CLB Bóng đá HAGL ra đời năm 2001 gắn với cái tên Đoàn Nguyên Đức, với vai trò Giám đốc một Công ty tư nhân mang tên Hoàng Anh Pleiku (nay là Tập đoàn HAGL).
Gây sốc mở cửa đón ngoại binh
Ông Đoàn Nguyên Đức không tiếc tiền đầu tư vào đội bóng và xây dựng thành một “thế lực” đáng kinh ngạc trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Cái tên HAGL xuất hiện cũng là lúc bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, làn sóng mở cửa đón các ngoại binh đến thi đấu, đồng thời thu hút không ít doanh nhân nhảy vào lĩnh vực bóng đá.
Để biến ước mơ lâu nay của người dân Phố Núi trở thành hiện thực, đầu năm 2002, bầu Đức kích hoạt “bom tấn” bằng cách đưa về sân Pleiku danh thủ số 1 Đông Nam Á người Thái Lan là Kiatisuk. Thương vụ này không chỉ gây sốc cho bóng đá Việt Nam, mà còn khiến cho bóng đá khu vực Đông Nam Á “thèm thuồng”. Với sự xuất hiện của “ Zico Thái” cùng dàn hảo thủ Việt Nam và Thái Lan, HAGL hình thành “ Dream Team” đưa đội bóng Phố Núi thăng hạng V.League trong năm 2002 và tiếp tục lập cú đúp khi đoạt ngôi vô địch V.League và Siêu Cúp năm 2003, 2004…
Làm bóng đá kiểu chơi ngông...
Làm bóng đá kiểu hơi “ngông” của bầu Đức đôi lúc bị những phản ứng ngược. Chẳng hạn như thời điểm ông đặt hết niềm tin vào ông thầy dạy trẻ tốt Guilliame Graechen khi tuyên bố chỉ cần đội bóng giỏi, không cần HLV nhiều kinh nghiệm chinh chiến giỏi cũng có thể đá tốt. Nhưng thực tế sự khắc nghiệt của V-League và bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi đội bóng phải có HLV tài ba, chứ không thể chỉ là “ông giáo dạy kỹ thuật đá bóng”. Đó cũng là giai đoạn ở cấp độ U thì HAGL đá cực hay, nhưng lên V-League lại rất “chật vật” khi bị tuột lại phía sau, với nhiều thất bại, vì lối đá đẹp mà lại thiếu hiệu quả, để rồi mỗi khi kết thúc mùa bóng là: Trụ hạng!
Khi bầu Đức gặp khó về tài chính dẫn đến đầu tư không như ý muốn khiến lực lượng HAGL trồi sụt, nên ông tuyên bố “chỉ đá cho vui”, khiến cho mục tiêu của đội bóng phố Núi bị lung lay. Nhiều CĐV lên tiếng chỉ trích đòi HAGL phải cải tổ lại cách làm.
Giai đoạn đó bầu Đức tuy không phản ứng, nhưng phải gồng vì có ai hiểu được nội tình bên trong, với những chiến lược ngắn hạn hay dài hạn của ông để giữ vững tinh thần và sự ổn định cho đội bóng phố núi, mà thời điểm đó ông nói vui: “Dù có lên bờ xuống ruộng, tôi vẫn kiên định và không bỏ HAGL”.
...
Phải có nhiều thật nhiều tiền
20 năm nhìn lại, bóng đá phố núi Pleiku luôn rộn ràng khi có bầu Đức, bóng đá Việt Nam sang trang nhờ những khởi nguồn từ ông. “Làm bóng đá ngoài tiền chưa đủ, mà phải có nhiều thật nhiều tiền. Nó là điều kiền cần, còn đủ là phải đam mê, khát vọng và có bước đi nghiêm túc, căn cơ. Tôi sẽ làm mãi đến hơi thở cuối cùng”, bầu Đức chia sẻ.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, không ai đi mãi trên một con đường bằng phẳng, mà nó rất gập ghềnh, chông gai. Ông làm bóng đá HAGL cũng như như một bản nhạc Bolero, có lúc bỗng, lúc trầm, lúc cao trào nhưng cũng có lúc tĩnh lặng. “Tôi tự hào vì tất cả những gì tôi làm vì tình yêu và trách nhiệm với bóng đá Việt Nam”, bầu Đức tự hào nói.
Ngay cả khi bầu Đức đưa bộ ba Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… ra nước ngoài thi đấu, dù thành tích không như mong muốn, đã nhận “gạch đá” không tốt. Nhưng “có đi mới thành đường”, nếu không có những chuyến đi học hỏi, trau dồi , tích lũy kinh nghiệm này thì hình ảnh cầu thủ Việt bao giờ mới gây ấn tượng với thế giới, giá trị của bóng đá Việt Nam bao giờ mới được nâng lên.
Sướng là khi hướng về khán giả!
Ôn lại những kỷ niệm sau 20 năm, bầu Đức vẫn sảng khoái rồi vanh vách kể rằng, sướng nhất vẫn là xem tụi nhỏ học viện mỗi chiều đá bóng rồi tụi nó lên đỉnh vinh quang.
“Khi tôi đưa các cháu học viện ra đá giải những năm 2014, 2015, dù thua xiểng niểng nhưng sân nào cũng chật kín. Kín đến nổi năm 2015 khi chúng tôi đá trụ hạng ở Đồng Nai thì chật kín khán giả, còn sân Bình Dương lên ngôi vô địch không ai xem. Hay như năm 2015 khi U21 HAGL đánh bại U21 Thái Lan, sân Cần Thơ kín như bưng. HAGL đá cho họ lên bờ xuống ruộng và chủ tịch bóng đá Thái Lan xấu hổ đến đỏ mặt rồi ra sân bay Cần Thơ về trong đêm”, ông chủ HAGL bộc bạch.
Thực hiện: Hà Ngọc Chính