Bài thuốc này do Trương Nguyên Tố, tự Khiết Cổ, y gia trứ danh đời Kim (Trung Quốc), người sáng lập họa phái "Dịch thủy" chế ra và được ghi lại trong sách "Y học khải nguyên" nổi tiếng của ông.
Ngày nay, bằng phương pháp nghiên cứu khoa học của y học hiện đại, người ta đã chứng minh phương thang này có khả năng chữa trị được khá nhiều loại bệnh như viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý động mạch vành tim, hội chứng yếu nút xoang, tâm phế mạn tính, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng, choáng do các nguyên nhân, xuất huyết dưới da do giảm tiểu cầu nguyên phát, viêm kết trạng mạn tính...
Thành phần và cách dùng
Sinh mạch tán được cấu thành bởi ba vị thuốc là nhân sâm 6 - 9g, mạch môn 9 - 15g và ngũ vị tử 6 - 9g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang. Hiện nay, còn được sử dụng dưới dạng trà thuốc, dịch thuốc uống và tiêm truyền đường tĩnh mạch. Dịch thuốc uống được gọi là "Sinh mạch ẩm", mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10ml. Dịch thuốc tiêm được gọi là "Sinh mạch hoặc Sâm mạch chú xạ dịch" dùng tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.
|
Ảnh minh họa. |
Công dụng
Theo y thư cổ, sinh mạch tán có công dụng ích khí sinh tân, liễm âm chỉ hãn, được dùng để chữa các chứng khí âm bất túc gây ra mồ hôi nhiều, mệt mỏi, khó thở, ngại nói, họng khô miệng khát; hoa lâu ngày do phế hư làm thương tân tổn khí, đàm ít, thở ngắn, tự đổ mồ hôi, nạch hư hoặc chứng tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh) thể âm hư gây tâm phiền, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, háo khát, táo bón...
Trang phương, nhân sâm đại bổ nguyên khí là quân; mạch môn dưỡng âm sinh tân, thanh nhiệt trừ phiền là thần; ngũ vị tử liễm phế chỉ hãn là tá và sứ. Ba vị tương hợp, một bổ, một thanh, một liễm tạo nên công năng ích khí sinh tân, liễm âm chỉ hãn của bài thuốc.
Nghiên cứu dược lý
Trên thực nghiệm và lâm sàng, kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh mạch tán có tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, làm giãn hệ thông huyết quản ở một mức độ nhất định, từ đó làm giảm sức cản ngoại vi, cải thiện chức năng tống máu của tim một cách rõ rệt thông qua cơ chế ức chế hoạt tính của men ATPase trong tế bào cơ tim và làm giảm nồng độ AMP vòng trong huyết tương. Tuy nhiên, đối với tim bình thường tác dụng cường tim của sinh mạch tán rất yếu hoặc không có.
Thêm nữa, bài thuốc này còn có tác dụng làm giãn và tăng cường lưu lượng động mạch vành tim, vì vậy trên lâm sàng hiệu quả điều trị của nó đối với các bệnh lý động mạch vành tim là rất có ý nghĩa. Đặc biệt, sinh mạch tán còn có khả năng nâng cao năng lực chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, làm giảm lượng oxy tiêu thụ của cơ tim, thúc đẩy quá trình tổng hợp DNA trong tế bào tâm tạng. Bởi vậy, ngoài hiệu quả đối với bệnh lý mạch vành nó còn có khả năng chống rối loạn nhịp tim khá tốt.
Mặt khác, sinh mạch tán còn có tác dụng điều tiết huyết áp và cải thiện tình tạng rối loạn vi tuần hoàn trên thực nghiệm cũng như lâm sàng, kết quả các nghiên cứu đều cho thấy, trong trạng thái choáng do bất cứ nguyên nhân nào, bài thuốc này đều có hiệu quả bảo hộ rõ rệt. Ngoài ra, sinh mạch tán còn làm tăng hoạt tính của men succinate dehydrogenase, hàm lượng glucogen và acid ribonucleic trong tế bào gan. Đồng thời cũng có tác dụng chống đông máu ở một mức độ nhất định.
BS Xuân Mai (Hội Đông y Việt Nam)