Mấy hôm nay, trên nghị trường QH, nhiều đại biểu lại lên tiếng khẩn thiết về vấn đề này và phân tích những bất cập của nó, tạo ra sân chơi thiếu bình đẳng giữa nhà SX và nhà nhập nhẩu, không chỉ gây thua thiệt cho các nhà SX phân bón trong nước mà cả bà con nông dân.
Theo ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau: Nếu áp thuế GTGT cho phân bón sản xuất trong nước sẽ khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, cho ra nhiều sản phẩm phân bón mới, làm tăng năng suất cây trồng, đem đến cho nông dân những mùa vàng bội thu, giảm dần lượng phân bón nhập khẩu.
|
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đi đầu trong các hoạt động an sinh xã hội. |
Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn sản xuất lúa, gạo nhiều nhất nước, chiếm hơn 50% sản lượng gạo của quốc gia, khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 70% lượng trái cây. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá vật tư đầu vào tăng chóng mặt, đặc biệt là phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của nông dân. Nhiều người trồng lúa đều muốn bỏ ruộng vì sản xuất lúa không lời, thậm chí phải gánh lỗ.
Trong tâm trạng muốn bỏ ruộng để chuyển đổi canh tác sang cây trồng khác, ông Nguyễn Văn Thành, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, cả đời ông gắn bó với cây lúa, nhưng nay cũng khó khăn với chính cây lúa của mình. Giá phân bón liên tục tăng, khiến chi phí đầu vào lớn dần lên, nhưng khi thu hoạch, lợi nhuận nhận về lại không xứng đáng với công sức bỏ ra. Xung quanh đây bà con đã chuyển mô hình công tác sang cây ăn trái, hoa màu khác.
Thực tế, chi phí phân bón chiếm khá lớn trong tổng chi phí đầu vào của một vụ thu hoạch. Người nông dân có thể chấp nhận bỏ công làm lời, hưởng thành quả sau những nỗ lực của bản thân và gia đình. Nhưng phân bón là nguồn dinh dưỡng chính không thể thiếu đối với bất kỳ loại cây trái, hoa màu nào, nên việc giá phân bón liên tục tăng giá và neo ở mức cao khiến người nông dân gặp khó. Cần lắm sửa đổi luật thuế 71 để giá phân bón hạ nhiệt, bảo đảm cân đối chi phí và giá bán, để người nông dân gắn bó với ruộng vườn, làm giàu từ chính quê hương của mình.
TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ: Sau khi Luật Thuế 71 đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã gặp một số khó khăn: Thứ nhất, do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Thứ hai, do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, hàm lượng công nghệ lớn.
Ngoài ra, theo Luật thuế 71, phân bón nhập khẩu không có thuế GTGT, điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước khi phải “gánh” chi phí thuế GTGT.
Việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT, đưa phân bón trở lại là mặt hàng chịu thuế GTGT, để tạo môi trường về thuế và cạnh tranh bình đẳng, tạo tiền đề giảm giá thành và giá bán phân bón. Nếu để như hiện nay, Luật 71 chỉ mang lại lợi ích cho các DN nhập khẩu phân bón, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.
Không thể vì lợi ích của các DN nhập khẩu phân bón mà kéo dài việc sửa đổi Luật 71.
Vì vậy, rất mong các đại biểu Quốc hội sáng suốt, lắng nghe kiến nghị chính đáng của các DN sản xuất phân bón, bà con nông dân và cả các hiệp hội để bấm nút thông qua sửa đổi Luật 71 lần này.
Trần Thị Sánh