Thu hồi thuốc hạ sốt trẻ em Tylenol
|
Loại thuốc hạ sốt trẻ em dạng siro Tylenol của Johnson & Johnson.
|
Chỉ vài ngày sau khi bị thu hồi giấy phép kinh doanh ở Ấn Độ vì loại phấn rôm có chứa hóa chất, Tập đoàn chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới Johnson & Johnson (J&J) lại dính phải một bê bối ở chi nhánh Hàn Quốc. Tập đoàn này cho biết chi nhánh tại Hàn Quốc của hãng hiện phải thu hồi khẩn cấp thuốc hạ sốt trẻ em dạng siro Tylenol.
Bà Samantha Lucas, phát ngôn viên của J&J cho biết, đợt thu hồi được tiến hành sau khi phát hiện lỗi nghiêm trọng trong lô sản phẩm thuốc hạ sốt dạng siro Tylenol, cho trẻ em hương anh đào, dung tích 100mg và 50mg.
Theo thông báo của J&J, trong quá trình thử nghiệm và kiểm soát chất lượng, một số mẫu thử có chứa acetaminophen (paracetamol), thành phần hoạt tính trong thuốc vượt mức cho phép. Hiện chưa có thông tin hay báo cáo về bất kỳ trường hợp trẻ em bị ngộ độc do thuốc này gây ra.
Nếu sử dụng quá liều, thuốc này có thể gây ra buồn nôn, nôn mửa, biếng ăn, gầy còi cho trẻ. Công ty này cảnh báo các bậc phụ huynh Hàn Quốc cần lưu ý theo dõi sát sao khi cho trẻ uống thuốc.
Nguyên nhân ban đầu được J&J công bố là do hệ thống sản xuất thuốc bị trục trặc ở khâu đóng chai, thậm chí có nhều lọ được bơm thuốc trực tiếp bằng tay, dẫn đến nồng độ không đạt tiêu chuẩn và mất an toàn. Hiện chính phủ Hàn Quốc cũng vào cuộc để điều tra vụ việc này.
Bộ An toàn Thuốc và thực phẩm Hàn Quốc cho biết họ đã bắt đầu xem xét vụ việc và sẽ trừng phạt công ty nếu phát hiện hành vi vi phạm các quy định về thuốc và y học.
Trong những năm qua, J&J đã phải vật lộn với dư chấn sau những vụ thu hồi sản phẩm Tylenol®. Đợt thu hồi là thất bại mới nhất của J&J trong chiến dịch lấy lại danh tiếng của sản phẩm Tylenol® từ những bê bối chất lượng sản phẩm năm 2009, tổn hại doanh thu lên đến hàng triệu USD, gây mất uy tín của mình với người tiêu dùng và bị giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý y tế của chính phủ các nước.
Johnson tẩm hoá chất vào phấn rôm trẻ em
Quan chức y tế Ấn Độ đã thu hồi giấy phép kinh doanh của nhà máy Johnson & Johnson sau khi phát hiện hóa chất trái phép trong phấn bột (phấn rôm) trẻ em.
|
Johnson & Johnson vừa bị phát hiện sử dụng hóa chất trái phép để tiệt trùng phấn bột (phấn rôm) trẻ em. |
Peggy Ballman, phát ngôn viên của nhà máy Johnson & Johnson (J & J) ở Ấn Độ xác nhận: “Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm thoại với cơ quan quản lý Ấn Độ và sẽ tìm cách giải quyết nhanh chóng vụ việc”. Đồng thời, bà Ballman nhấn mạnh vẫn chưa có bất cứ khiếu nại nào từ người tiêu dùng đã sử dụng các sản phẩm của công ty.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của bang Maharashtra (Ấn Độ) đã phát hiện nhà máy của Johnson & Johnson ở Mulund đã sử dụng ethylene oxide (một chất dùng để sản xuất nhiều hóa chất công nghiệp khác hoặc dùng khử trùng thiết bị y tế) để tiệt trùng sữa bột cho trẻ em. Thậm chí, nhà máy còn không tiến hành công đoạn kiểm tra bắt buộc để chắc chắn loại bỏ hoàn toàn dấu vết hóa chất độc hại này trong phấn bột.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chất ethylene oxide xâm nhập vào cơ thể, có thể gây tổn thương đến phổi, gây triệu chứng buồn nôn, nôn mửa và thậm chí còn gây bệnh ung thư.
Mặc dù vậy, bà Ballman cho biết, nhà máy J&J sẽ không đóng cửa và tiếp tục kêu gọi những quyết định “đúng đắn” từ phía cơ quan quản lý. Bà khẳng định hóa chất này chỉ là một quá trình tiệt trùng “thay thế tạm thời” được sử dụng trong một thời gian ngắn (vào khoảng năm 2007) trên một số lượng sản phẩm hạn chế. Bà cam đoan, loại phấn bột cho trẻ được làm từ ngô và bột talc vẫn thường được tiệt trùng bằng hơi nước.
Bà Ballman lại không thể giải thích được tại sao bỗng nhiên công ty lại quyết định sử dụng hóa chất tiệt trùng “thay thế” này. Bà biện minh rằng hóa chất này đã được sử dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất các thiết bị y tế, sản phẩm tiêu dùng và không để lại dư lượng độc hại. J&J chỉ thừa nhận là họ đã sai phạm vì không đăng ký với cơ quan FDA.
Johnson & Johnson thu hồi hàng ngàn tuýp kem dưỡng da em bé sau khi phát hiện có nhiễm khuẩn
|
Johnson & Johnson đã thu hồi 2.200 tuýp kem dưỡng da cho bé Aveeno Baby. |
Đợt kiểm tra hồi năm 2012 của cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phát hiện một lô kem dưỡng da trẻ em có chứa lượng vi khuẩn nhiều hơn so với thông số kỹ thuật cho phép.
Khoảng 2.200 chai kem dưỡng da với số hiệu 0161LK đã được thu hồi từ các cửa hàng trên toàn tiểu bang miền Nam nước Mỹ.
Sản phẩm đã được bán trên các bang Alabama, Arkansas, Florida, Georgia, Kansas, Louisiana, Mississippi, Tennessee và Texas.
Loại vi khuẩn trong lại kem dưỡng da này được xác định là có thể gây hại tới sức khỏe như ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương hoặc gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chất độc trong dầu gội Johnson & Johnson
|
Loại dầu gội trẻ em phổ biến Baby Shampoo của Johnson & Johnson đã
trở thành vấn đề gây tranh cãi trên phạm vi toàn cầu hồi năm 2011. |
Baby Shampoo nằm trong dòng hàng chăm sóc trẻ em dịu nhẹ rất nổi tiếng và phổ biến trên toàn cầu của Johnson & Johnson với dòng khẩu hiệu quảng cáo “No More Tears” (Không gây cay mắt). Tuy nhiên, thông tin từ Tổ chức hoạt động y tế và môi trường The Campaign for Safe Cosmetics (CSC) của Mỹ cho hay, sản phẩm Baby Shampoo được bán tại thị trường Mỹ và nhiều nước khác vẫn tồn tại 2 chất hóa học gây hại.
Theo thông tin từ CSC, loại dầu gội cho trẻ em của Johnson & Johnson chứa chất bảo quản quaternium-15 có tác dụng giải phóng formaldehyde để diệt khuẩn trong các loại hóa mỹ phẩm. Tuy nhiên, formaldehyde cũng thường được sử dụng để ướp xác và đã bị liệt vào danh sách các chất gây ung thư của Bộ Y tế Mỹ. Ngoài ra, nó còn có thể gây kích ứng da, mắt và hệ hô hấp.
Hóa chất thứ hai được tìm thấy là 1,4-dioxane, cũng nằm trong danh sách tác nhân gây ung thư. Đây là sản phẩm phụ của quá trình biến hóa chất thành dễ hòa tan và dịu nhẹ hơn cho da. Giám đốc Lisa Archer của CSC cho hay ở một số nước, quaternium-15 và 1,4-dioxane đều bị cấm trong các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cho người.
Trước những thông tin trên, Johnson & Johnson ra thông cáo khẳng định hãng sẽ từng bước loại trừ hóa chất bảo quản gây hại. Dù khẳng định sản phẩm của mình tuyệt đối an toàn và phù hợp các quy định của EU, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, Johnson & Johnson thừa nhận có nhiều quan ngại về formaldehyde. Do đó, hãng này tuyên bố đã cố gắng giảm số lượng sản phẩm chứa chất bảo quản thải ra formaldehyde đến 33% trên phạm vi toàn cầu và hơn 60% tại Mỹ.
Thuốc trị thiếu máu của Johnson & Johnson chứa mảnh thủy tinh
|
Epogen và Procrit chữa bệnh thiếu máu của hãng có chứa "những mảnh thủy tinh cực nhỏ". |
Hồi năm 2010, công ty công nghệ sinh học Amgen của California (Mỹ) hôm 24/9 đã đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng rằng một số lô thuốc Epogen và Procrit chữa bệnh thiếu máu của hãng Johnson & Johnson có thể chứa "những mảnh thủy tinh cực nhỏ".
Epogen được sử dụng để điều trị bệnh thiếu máu ở những bệnh nhân suy thận đang lọc máu, còn Procrit xử lý tình trạng thiếu máu ở các bệnh nhân ung thư đang được hóa trị và một số bệnh nhân HIV.
Các mảnh thủy tinh này "hầu như không thể nhìn thấy được" và hiện chưa có khiếu nại hay các báo cáo về các sự cố nghiêm trọng có liên quan tới các mảnh thủy tinh này trong thuốc, nhưng nó cũng có nguy cơ "dù rất thấp" gây ra hiện tượng cục máu đông ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đại diện của công ty Amgen, Emma Hurley, cho biết.
Cũng theo đại diện của hai nhà phân phối độc quyền các sản phẩm trên tại Mỹ là Amgen và Centocor Ortho Biotech, các mảnh thủy tinh cực nhỏ xuất hiện trong thuốc Epogen và Procrit là do kết quả của sự tương tác hóa học giữa thuốc với lọ thủy tinh trước khi hết hạn sử dụng dược phẩm.
Hãng Amgen sẽ phối hợp với Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ tiến hành thu hồi các lô hàng bị lỗi trong thời gian tới.
Thông tin về việc thu hồi sẽ được công ty Amgen thông báo cho tất cả các bên liên quan gồm các chuyên gia y tế, các đại lý phân phối, các cơ sở bán buôn, các hiệu thuốc trên tinh thần tự nguyện.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:
Nguyên Thảo (tổng hợp)