Trên 70% sữa nước trên thị trường là sữa hoàn nguyên (sữa pha lại từ nguyên liệu sữa bột) nhưng có khi còn đắt hơn cả sữa tươi sạch… Rất nhiều thông tin về ngành chăn nuôi và chế biến sữa tươi sạch chưa được phổ biến đến người tiêu dùng.
Tại Hội thảo quốc tế "Ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững sữa tươi sạch tại Việt Nam" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE) và Đại sứ quán Israel vừa tổ chức hồi cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội, hàng loạt thông tin gây sốc về thị trường sữa tươi ở Việt Nam đã được tiết lộ. Thông tin từ Hội thảo cho biết: "mặc dù tiêu chuẩn chất lượng sữa mua vào do các nhà máy đưa ra không cao, nhưng vẫn có từ 20-50% số sữa không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng, theo báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2012", hoặc "sự phát triển của ngành sữa Việt Nam đang đi ngược xu hướng thế giới, khi mà Việt Nam phát triển ngành sữa trước khi đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu"; "Việt Nam chưa xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng cũng như các quy chuẩn phân loại chất lượng sữa tươi"…
Tuy nhiên, một số bài báo ngay sau đó đã đăng tải những ý kiến phản bác. Báo Tiền Phong nêu ý kiến của ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho rằng, không tin như vậy là không có cơ sở. "Ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm gần đây đàn bò sữa đã tăng lên nhanh chóng. Thông tin chính thức từ Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi và các cơ quan quản lý nhà nước khác là không có chuyện ngành sữa Việt Nam đi ngược thế giới". Báo điện tử VTC News cũng có bài phỏng vấn ông Trịnh Quý Phổ - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, ông Phổ cho biết: "Tỷ lệ phần trăm sữa pha lại (hay còn gọi là hoàn nguyên) được đưa ra trong hội thảo vừa rồi chưa được có cơ quan nào đo lường, xác thực", "Tại sao lại nói việc thu mua sữa của các nhà máy từ bà con không đảm bảo, cơ sở nào nói không đảm bảo khi mà việc quản lý quy trình thu mua của các nhà máy được khép kín. Trước khi sữa nguyên liệu được đóng gói về nhà máy, sữa nguyên liệu đều phải qua các kiểm nghiệm khắt khe theo tiêu chuẩn nhà máy và đều phải đạt chuẩn mới trả tiền?". Ông Phổ cũng lên tiếng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục chăn nuôi, Hội nông dân phải có ý kiến vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống của bao nhiêu ngàn hộ nông dân đang chăn nuôi bò sữa...
Vậy, thực trạng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam ra sao, và đâu là những thông tin đúng?
Chăn nuôi bò sữa: chủ yếu dựa vào nông dân
Thông tin trên nhiều báo và từ ông Trịnh Quý Phổ cho biết, hiện nay, theo số liệu thống kê chăn nuôi bò sữa năm 2012, tổng lượng bò sữa trên cả nước là 166.989 con và chỉ có 98.372 con bò sữa cái đang cho sữa) và lượng bò sữa ở Việt Nam chủ yếu đang được chăn nuôi tại các nông hộ (khoảng 120.000 con), nghĩa là chỉ có khoảng 47.000 con đang được nuôi tại các trang trại tập trung của các doanh nghiệp. Trong Hiệp hội sữa hiện có 10 doanh nghiệp là có dây chuyền sản xuất, chế biến, tự cung một phần nguyên liệu như Vinamilk, Nutifood, Công ty FrieslandCampina VN, Mộc Châu...
Là doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa Việt Nam, mặc dù có đầu tư 5 trang trại chăn nuôi bò sữa nhưng Vinamilk mới chỉ có 8000 con bò sữa, với sản lượng khoảng 90 tấn sữa tươi nguyên liệu/ngày. Nguồn sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk chủ yếu là từ mối liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa, với tổng số 65.000 con bò, sản lượng 460 tấn sữa nguyên liệu/ngày.
Doanh nghiệp đứng thứ nhì thị trường là công ty FrieslandCampina Việt Nam (nhãn sữa Cô gái Hà Lan) thì không xây dựng trang trại nuôi bò riêng mà thành lập trang trại huấn luyện bò sữa để huấn luyện kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí chăn nuôi cho các nông hộ, nguồn sữa tươi nguyên liệu hoàn toàn mua từ nông dân. Năm 2012, công ty này đã thu mua gần 70.000 tấn sữa tươi, từ hệ thống hơn 3.100 trạng trại, nông hộ tại Việt Nam do công ty chọn lọc, kiểm định, ký hợp đồng thu mua, huấn luyện, kiểm tra giám sát, với đàn bò gần 30.000 con.
Sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu là công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, doanh nghiệp này vốn đi lên từ nông trường bò sữa Mộc Châu, ban đầu phát triển đàn bò theo mô hình tập thể, nhưng kể từ 2001, nông trường kết hợp thực hiện khoán hộ, giao bò về nuôi ở các hộ gia đình để người dân chăm bò tốt hơn. Tổng bò sữa ở Mộc Châu hiện có khoảng 12.000 con, cho sản lượng sữa năm 2012 đạt 40.000 tấn, với khoảng 500 hộ đầu tư chăn nuôi bò sữa, trong đó có 3 hộ phát triển trang trại quy mô lớn (trên 100 con bò sữa/trang trại); hơn 100 hộ chăn nuôi số lượng trên 50 con/hộ, còn lại gần 400 hộ nông dân nuôi bò sữa ở quy mô nhỏ hơn.
Công ty CP Sữa quốc tế Ba Vì (IDP) cũng đang dựa vào các nông hộ để phát triển đàn bò sữa vùng nguyên liệu ở 7 tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Quảng Ninh, với hơn 4.000 hộ chăn nuôi, tổng đàn bò khoảng 16.000 con. Tại vùng nguyên liệu trọng điểm là Ba Vì, số bò sữa ước khoảng trên 8000 con.
Theo bài viết trên báo Dân Việt, TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương có mô hình nuôi bò sữa nông hộ và có đàn bò sữa nhiều nhất cả nước, cung cấp sữa cho khoảng 10 đơn vị thu mua sữa, trong đó có Vinamilk và FrieslandCampina. Toàn thành phố hiện có hơn 90.000 con bò sữa, năng suất sữa bình quân đàn bò sữa TP. HCM đạt 5.100kg/con/chu kỳ, cao hơn bình quân cả nước (khoảng 4.500kg/con/chu kỳ). Quy mô đàn cũng tăng lên 11,63 con/hộ so với thời điểm năm 2011. TP.HCM cũng đang phát triển chăn nuôi bò sữa theo mô hình nhóm hộ sản xuất, với các tổ hợp tác và hợp tác xã. Trong tổng số gần 9.000 hộ nuôi bò sữa toàn thành phố, hiện có 23 tổ hợp tác và 5 hợp tác xã chăn nuôi bò sữa.
Như vậy, chăn nuôi bò sữa cũng như nguồn sữa tươi nguyên liệu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa vào các nông hộ với quy mô sản xuất nhỏ. Hiện nay mới chỉ có hãng sữa TH True Milk đầu tư bài bản vào trang trại nuôi bò với tổng diện tích hiện tại là 8100 ha (37.000 ha đến năm 2020), chủ động hoàn toàn nguồn sữa tươi nguyên liệu với 45.000 bò sữa, trong đó số bò cho sữa khoảng 50% và sản lượng hiện tại khoảng 400 tấn sữa tươi/ngày. Dự kiến, đến 2017, TH True Milk sẽ có đàn bò 137.000 con và đến 2020 dự kiến đạt 203.000 con. Như vậy về quy mô và sự tự chủ về nguyên liệu hiện chưa có doanh nghiệp nào vượt qua TH.
Cung không đủ cầu, dẫn tới nhập siêu
Từ thực tế chăn nuôi bò sữa ở quy mô nhỏ lẻ như trên, nên mặc dù các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đều có nhiều chính sách khuyến khích cũng như hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, đảm bảo đầu ra, nhưng tốc độ tăng trưởng đàn bò vẫn còn chậm. Số lượng đàn bò sữa trên cả nước năm 1990 có 11.000 con, tăng lên 167.000 con năm 2012 và ước đạt 184.000 con tính đến hết năm 2013. Với tổng sản lượng khoảng 420.000 tấn sữa tươi nguyên liệu theo số liệu mới nhất cuối năm 2013, thì mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu sản xuất trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Theo Bộ Công thương, lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là nhập sữa bột nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm.
Để hình dung mức độ "nhập siêu" sữa bột nguyên liệu, hãy nhìn vào hoạt động kinh doanh của Vinamilk hiện nay. Doanh nghiệp này không chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, với 9 nhà máy đã hoạt động hết công suất (tổng công suất hơn 500.000 tấn/năm) và 1 nhà máy mới đi vào hoạt động hồi tháng 9 năm nay với công suất giai đoạn 1 là 400.000 tấn/năm (khi hoàn thành là 800.000 tấn/năm), nhưng nguyên liệu từ các trang trại và thu mua từ hộ nông dân mới chỉ đạt 198.000 tấn/năm. Thiếu nguyên liệu trầm trọng nên Vinamilk buộc phải nhập sữa bột nguyên liệu lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm (chủ yếu từ New Zealand).
Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp kinh doanh sữa khác tại Việt Nam. Hiện có 25 công ty sản xuất và hàng trăm nhà phân phối, công ty nhập khẩu, văn phòng đại diện có nhập và bán sữa ở thị trường Việt Nam, mỗi năm nhập khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại.
Với nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân tăng lên, gấp 5 lần từ dưới 3 lít/người/năm (trước 1995) lên 15 lít/người/năm (2012) nhưng vẫn thấp hơn trung bình thế giới – 34 lít/năm ở Thái Lan, 25 lít/năm ở Trung Quốc hay 112 lít/năm ở Anh, Việt Nam muốn giảm tỉ lệ nhập siêu nguyên liệu sữa thì cần chủ động hơn nguồn sản xuất trong nước. Khi đó, chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp cần thay thế dần cho mô hình nông hộ nhỏ lẻ hiện nay.
Lời giải: Đầu tư công nghệ cao, quy mô lớn
Đứng trên quan điểm của ông Trịnh Quý Phổ, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, thì cần bảo vệ mô hình chăn nuôi bò sữa của các hộ nông dân hiện nay, bởi đó là nguồn nuôi sống nhiều hộ gia đình, giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn. Điều này là đúng và cũng không ai xóa bỏ hoàn toàn mô hình này và các doanh nghiệp vẫn còn cần sự hỗ trợ nguyên liệu từ các nông hộ.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam cần phải phát triển mạnh hơn theo hướng quy mô công nghiệp và đầu tư bài bản. Đầu tư tài chính, con giống, kỹ thuật, vật liệu cho nông dân và để họ tự nuôi bò, thu hoạch sữa, doanh nghiệp chỉ việc thu mua sữa, đảm bảo đầu ra – đây rõ ràng là cách đầu tư tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc xây dựng trang trại tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng công nghệ cao để chăm sóc, quản lý đàn, thức ăn, chăm sóc thú y, vắt sữa, bảo quản sữa…, nhưng về lâu dài sẽ không thể khắc phục những bất cập hiện nay.
Mặc dù các doanh nghiệp như Vinamilk, FrieslandCampina đều đưa ra những tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo chất lượng nguồn sữa thu mua từ nông dân, nhưng thực tế điều kiện chuồng trại, cách thức chăn nuôi, cách thức quản lý nguồn thức ăn và dinh dưỡng cho bò, các kiến thức thú y… của nông dân đều không thể sánh bằng các trang trại công nghiệp. Được biết, bò sữa tại các trang trại công nghiệp của TH True Milk, Vinamilk đều được quản lý bằng công nghệ cao. Ở TH True Milk, mọi khâu liên quan đến bò đều được theo dõi chặt chẽ qua hệ thống máy tính, như lượng cỏ nhập vào bao nhiêu, loại cỏ nào sẽ ăn được, chế độ ăn cho bò ra sao thông qua trung tâm phân phối thức ăn; mỗi con bò sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau và được áp dụng tuyệt đối theo những công thức này; sức khỏe của bò được theo dõi qua những con chip gắn ở từng con bò; bò được thư giãn nghe nhạc và massage khi vắt sữa, sữa được vắt trực tiếp từ bò sẽ theo ống dẫn đưa thẳng về kho, nên tránh được nhiều loại vi khuẩn xâm nhập… Với quy trình khép kín và chặt chẽ, sức khỏe bò được đảm bảo và chất lượng, vệ sinh nguồn sữa cũng mang lại sự an tâm cho người tiêu dùng.
|
Một hộ nông dân chuẩn bị vắt sữa cho bò.
|
Đầu tư tốt cho công nghệ còn giúp tăng năng suất sữa. Thông thường bò sữa chăn nuôi ở các nông hộ thường cho 20-25 lít sữa/ngày, có những con sữa tốt có thể cho nhiều sữa hơn, nhưng tính trung bình chỉ đạt khoảng 13,5 lít/ngày. Nhưng ở trang trại TH, sản lượng sữa mỗi con bò có thể đạt tới 30-40 lít/ngày. Được biết, sản lượng sữa trung bình của ngành chăn nuôi bò sữa Israel nhờ ứng dụng công nghệ cao đã đạt khoảng 42,6 lít/ngày.
Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp còn giúp duy trì chất lượng giống bò cao sản, chọn lọc được giống bò tốt, chủ động được số bê cái được sinh ra sau mỗi lần thụ tinh (có thể lên tới 92% là bê cái). Ở TH True Milk, phần mềm máy tính được sử dụng để chọn giống bò sữa. Cơ sở dữ liệu ban đầu được thu thập tự động qua một chip điện tử đeo ở mỗi chân con bò. Chíp này kết nối với hệ thống vắt sữa tự động, qua đó tự động ghi chép thông tin về năng suất sữa, chất lượng sữa, kiểm soát viêm vú, phát hiện chu kỳ động dục, xác định thời điểm phối giống thích hợp, thời gian đẻ, khả năng thụ thai, khối lượng cơ thể của cá thể bò, phân đàn khi cần thiết. Từ dữ liệu này, có thể đạt lợi nhuận tối đa trong chăn nuôi tính trên mỗi con bò, mỗi lít sữa, đơn vị diện tích, đồng vốn đầu tư, công lao động...
Như vậy, giải pháp lâu dài cho ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta hiện nay là chăn nuôi quy mô công nghiệp để nhanh chóng gia tăng số lượng và chất lượng đàn bò, số lượng và chất lượng nguồn sữa, đảm bảo người dân được uống sữa tươi sạch nhiều hơn. Chăn nuôi kiểu nông hộ vẫn nên được duy trì nhưng không nên xem là nguồn cung chính như hiện nay.
Theo Diễn Đàn Đầu Tư