Đối với những bệnh như xương khớp, đau thần kinh tọa, đau dạ dày... nhiều người đã lựa chọn việc tập luyện, nhưng cũng có trường hợp đẩy lùi bệnh bằng cách ngồi thiền xông hơi.
Vợ chồng cùng nhau học thiền xông hơi
Chúng tôi đến thăm ông Đào Văn Hùng (số 15, ngõ 105, phố Bạch Mai, Hà Nội) khi ông đang dọn dẹp “chiếc lều” xông hơi của mình. Nhìn thấy ông khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, không ai biết rằng trước kia ông từng có quãng thời gian bệnh tật, đau đớn, ảnh hưởng tới sinh hoạt. Vốn là cán bộ tại Hãng Truyền hình Nhật Bản NHK, văn phòng thường trú tại Hà Nội, ông Hùng bị đau thần kinh tọa cũng đã lâu. Chân bên phải thường bị tê và không ngồi lâu một chỗ được.
Công việc bận rộn, ông chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ, nhưng cũng chỉ giúp giảm đau được một thời gian lại tái phát. Bệnh tật làm ảnh hưởng tới công việc của ông cũng như mỗi lần phải đi công tác xa bằng ô tô hay máy bay. Thế rồi, ông biết đến phương pháp thiền xông hơi khi được một người bạn cho xem đĩa DVD. Xem xong, ông thấy hay thì cũng là lúc người bạn đời đang bị bệnh đại tràng và dạ dày, không ăn uống được nên bị suy nhược cơ thể, giảm cân nhanh. Thế là hai vợ chồng ông quyết định vào học môn thiền xông hơi.
Chia sẻ về hiệu quả của phương pháp này, ông Hùng cho hay: “Trước đây vợ tôi bị đau đại tràng và dạ dày. Khi tập thiền xông hơi, bà ấy chỉ ăn cháo, ăn cơm là đau, người chỉ còn 42kg. Khi dùng thiền xông hơi, đến sáng ngày thứ 3 thì bà đã ăn được nửa bát cơm mỗi bữa. Ngày đầu xông hơi bà cảm thấy mệt, nhưng từ hôm sau trở đi thì thấy nhẹ nhõm, bớt đau nhiều và đã ăn được cơm. Sau một tuần bà lên được 1,5kg, 12 ngày sau điều trị tăng được 2,5kg”. Thấy thiền xông hơi có tác dụng, vậy là ông Hùng cũng tập với vợ. Buổi tập thứ 2 - 3, chân dễ dàng cử động, đi lại, hay ngồi lâu giảm đau dần, ông Hùng khoan khoái trở về Hà Nội. Từ đó tới nay, vợ chồng ông Hùng tuần nào cũng ngồi thiền xông hơi 2 lần, sức khoẻ, đã được cải thiện...
|
Ông Hùng tuần nào cũng ngồi thiền xông hơi 2 lần, sức khoẻ đã được cải thiện... |
Những nguyên tắc của thiền xông hơi
Mỗi một môn tập đều có quy định và phương pháp riêng. Đối với thiền xông hơi cũng vậy, trước khi xông, người bệnh cần uống một cốc nước ấm khoảng 30ml. Thời gian xông trung bình khoảng 20 - 30 phút tùy thuộc sức khoẻ mỗi người, có thể xông ngày 2 lần. Lúc ngồi xông, người bệnh cần ngồi theo tư thế thiền, kết hợp hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng và niệm Phật (không cần phải niệm ra tiếng mà chỉ cần nghĩ ở trong đầu). Đây là yếu tố tâm linh kết hợp với thiền, giữ cho thân tâm thanh tịnh để có hiệu quả tốt.
Sau giai đoạn xông là đến giai đoạn ủ. Khi xông xong, người bệnh lau khô mồ hôi và thay quần áo bởi sau xông thì quần áo ướt đẫm hết. Uống tiếp một cốc nước 30ml và nằm cuốn quanh người bằng tấm nilon khoảng 20 - 30 phút. Trong quá trình nằm ủ, người bệnh cần giữ nhịp thở đều và sâu, niệm Phật trong tâm. Quá trình giúp cơ thể tiếp tục thải nốt trược khí trong người qua tuyến mồ hôi. Sau khi ủ, thay quần áo, lau khô người, khoảng 40 - 50 phút sau thì tắm.
“Nói chung sau khi xông và ủ thì cơ thể nhẹ nhàng và sảng khoái lắm, da mặt hồng hào, cảm giác đói và muốn ăn. Thiền xông hơi là dùng các bài thuốc dân gian cổ truyền kết hợp với việc ngồi thiền, niệm Phật để đào thải trược khí qua tuyến mồ hôi, giúp cơ thể cân bằng năng lượng, các luân xa hay huyệt đạo trở về cân bằng. Khi cơ thể ở trạng thái cân bằng thì bệnh sẽ giảm. Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân phải ăn chay”, ông Hùng cho biết thêm.
Từ ngàn xưa, dân gian đã trị bệnh bằng phương pháp xông hơi. Biện pháp thường dùng các lá cây có chứa tinh dầu, người bệnh ngồi để cho ra mồ hôi, thoát hết khí độc trong cơ thể. Biện pháp thiền xông hơi là sự kết hợp giữa phương pháp dân gian và ngồi thiền, niệm Phật. Đây là một trong những phương pháp giúp con người tĩnh tâm, nâng cao sức khoẻ.
Lương y Nguyễn Minh Phúc (nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu)
Phạm Hằng