Không sáp nhập hai “đại gia” VinaPhone và MobiFone

Google News

Trong dự thảo đề án tái cấu trúc VNPT, không giải thể MobiFone mà hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn VNPT và 2 mạng di động VinaPhone, MobiFone về vấn đề tái cơ cấu VNPT, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son khẳng định, trên tinh thần Nghị định 99 của Chính phủ, Bộ sẽ chỉ đạo VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu, sau đó trình lên Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định sẽ không sáp nhập 2 mạng đi động này.

 

Cụ thể, Bộ TT-TT chỉ đạo VNPT tái cơ cấu trên nguyên tắc phải dựa vào Luật Viễn thông, chống sở hữu chéo và phù hợp quy hoạch viễn thông đã được Chính phủ phê duyệt, đảm bảo mỗi thị trường dịch vụ quan trọng như di động phải duy trì ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng và Việt Nam phải có 3 - 4 tập đoàn viễn thông lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong quá trình tái cơ cấu phải giữ các thương hiệu mạnh như Viettel, MobiFone, VinaPhone vì đây là những thương hiệu quốc gia có giá trị hàng tỷ USD. Tái cơ cấu sẽ tạo ra thế chân kiềng mạnh của thị trường viễn thông Việt Nam gồm MobiFone, VinaPhone và Viettel. Mục tiêu tái cơ cấu là thúc đẩy VNPT tập trung vào kinh doanh ngành nghề chính và tạo động lực cho tập đoàn này phát triển mạnh hơn.

Trong dự thảo đề án tái cấu trúc VNPT, không giải thể MobiFone mà để doanh nghiệp này hạch toán độc lập, tiến tới cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, VinaPhone sẽ từng bước được cơ cấu lại để tiến tới hạch toán độc lập.

Liên quan đến việc tái cấu trúc của VNPT, kế hoạch giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 đã được VNPT xây dựng và trình Bộ TT-TT. Chiến lược xây dựng VNPT được chia làm 2 giai đoạn: từ nay đến 2015 sẽ chuẩn bị các điều kiện để chuyển qua giai đoạn mới về tổ chức, hệ thống, điều hành, quản trị; giai đoạn 2 là cổ phẩn hóa toàn tập đoàn, đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt doanh thu 13 - 17 tỷ USD.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:
Theo Sài Gòn giải phóng