Nữ tiến sĩ đã “hết sợ” xin tài trợ dự án khoa học
Tôi đến gặp Tiến sĩ Phùng Thị Kiều Hà muộn gần 20 phút so với lịch hẹn, do không thể tìm được chỗ đỗ xe trên phố. Nữ tiến sĩ ngành Điện tử Viễn thông nở nụ cười rất tươi, nói chị hiểu bởi cũng thường xuyên rơi vào tình cảnh này.
“Tìm chỗ đỗ xe ở các phố trung tâm Hà Nội đúng là gian nan. Có xe riêng nhưng tôi vẫn thường phải đi taxi vì lo không có chỗ đỗ”, TS. Kiều Hà mở đầu câu chuyện.
Câu chuyện của chúng tôi thật trùng hợp về chủ đề điểm đỗ xe ở Thủ đô, nội dung trong đề tài nghiên cứu của TS. Kiều Hà và các đồng nghiệp.
“Tôi rất muốn đóng góp một giải pháp ứng dụng để giải quyết tình trạng đó với chuyên ngành của mình. Song nói thật, ý tưởng đã có từ lâu nhưng mình ngại đề xuất vì sợ lại…trượt”, nữ tiến sĩ sinh năm 1978 thành thật chia sẻ.
|
TS. Kiều Hà |
TS. Kiều Hà kể từ sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ về nước công tác, năm nào chị cũng có đề xuất ý tưởng nghiên cứu. Nhưng 4 lần đăng ký thì cả 4 lần đều trượt.
Trên thực tế ở Việt Nam, các đề tài được phê duyệt mỗi năm đều căn cứ theo chỉ tiêu phân bổ, cả về số lượng và kinh phí thực hiện. Do ngân sách có hạn nên chuyện đề tài phải “xếp hàng” chờ kinh phí cũng không có gì lạ.
“Ý tưởng hay nhưng nếu không hiện thực hóa ngay thì cũng không còn tính cấp thiết nữa”, TS. Kiều Hà tiếc nuối kể về dự án của mình bị trượt 4 năm trước mà nay không còn thực hiện được nữa. “Lần này, nhờ có thông báo kêu gọi đề xuất của Quỹ VinIF cho các dự án đổi mới sáng tạo, thiết thực với cộng đồng mình lại có động lực đăng ký.”
|
TS. Kiều Hà hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu |
Quỹ VinIF mà TS. Kiều Hà nhắc tới là Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup. Quỹ thành lập, ổn định đội ngũ và đi vào vận hành trong vòng 3 tháng với hàng loạt chương trình hỗ trợ đáp ứng kỳ vọng của đội ngũ nghiên cứu trong nước. Sau 3 tháng tiếp nhận đề xuất và 4 tháng xét chọn, thẩm định Quỹ đã thực hiện xong khối lượng công việc rất lớn tương đương với việc các chương trình tài trợ của nhà nước phải chuẩn bị vài năm và thực hiện không dưới 1 năm.
Tháng 8 vừa qua, sau 1 năm đi vào hoạt động, VinIF đã tổ chức ký kết tài trợ cho 20 dự án khoa học và công nghệ xuất sắc với tổng kinh phí 124 tỷ đồng. Dự án do TS. Kiều Hà làm chủ nhiệm là 1 trong số 20 dự án đó.
“Nhanh kỷ lục”, nữ tiến sĩ vẫn chưa hết hào hứng khi kể lại câu chuyện. “Thủ tục rất gọn gàng. Sau hơn 1 tháng thông báo tài trợ, kinh phí đã được giải ngân về tổ chức chủ trì.”
Trong bối cảnh ngân sách cho khoa học công nghệ như tấm chăn hẹp, sự ra đời của các Quỹ tư nhân như VinIF đã giúp các nhà nghiên cứu có thêm nguồn lực và động lực để làm khoa học. Đặc biệt, mức tài trợ vượt trội của VinIF được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng các nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ ngang tầm quốc tế.
“Dự án do tôi làm chủ nhiệm và được VinIF tài trợ có 12 thành viên thì hầu hết có trình độ tiến sĩ trở lên và có hợp tác cùng nhóm nghiên cứu của các giáo sư tại Bỉ. Chúng tôi được chủ động nguồn kinh phí cho đoàn đi nước ngoài tham dự hội thảo và khảo sát theo cách khoán chi đến sản phẩm cuối. Điều không dễ có với các dự án mà tôi tham gia trước đây với tư cách thành viên”, TS. Kiều Hà chia sẻ.
|
TS. Kiều Hà trao đổi công việc với đồng nghiệp ở Viện DTVT |
Những bất cập trong đầu tư đã được cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về khoa học và công nghệ nhận ra từ lâu. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy thẳng thắn chỉ ra rằng chi cho khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay còn trong tình trạng bị phân tán và thiếu trọng tâm, trọng điểm, vẫn còn thiếu kinh phí để đầu tư hoặc chỉ được đầu tư nhỏ giọt, chưa tạo ra nhiều sản phẩm cuối cùng có thể chuyển giao trên thị trường hay áp dụng trong cuộc sống.
“Đặc biệt, tiến độ giải ngân còn chậm khiến nhiều đề tài phải chờ kinh phí, làm giảm động lực của các nhà khoa học và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu”, Thứ trưởng Duy nhận định.
Thay đổi môi trường và cách thức làm khoa học
Đánh giá cao sự ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ VinIF, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng cách làm của VinIF đang tạo ra một đột phá để thay đổi môi trường và cách thức làm khoa học tại Việt Nam. Theo PGS. Sơn, muốn có những nghiên cứu tầm cỡ thế giới, tạo ra tác động lớn và lâu dài đối với xã hội thì cần phải thay đổi chính sách, từ đặt hàng sang tài trợ nghiên cứu như cách VinIF đang làm.
“Tôi đánh giá cao về tầm nhìn của việc đầu tư cho nghiên cứu của Vingroup bởi tôi nhìn thấy mục tiêu thay đổi môi trường, tác phong nghiên cứu chuyên nghiệp, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tầm cỡ quốc tế phục vụ sự phát triển bền vững cho xã hội Việt Nam. Đây cũng là định hướng phát triển thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ của Vingroup”, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định.
PGS. Sơn cũng cho biết khi thực hiện các đề tài, dự án sử dụng ngân sách, kinh phí phải được lập dự toán theo từng khoản rất cụ thể, rất cứng để sau này chi theo đúng các nội dung đó. Trong khi đó, không một nhà nghiên cứu nào có thể biết trước tất cả khi thực hiện, khi cần điều chỉnh thì thủ tục rất phiền phức.
“Quỹ VinIF dù tài trợ lớn từ 2 tỷ đồng/dự án trở lên nhưng lại không ràng buộc hay yêu cầu cam kết, kể cả về quyền ưu tiên với các sản phẩm đầu ra. Điều này sẽ xóa bỏ tình trạng đóng khung trong nghiên cứu, tạo cho các nhà khoa học một khoảng tự do lớn về học thuật (làm gì) và sử dụng kinh phí (chi gì)”, PGS. Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá, các quỹ tư nhân như Vin IF là “mảnh ghép” cần thiết để xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo giữa viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, doanh nghiệp, các đơn vị quản lý và các đơn vị hỗ trợ trong đó doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo.
“Đây là xu hướng tất yếu, theo định hướng mà chính phủ đang thúc đẩy thực hiện, giúp bổ sung thêm nguồn lực tư nhân để cùng nhà nước hỗ trợ khoa học và công nghệ phát triển đồng thời tạo ra những thay đổi, đột phá cho Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
PV