|
Chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện FV TP.HCM. |
Ăn đúng loại thực phẩm cũng giúp duy trì trọng lượng cơ thể và khả năng tích trữ dinh dưỡng của cơ thể, chịu tốt hơn tác dụng phụ do điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng, lành bệnh và phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, có nhiều quan niệm còn chưa đúng về việc kiêng khem dinh dưỡng khiến người bệnh không “nạp” đù năng lượng và dinh dưỡng cần thiết. Chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn (CGDD Sylvie Nguyễn), Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện FV TP.HCM sẽ chia sẻ giúp người bệnh khỏe mạnh và sống lâu hơn.
- Bệnh nhân ung thư cần có chế độ dinh dưỡng tốt không?
Chắc chắn là cần! Chế độ dinh dưỡng tốt là một phần quan trọng trong điều trị bệnh ung thư vì cả căn bệnh lẫn phương pháp điều trị có thể thay đổi cách ăn uống cũng như làm ảnh hưởng đến cách cơ thể dung nạp các thực phẩm nhất định và sử dụng các chất dinh dưỡng.
- Nhưng người dân đồn rằng người bệnh ung thư không được ăn thịt đỏ, thịt bò hay ăn các loại thức ăn bổ dưỡng?
Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch nhưng điều đó không khuyến cáo loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn của bệnh nhân vì thịt nạc đỏ là nguồn dinh dưỡng quan trong cung cấp sắt, kẽm, vitamin B12, và đạm. Do đó, thịt đỏ được khuyến nghị tiêu thụ 3 – 4 lần/tuần. Hơn nữa, bệnh nhân nên đa dạng nguồn chất đạm với thịt gia cầm, cá, trứng, hải sản, đậu phụ (tàu hũ) và ăn nhiều loại rau quả. Không có bất kỳ khuyến nghị nào khuyên không tiêu thụ một loại chất đạm nào và cũng như những nhóm thực phẩm khác.
- Vậy có uống sữa, nước ngọt thì như thế nào?
Sản phẩm từ sữa là nguồn bổ sung vitamin D và Canxi cho cơ thể, cần thiết để ngăn ngừa loãng xương, do đó khuyến nghị nên tiêu thụ 2 – 3 phần sản phẩm từ sữa một ngày. Còn bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại nước ngọt vì chúng chứa nhiều năng lượng nhưng lại ít chất dinh dưỡng.
|
Chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn đang chăm sóc, tư vấn cho bệnh nhân. |
- Có nhiều người bị ung thư phổi, kể cả người đã khỏi đều uống thứ nước là lá đu đủ nấu thay cho nước uống hàng ngày. Đã có nghiên cứu khoa học nào tin cậy về vấn đề này?
Không có bất kỳ nghiên cứu nào khẳng định tác dụng của lá đu đủ đối với bệnh ung thư. Bệnh ung thư tái phát phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư và sự di căn tại thời điểm điều trị. Mặc dù việc ăn uống đúng cách, tập thể thao, tái khám đều đặn rất quan trọng. Bệnh nhân nên vui lòng hiểu rằng không có gì có thể ngăn bạn không bị tái phát bệnh ung thư trở lại.
- Vậy, có người nhịn ăn từng đợt, mỗi đợt 36 ngày (chỉ uống nước) với triết lý “Bỏ đói tế bào ung thư” và kết quả là có người có khối u đại tràng được nhỏ lại? Có cơ sở khoa học nào chứng minh không?
Những bằng chứng khoa học hiện có không thể khắng định tuyên bố là nhịn ăn là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư ở người. Tuy nhiên bạn nên hiểu rằng nhịn ăn trong thời gian ngắn đem lại nhiều tác động tiêu cực cho một số người, nếu nhịn ăn thời gian lâu, có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Nhịn ăn chỉ được bác sĩ yêu cầu khi làm một vài xét nghiệm chẩn đoán, tầm soát ung thư.
- Vậy, sau điều trị ung thư khỏi thì có cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng nữa hay không?
Có chứ! Bệnh nhân ung thư sau điều trị đặc hiệu cần quan tâm nhiều đến chế độ ăn uống, vận động để cải thiện kết quả điều trị, giảm nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian ổn định bệnh.
- Bị ung thư rồi vẫn có thể mắc thêm bệnh ung thư khác ư?
Người đã mắc ung thư cũng có nguy cơ mắc thêm một bệnh ung thư khác như người chưa mắc, ví dụ như ung thư vú, ung thư tử cung, v.v.... Do đó, cần có chế độ ăn uống và vận động lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, cần ăn đa dạng, cá, thịt gia cầm, đậu hủ…Dùng nhiều rau và trái cây giúp hạn chế một số loại ung thư như ung thư phổi, họng, thực quản, dạ dày và đại tràng.
- Sau điều trị ung thư nên chọn thực phẩm nào tốt cho sức khỏe?
Bệnh nhân nên sử dụng nhiều thực phẩm chứa các chất chống oxy hóa (vitamin C, vitamin E, carotenoid và rất nhiều chất khác trong thực vật) giúp giảm nguy cơ tái phát của nhiều loại ung thư. Các chất này có nhiều trong rau củ quả, đặc biệt, sử dụng rau và trái cây góp phần phòng ngừa tái phát và tăng thời gian ổn định của ung thư vú, tiền liệt tuyến và buồng trứng. Tác dụng này chỉ có khi sử dụng thực phẩm chứ không phải thuốc bổ sung.
- Sau khi khỏi bệnh ung thư có cần kiêng rượu bia không?
Tất nhiên¬! Hầu hết các phương pháp chữa ung thư đều rất mạnh và làm cơ thể bạn yếu đi, chính vì vậy cơ thể bạn cần được bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết bằng cách ăn theo chế độ dinh dưỡng đa dạng gồm trái cây, rau củ, đạm động vật, tinh bột, sản phẩm từ sữa và dầu thực vật. Không nên sử dụng thức uống có cồn đặc biệt khi bạn đang điều trị các loại ung thư đường tiêu hóa, gan, ung thư trưc tràng hoặc tuyến tụy là những bệnh đòi hỏi sự kiên cử nghiêm ngặt.
- Thưa chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện FV TP.HCM. Vậy chuyên gia có lời khuyên gì đối với người dân khi chọn lựa chế độ dinh dưỡng?
Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người có thể khác nhau. Do vậy, chúng tôi khuyên bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để biết mục tiêu dinh dưỡng của mình và lập kế hoạch dinh dưỡng phù hợp nhất với bạn.
Xin cảm ơn chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn!
Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV TP.HCM – nơi mang chuẩn mực quốc tế đến với bệnh nhân Việt Nam. Bệnh nhân ung thư được các BS khám tư vấn về phương pháp, liệu pháp điều trị, đồng thời được các chuyên gia Dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn uống hợp lý. Bên cạnh đó, còn có chuyên gia tâm lý, tư vấn, hỗ trợ tinh thần cho thân nhân và bệnh nhân. Đặc biệt, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng nằm trong một bệnh viện đa khoa giúp việc chăm sóc bệnh nhân có kèm bệnh mạn tính khác rất thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
BS Jean- Marcel Guillon (TGĐ Bệnh viện FV TP.HCM)
Hoài Thu