Các "ông lớn" lần lượt thoái vốn ngoài ngành
Để đầu tư làm lớn mạnh ngành kinh doanh chính của mình, đầu tư cho ngành nghề mới hoặc để khắc phục tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã lần lượt rút tiền khỏi các ngành nghề tay trái. Những tập đoàn tay to như Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)... đều thoái vốn khỏi đầu tư ngoài ngành.
|
Để đầu tư thêm ngành nghề mới, Viettel đã phải thoái toàn bộ vốn khỏi đầu tư tài chính.
|
Trong đề án "Tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giai đoạn 2013-2015" vừa mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, Viettel sẽ có thêm ngành nghề kinh doanh chính nữa là phát thanh, truyền hình và bưu chính. Mới đây, tập đoàn
Viettel đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Bên cạnh đó, Viettel cũng tham gia vào lĩnh vực thương mại, phân phối bán lẻ vật tư, thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng và bất động sản.
Tới năm 2015, vốn điều lệ của tập đoàn này sẽ tăng lên 100.000 tỷ đồng, gấp đôi so với hiện nay. Tuy nhiên, "ông lớn" này sẽ phải thoái vốn tại 5 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Công nghệ Viettel, Công ty cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex, Công ty cổ phần EVN Quốc tế, Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) và Công ty cổ phần Công nghiệp cao su Coecoo. Đồng thời sáp nhập Công ty thông tin Viễn thông điện lực vào công ty mẹ. Thủ tướng yêu cầu Tổng giám đốc Viettel phải có lộ trình và phương án cụ thể để hết năm 2015 hoàn thành việc thoái vốn đã đầu tư vào 5 doanh nghiệp này.
VVF được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Viettel là một trong những cổ đông sáng lập. Những người bỏ tiền vào đây đều kỳ vọng rằng, VVF sẽ trở thành thương hiệu sáng giá, hoạt động hiệu quả và là nơi sinh lợi tốt. Tuy nhiên, trong năm 2012, công ty hoàn thành chưa đến 60% kế hoạch lợi nhuận do phải trích dự phòng, tỷ lệ nợ xấu là 4,2% trong khi kế hoạch đề ra chỉ là 2%. Nợ quá hạn chiếm tới hơn 1/3 vốn điều lệ của VVF. VVF không còn là kỳ vọng của những cổ đông nữa.
Không chỉ Viettel mà hai "ông lớn" là EVN và PVN cũng phải thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp.
|
PVN phải thoái vốn ở hàng loạt doanh nghiệp thành viên |
Theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn năm 2012 -2015,
PVN phải cổ phần hóa và thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp thành viên. Theo đó, sẽ chỉ có Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) là PVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn lại, sẽ phải cổ phần hóa và giảm phần vốn mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn, Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất. Từ năm 2012 - 2015, PVN phải bán bớt phần vốn PVN đang nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí, Tổng công ty Công nghệ năng lượng dầu khí Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Hoá dầu và xơ sợi tổng hợp dầu khí, Công ty cổ phần PVI.
Trong giai đoạn năm 2012 - 2015, PVN phải thoái toàn bộ vốn đang nắm giữ tại Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Dương, Công ty cổ phần phát triển Đông Dương Xanh, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam. Sau năm 2015, PVN sẽ phải cổ phần hoá Tổng công ty Dầu Việt Nam; phải thoái hết vốn ở Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí. Riêng với Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí, PVN phải giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 51% vốn điều lệ...
Tương tự, đến năm 2015,
EVN cũng phải thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, chứng khoán...
|
EVN phải thoái vốn tại 6 doanh nghiệp |
Trong "Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012 - 2015" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN được đầu tư vào 4 ngành chính như: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; xuất khẩu điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện và cơ khí...
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực được kinh doanh lính vực liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề chính gồm: Xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị nhà máy điện, thiết bị đường dây và trạm biến áp, thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin...
Đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại 6 doanh nghiệp: Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam. Có 14 đơn vị của EVN được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ như: Công ty Thủy điện Hòa Bình; Công ty Thủy điện Ialy; Công ty Thủy điện Trị An; Công ty thủy điện Tuyên Quang...
|
Vinalines vẫn đang đau đầu tính phương án thoái vốn thích hợp |
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã lên kế hoạch đến năm 2015 thoái vốn khỏi 37 doanh nghiệp thành viên. Trao đổi với báo giới, ông Trịnh Vũ Khoa - Giám đốc Công ty đại lý hàng hải Việt Nam cho biết, nếu làm triệt để, hiệu quả thì việc thoái vốn tại 37 doanh nghiệp của Vinalines thu về từ 300- 500 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ vốn góp của Vinalines tại 37 doanh nghiệp sẽ thoái vốn chiếm từ 5- 40%. Vinalines đang rà soát và chọn thời điểm thoái vốn thích hợp cho từng doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả thu hồi vốn...
Một Tập đoàn làm ăn rất có lãi trong các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nhưng vẫn phải thoái vốn đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm tài chính 2012 của Petrolimex, các ngành kinh doanh ngoài ngành khác mang về cho Tập đoàn này khoản lãi 978 tỷ. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đặt ra là xây dựng Petrolimex thành tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam, giữ vai trò bình ổn thị trường xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn này phải thoái vốn các doanh nghiệp thành viên ngoài lĩnh vực kinh doanh chính có hiệu quả thấp, không mở rộng đầu tư ngoài ngành, tiến tới chấm dứt đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Lộ trình thoái vốn từ năm 2011 đến năm 2015.
Trao đổi với báo giới về vấn đề thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đại điện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định: "Dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tiến trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư vào ngành tay trái vẫn phải hoàn thành trước năm 2015" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo vị đại diện này, ngoài 4 lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán (nếu không phải là ngành kinh doanh chính, được giao) thì các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn. Các tập đoàn và tổng công ty phải trình Chính phủ đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của mình. Trong đề án tái cơ cấu, thì các tập đoàn và tổng công ty phải xây dựng phương án thoái vốn. Còn thoái như thế nào, lúc nào cho đảm bảo hiệu quả nhất trong một giai đoạn thì các tập đoàn và tổng công ty phải xây dựng đề xuất. Tức là doanh nghiệp phải xây dựng rõ kế hoạch và lộ trình thoái vốn. Trong đề án tái cơ cấu cũng phải báo cáo các khoản nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi để có phương án xử lý.
Vị này cho rằng, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập đoàn, tổng công ty đầu tư kinh doanh trên từng lĩnh vực. Nên nhất quyết không thể có chuyện ngành nghề kinh doanh chính doanh nghiệp chưa làm tốt mà lại đi đầu tư vào những lĩnh vực tay trái có nhiều rủi ro. Nhất là lúc này cần đầu tư vào ngành đã giao thì doanh nghiệp lại than là thiếu vốn là không được. Nhiều khoản đầu tư ngoài ngành nghề chính của các tập đoàn, tổng công ty do lãnh đạo doanh nghiệp quyết định nhưng lại không được các đơn vị chức năng tham gia xem xét, thẩm tra. Điều này có nghĩa là quyết định đầu tư ban đầu không minh bạch. Do đó, dù có hướng dẫn rõ ràng cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó, hay nói đúng hơn là rất ngại công khai việc thoái vốn.
Đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho báo giới biết: Với những tập đoàn, tổng công ty đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Diên Lệ (Tổng hợp)