn vị trí Tổng giám đốc sẽ được trao cho một “người trong nhà FPT”, việc dùng người ngoài rất khó xảy ra.

Vậy trong số những lãnh đạo chủ chốt của FPT thì có những gương mặt nào sáng giá?

 Ai sẽ là người được lựa chọn ngồi vào ghế "nóng" tại FPT?

Trước hết là nhóm 13 thành viên sáng lập, những người có “vai vế” nhất trong FPT.

Có 4/13 thành viên Hội đồng sáng lập hiện đang ở trong Hội đồng quản trị, ngoại trừ ông Trương Gia Bình và ông Trương Đình Anh còn có 2 “lãnh đạo lớn tuổi” khác là ông Bùi Quang Ngọc, hiện là Phó chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT.

Ông Bùi Quang Ngọc (57 tuổi) là bạn học từ thuở nhỏ với ông Trương Gia Bình. Ông Ngọc hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban kiểm soát nội bộ FPT và không quản lý một công ty thành viên nào.

Ông Ngọc từng đảm nhiệm vị trí Phó TGĐ của FPT trong 20 năm từ 1988 đến 2008, được bầu chọn là một trong 10 lãnh đạo Công nghệ thông tin (CIO) xuất sắc nhất Đông Dương năm 2005.

Với kinh nghiệm lãnh đạo lâu năm, ông Ngọc có thể là một TGĐ trong một thời gian trước khi tìm được một tài năng mới.

Ông Đỗ Cao Bảo (56 tuổi) là trụ cột của công ty Hệ thống thông tin FPT và kiêm nhiệm thêm vị trí Chủ tịch Ủy ban Tổ chức cán bộ FPT.

Ông Bảo chủ yếu gắn bó mới mảng Hệ thống thông tin, mặt khác mảng này là một trong những bộ phận đang gặp nhiều khó khăn nhất của FPT. Do vậy có thể thấy ít có khả năng ông Bảo sẽ lên vị trí điều hành tập đoàn.

Các thành viên sáng lập lớn tuổi (đều trên 50 tuổi) khác thì hầu hết đã “nghỉ ngơi” hoặc giữ những chức vụ ít quan trọng. Do đó, những gương mặt sáng giá là những người trẻ tuổi đang nắm giữ các công ty thành viên chủ chốt.

Trong số những thành viên “trẻ” của Hội đồng sáng lập, ngoài ông Trương Đình Anh là ba người: ông Hoàng Nam Tiến (44 tuổi), ông Nguyễn Điệp Tùng (45 tuổi) và ông Trần Quốc Hoài.

Ông Nguyễn Điệp Tùng từng có thời gian phụ trách hoạt động tài chính của FPT nhưng từ năm 2007, ông chủ yếu được biết đến với vai trò là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Chứng khoán FPT.

Ông Trần Quốc Hoài là một trong 2 thành viên của Hội đồng sáng lập chưa từng nắm chức vụ lãnh đạo tại Tập đoàn. Ông Hoài hiện là chủ tịch của FPT Trading.

Khác với 2 người đồng lứa trên, ông Hoàng Nam Tiến có nhiều yếu tố để trở thành một ứng cử viên sáng giá. Ông Tiến đã có từng trải qua vị trí lãnh đạo cao nhất tại FPT Land, FPT Trading và hiện đang là chủ tịch của FPT Software – công ty thành viên đang lấy lại tốc độ tăng trưởng rất cao kể từ khi ông Tiến về chỉ huy.

Cuối cùng, hai ứng viên nặng ký khác chính là 2 thành viên của Ban điều hiều hành hiện tại: bà Chu Thị Thanh Hà – Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch FPT Telecom và ông Nguyễn Thế Phương – Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính.

Hai người này đã được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo khi ông Trương Đình Anh lên làm TGĐ, do đó đã có một thời gian dài làm quen với công việc điều hành.

Bà Thanh Hà đã có nhiều năm sát cánh với ông Đình Anh tại FPT Telecom, đưa công ty này trở thành công ty đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của FPT.

Tựu chung lại, trong “thế hệ lão thần”, chỉ có ông Bùi Quang Ngọc là ứng viên sáng giá. Với tinh thần chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế cận thì nếu ông Ngọc lên vị trí CEO thì đó có thể cũng chỉ là vị trí tạm thời.

Trong thế hệ kế cận, 2 ứng viên nổi nhất là ông Hoàng Nam Tiến và bà Chu Thị Thanh Hà. Các công ty con dưới quyền của 2 người này (viễn thông, nội dung số và phần mềm) dự kiến sẽ đóng góp tới hơn 60% kế hoạch lợi nhuận năm của toàn FPT.

Những lãnh đạo kế cận khác như TGĐ của các công ty thành viên, có lẽ sẽ phải cần thêm một thời gian dài trải nghiệm nữa.

TIN BÀI LIÊN QUAN:











TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:
Theo TTVN/CafeF