Những năm gần đây, việc cải thiện, xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động đã được Lãnh đạo Cty Cao su Mang Yang đặt biệt chú trọng, nhất là những đơn vị trực tiếp sản xuất. Hành động này đã tạo chuyển biến và đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo đảm môi trường làm việc. Cùng với đó, làm tốt công tác dân vận, tạo cho người lao động yên tâm găn bó lâu dài với đơn vị đang là ưu tiên hàng đầu và điểm sáng là Nông trường K’dang - Công ty Cao su Mang Yang
Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ người lao động
Xác định rõ, sản xuất và chế biến cao su là ngành nghề độc hại, tiềm ẩn nhiều rủ ro về tai nạn lao động nếu không có sự chủ động phòng chống, ý thức tốt. Vì vậy, nhiều năm qua trước khi vào mùa sản xuất mới Cty Cao su Mang Yang luôn chú trọng đến công tác tập huấn ATVSLĐ cho công nhân để tránh những rủi ro không mong muốn xảy ra.
Cụ thể, trước vụ sản xuất 2021, công ty đã ra thông báo về việc tổ chức tập huấn công tác ATVSLĐ với mục đích nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật của người lao động về thân thể và tính mạng, bảo vệ tài sản của cơ quan, xí nghiệp; Ngăn ngừa tại nạn; Cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; Xây dựng và bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở tất cả các đơn vị trực thuộc.
An toàn sản xuất là nhiệm vụ tiền đề trong sản xuất kinh doanh.
Ông Trương Minh Tiến, Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Cao Su Mang Yang cho biết “Công ty rất chú trọng đến công tác ATVSLĐ, hàng năm chu cấp trang thiết bị bảo hộ lao động từ mũ, giày dép, đến áo bảo hộ lao động, đặc biệt là khẩu trang lọc bụi để bảo vệ sức khỏe cho người lao động”. Tại nơi làm việc, lãnh đạo công ty đều cho lắp đặt các biển báo, pano, khẩu hiệu và băngzôn với thông điệp rất rõ về vấn đề ATLĐ trong sản xuất, chế biến mủ cao su để nhắc nhở người lao động.
Điểm sáng trong công tác dân vận
Với diện tích trải rộng trên 16 thôn, làng của đồng bào dân tộc thiểu số, lượng công nhân người dân tộc chiếm gần 50%, do vậy, trình độ còn thấp, kĩ thuật lạc hậu nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác dân vận nên Nông trường K’dang đã trở thành điểm sáng của công ty trong việc hoàn thành sản lượng sớm.
Anh Trung - Giám đốc Nông Trường K’dang chia sẻ: “Chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục, trong đó công tác dân vận là yếu tố quyết định thành bại trong việc tổ chức sản xuất của nông trường”.
Trong quá trình thực hiện 3 cùng: “cùng ăn – cùng ở - cùng làm”, nông trường cũng gặp không ít khó khăn, đó là sự thiếu hợp tác của một số thanh niên, sự bất đồng ngôn ngữ tạo rào cản để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội quy của đơn vị cũng như những quyền lợi khi làm công nhân cao su…
Vì mục tiêu ổn định sản xuất, đảm bảo ANTT trên địa bàn, thuyết phục đồng bào làm công nhân, từng bước thoát nghèo, nên dù vất vả, khó nhọc đến đâu, ngày hay đêm, cứ buôn làng có việc thì Nông trường đều cử người đến tận nơi thăm hỏi ân cần, thấy việc khó thì gỡ giúp, việc vui buồn cùng chia sẻ, động viên. Chính những điều đơn giản ấy, các anh đã tạo được niềm tin với buôn làng.
Già làng Bơih (Làng Đak Pơ Nan, xã Kon Thụp), hồ hởi: “Lúc trước giá mủ cao su thấp, lương cũng thấp nên không ít người bỏ đi mấy tỉnh xa xa tìm việc ở KCN, Trong làng chỉ còn người lớn tuổi làm là chủ yếu, bà con khổ lắm. Thanh niên muốn quay về làng làm công nhân lắm”.
Nhiều Già làng cảm ơn Công ty và Nông trường K’dang đã có nhiều sự hỗ trợ giúp bà con dân làng làm đường giao thông, xây lại nhà, hướng dẫn cách làm nương rẫy, ruộng lúa đạt năng suất cao…
Giám đốc Nông trường cho biết “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giải quyết việc làm cho thanh niên trong làng vì có an cư mới lạc nghiệp. Thanh niên trong làng sẽ không dễ nghe theo lời kẻ xấu xúi dục trộm cắp, phạm pháp. Chúng tôi tâm niệm, phát triển kinh tế phải gắn với phát triển con người mới bền vững”.
Chăm lo đời sống cho người lao động và làm tốt dân vận để Nông trường phát triển bền vững