Nần nghệ (Dioscorea collettii) được đưa vào danh mục dược liệu quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam (2007; phần thực vật; trang 391, 392). Loài cây này được Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Á nghiên cứu có công dụng hạ mỡ máu, mỡ gan, huyết áp. Tuy nhiên, loài này rất hiếm bởi cây phân bố đặc thù chủ yếu ở độ cao 1500m so với mặt nước biển với các điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt. Ở Việt Nam, nần nghệ được phát hiện ở vùng núi cao tỉnh Sơn La, khu vực có đồng bào người Dao sinh sống.
|
Hình ảnh cây và rễ nần nghệ - Dioscorea collettii |
Đầu những năm 1970, trong quá trình đi sưu tầm những thảo dược quý, các chuyên gia trường đại học Dược Hà Nội gặp gỡ một cụ già người Dao và được cụ chỉ cho một dây leo cuốn, củ có màu vàng, rễ giống râu hùm, có vị đắng và chỉ mọc ở vùng đất ít màu mỡ, chủ yếu là trên đất vôi pha cát. Cụ nói “cây này quý lắm đấy, nhưng chỉ làm thuốc thôi không ăn được đâu, nó giúp một số cán bộ bụng to đã bé lại và giúp hết đau nhức xương khớp rất hiệu nghiệm; dân ở đây gọi nó là củ Nần (Nần theo tiếng dân tộc có nghĩa là râu hùm)”. Về mặt thực vật học, các chuyên gia nhận ra nó thuộc họ củ nâu, thuộc chi Dioscorea từ lâu đã được các nước trên thế giới như Liên Xô, Trung Quốc ứng dụng vào việc bán tổng hợp thành thuốc chống viêm và thuốc hạ cholesterol.
Tại Việt Nam cây nần nghệ được chuyên gia Lê Đình Bích giám định thành công tên khoa học là Dioscorea collettii, sau đó thu hút nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu trong hơn 40 năm chứng minh nần nghệ có tác dụng hạ mỡ dư thừa trong máu (cholesterol, triglycerid); giảm mỡ trong gan và nội tạng; bình ổn huyết áp, với ưu điểm không có tác dụng phụ, không gây tai biến và tác dụng xấu khi sử dụng.
Dược sĩ Hoàng Tùng, một chuyên gia nghiên cứu về dược liệu cho biết, công dụng đó có được là do rễ nần nghệ có chứa 2 thành phần chính Diosgenin hàm lượng cao và Saponin toàn phần có thể đến gần 10%, giúp vận chuyển các lipoprotein tỷ trọng thấp đến những nơi thải trừ được.
"Theo quan điểm của y học cổ truyền, đàm thấp, tức là mỡ máu cao, cần kiện tỳ. Bởi tỳ vận hóa tốt mới không tích lũy đàm thấp và nần nghệ có tác dụng kiện tỳ rõ rệt: màu vàng quy vào kinh tỳ, mùi thơm quy vào tỳ, chống lại sự tích lũy mỡ máu trong cơ thể. Ngoài ra, nần nghệ cũng giúp điều hoà huyết áp và giảm gan nhiễm mỡ", dược sĩ Tùng cho biết.
Dược sĩ Lê Đình Bích nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho nhóm chuyên gia có công phát hiện, nghiên cứu và xác định tên khoa học của nần nghệ vào năm 2012.
Bệnh mỡ máu, mỡ gan, huyết áp rất phổ biến hiện nay và vẫn đang có dấu hiệu gia tăng không ngừng tại cả Việt Nam cũng như các nước khác nhau trên thế giới. Thống kê năm 2014 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, 29% người Việt Nam bị cholesterol cao. Điều nguy hiểm là chúng thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng đặc trưng nên nhiều người chỉ vô tình phát hiện ra khi thăm khám hoặc ở giai đoạn muộn khi đã xảy ra biến chứng nguy hiểm, các biến chứng có thể ở mắt, thận, nguy hiểm nhất là tim, não như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng, tàn phế suốt đời.
Việc các chuyên gia hàng đầu về thực vật học áp dụng thành công GACP WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái theo tiêu chuẩn quốc tế), trong nuôi trồng nần nghệ; và việc các nhà khoa học ứng dụng chiết xuất Nần nghệ trong hỗ trợ điều trị mỡ máu, mỡ gan, tăng huyết áp chính là những thành tựu rất đáng tự hào của y học cổ truyền nước nhà, mở ra cơ hội đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm trên cho đông đảo người bệnh trong và ngoài nước.
Hoàng Minh