Thực hư chuyện vừng đen bị nhuộm màu, ra nước đen sì

Google News

(Kiến Thức) - Bà Dung ở 178 Tây Sơn, Hà Nội rất lo lắng khi vừng thôi ra nước màu đen như nước luộc đỗ đen. Bà nghi vừng đã được nhuộm màu.

Bà Nguyễn Thị Dung ở 178 Tây Sơn, Hà Nội phản ánh: Bà có mua vừng đen về để ăn, khi vo, chà vừng thì thấy nước chuyển màu đen như nước luộc đỗ đen. Bà lo lắng liệu vừng đen bị nhuộm màu?
Nước màu đen có bất thường?
Theo bà Dung, bà vẫn hay ăn vừng đen vì nghe nói vừng đen tốt cho sức khoẻ. Trước đây toàn con cháu rang, xay nên bà không để ý. Lần này tự tay bà làm, khi vo vào rá, lấy tay chà nhẹ, bà bất ngờ thấy nước chuyển màu đen. Thấy bất bình thường nên bà không sử dụng chỗ vừng đấy nữa, đồng thời phản ánh lên báo. 
Bà Dung cho biết, bà tham khảo một số người cũng hay sử dụng vừng đen để ăn, mọi người nói: Hạt vừng mà mẩy thì nước chỉ hơi đen. Vừng bà mua ở chợ gần nhà hơi lép, hạt nhỏ nhưng lại thôi ra nước đen như nước luộc đỗ đen. Từ những lý do như vậy, bà nghi ngờ vừng có thể nhuộm màu.
Phóng viên đã có mặt tại nhà bà Dung ngay sau khi nhận được phản ánh. Tại nhà bà Dung, vừng được để vào một cái bát con có nước và nước đó có màu xám tro. Phóng viên đã lấy một bát nước khác, cho một nhúm vừng khác vào (túi vừng bà mua vẫn còn), nếu để yên, vừng nổi; nếu ấn vừng xuống nước kèm lấy tay vò vừng, vỏ vừng sẽ nát ra lấm tấm màu đen đồng thời nước cũng chuyển màu xám. 
Túi vừng đã được chuyển đến một số chuyên gia. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học & Công nghệ thực phẩm đã làm thực nghiệm: Cho vừng vào cốc nước và khuấy đều, nhưng nước vẫn màu trắng. Từ điều này, PGS.TS Thịnh khẳng định, túi vừng bạn đọc nghi ngờ không có hiện tượng nhuộm, bởi nếu nhuộm, nếu cho vào nước, nước sẽ chuyển màu ngay khi chỉ quấy nhẹ. 
Thục hu chuyẹn vùng den bị nhuọm màu, ra nuóc den sì
Nước sẽ chuyển màu đen hoặc xám tro khi chà xát vừng.  
Không chà xát mạnh khi sử dụng vừng
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi sử dụng vừng, chỉ nên vo nhẹ để loại bỏ hạt lép loại bỏ sạn (hạt lép sẽ nổi lên, sạn sẽ lắng xuống). Trong quá trình người dùng chà xát mạnh, vỏ vừng có thể bong ra và nước có thể chuyển màu. 
Ông Võ Văn Quang, Bộ môn Nghiên cứu đậu đỗ, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết: Vừng đen khi cho vào nước để trên 5 phút sẽ làm nước chuyển màu hơi tím đỏ, sau một thời gian màu nước chuyển sang màu đen nhạt, nhưng màu vỏ hạt vừng vẫn giữ nguyên. Nếu vừng tẩm màu thì khi cho vào nước chưa đầy 3 phút hạt vừng sẽ hiện nguyên màu khi chưa nhuộm, nước sẽ toàn màu đen. 
Cũng theo vị chuyên gia này, hạt vừng có chừng 45 - 55% dầu, 20 - 22% protein, có chứa hàm lượng cao các chất canxi, magiê, đồng, kẽm, nhiều loại vitamin có ích và axit amin không thay thế khác. Thành phần axit hữu cơ của vừng chủ yếu là axit chưa no Oleic (C18H34O2), đây là loại axit béo có lợi. Đặc biệt, hạt vừng có chứa chất Sesamolin, antioxidants và sesamin là chất ngăn cản quá trình oxy hóa. Canxi có nhiều trên vỏ hạt vừng. Nếu chà hạt vừng sẽ làm mất lượng lớn canxi. 
Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, vừng có vị ngọt, béo, tính bình, không độc, vào 4 kinh là phế, tì, gan và thận; có tác dụng bổ gan và bổ thận; tăng hồng cầu, rất tốt trong điều trị táo bón, nhuận gan mật và lợi tiểu. Trong hai loại vừng đen và vừng vàng, vừng đen được xem là có giá trị hơn trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng không nên chà xát mạnh vì có thể làm mất một số chất bổ từ vỏ vừng.
Lâm Nhi