Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, việc chuyển đổi số đã áp dụng công nghệ thông tin vào công việc, hỗ trợ đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và tiếp tục được đơn vị tập trung triển khai và phát triển trong thời gian tới.
Chuyển đổi số sẽ tạo ra các nguồn doanh thu, lợi nhuận bền vững
Trong ngành dầu khí, việc số hóa được được xem là để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Qua đó, sẽ tiết giảm chi phí, giảm lượng khí thải carbon; nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng lợi nhuận, doanh thu cho các doanh nghiệp trong ngành.
|
Chuyển đổi số giúp BSR phát triển và hoàn thiện hơn. |
BSR (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) cũng xác định chuyển đổi số là đòn bẩy sống còn để tăng hiệu quả vận hành, chuyển đổi phương thức hoạt động, kinh doanh, tạo ra các nguồn doanh thu, lợi nhuận bền vững của đơn vị ở mọi mặt. Tuy nhiên, chuyển đổi số dù mở ra các cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức cho BSR.
Đảng ủy, ban Tổng giám đốc BSR luôn quan tâm đặc biệt đến chuyển đổi số, xem là nhiệm vụ trọng tâm của công ty. Theo đó, BSR đã ban hành hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số, áp dụng đến tất cả các hoạt động đầu tư, phát triển, quản lý và khai thác của đơn vị đến ban chuyên môn và toàn thể CBCNV. Tại đây, việc chuyển đổi số được hình thành theo 6 trụ cột: Khách hàng, Chiến lược, Công nghệ, Vận hành, Văn hóa, Dữ liệu, nhằm đưa Công ty hoạt động hiệu quả hơn.
Chuyển đổi số là đòn bẩy đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn
Từ năm 2021, BSR đã triển khai vận hành chính thức hệ thống thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Đến nay đơn vị đã hoàn thiện các hệ thống vệ tinh để cung cấp nền tảng số cho toàn bộ chuỗi cung ứng/mua sắm trên hệ thống: Từ ngân sách, lập đơn hàng, triển khai mua sắm, thanh toán, hạch toán và báo cáo thông minh… Khai thác tối đa hệ thống ERP và các hệ thống vệ tinh như: Đưa vào khai thác hệ thống quản lý mua sắm D-procure, quản lý thanh toán (từ hóa đơn, đề nghị thanh toán, ủy nhiệm chi, đã kiểm thử thành công tích hợp thanh toán với ngân hàng); ký đối tác và tích hợp đồng bộ với ERP để hình thành nền tảng số cho toàn chuỗi.
BSR đã hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các hệ thống lập, giám sát, đánh giá kế hoạch hiệu quả sản xuất của nhà máy thông qua bộ giải pháp đánh giá dầu thô, lập kế hoạch tháng, kế hoạch sản xuất tuần, ngày tích hợp, kết hợp với hệ thống tính toán cân bằng vật chất. Định hướng chuyển đổi trọng tâm, đẩy mạnh công tác số hóa/chuyển đổi số trong quản lý tài sản/tối ưu sản xuất từ hình thức thụ động quản lý sang hình thức chủ động theo dõi, đánh giá, dự báo, tăng cường ứng dụng phân tích dữ liệu lớn Big Data, trí tuệ nhân tạo/máy học AI/ML trong công tác tối ưu, dự báo, bảo dưỡng tiên đoán... giúp BSR tiến gần hơn với mục tiêu "nhà máy thông minh".
Ông Đặng Minh Tuấn, Phó trưởng Ban công nghệ thông tin BSR nhận định: Thách thức của BSR trong chuyển đổi số là chi phí đầu tư lớn cho công tác này vào công nghệ, quy trình và đào tạo nhân viên. Chưa kể, khả năng thích nghi của CBCNV về thay đổi thói quen làm việc, hay như việc an toàn thông tin, bảo mật an ninh dữ liệu và phòng tránh các mối đe dọa, tấn công từ bên ngoài…
"Nhờ chuyển đổi số, BSR đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19. Thời gian này, hầu hết các phân xưởng và người lao động phải làm việc từ xa và '3 tại chỗ'. Công tác mua sắm, đấu thầu, nộp thầu đều chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn, giúp cho BSR vận hành ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh đều diễn ra bình thường", ông Tuấn nói và cho rằng, chuyển đổi số ở BSR chính là thay đổi toàn diện cách thức làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.
Cùng các giải pháp chuyển đổi số, BSR cũng tăng cường triển khai hoàn thiện hệ thống giám sát an ninh mạng tập trung, gia tăng các hệ thống bảo mật theo hướng tích hợp và "không tin tưởng" Zero trust, củng cố hạ tầng thông tin, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc…
Ngoài ra, BSR tiếp tục nâng cấp các giải pháp an toàn thông tin và an ninh mạng trên cả 3 mảng: Công nghệ, chính sách và con người, trong đó xem vấn đề con người là then chốt, trọng tâm, để đảm bảo các hệ thống hoạt động liên tục, đảm bảo công tác an toàn an ninh mạng và dữ liệu tuyệt đối cho đơn vị.
Với những lợi ích to lớn từ chuyển đổi số, BSR sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quyết liệt thực hiện chuyển đổi số để đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu suất, đem lại giá trị bền vững cho công ty. BSR sẽ đi đến hoàn thiện các mục tiêu: Hoàn thiện chuỗi số hóa xuất bán sản phẩm, quản lý giao dịch với khách hàng và việc lập kế hoạch hàng năm của công ty trên nền tảng số; tiếp tục đẩy mạnh số hóa trong quản lý tài sản, tối ưu sản xuất, bảo dưỡng tiên đoán, đánh giá và ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, AI/ML.
Trần Thị Sánh