Mới đây, tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố bệnh bại liệt lây lan nhanh là một tình huống y tế khẩn cấp quốc tế, có thể lan rộng giữa các quốc gia. Theo WHO, sự lây lan quốc tế của bệnh bại liệt cho đến nay là một sự kiện bất thường và là nguy cơ y tế công cộng đối với các quốc gia khác.
Ở Việt Nam, bệnh bại liệt đã được công nhận loài trừ vào năm 2000, còn tính đến thời điểm hiện tại, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus bại liệt hoang dại từ các quốc gia khác.
|
Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bại liệt đó là uống vắc xin. Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet. |
Đồng thời, ông Phu cho biết thêm, trước những diễn biến bệnh bại liệt trên thế giới, Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, trung tâm y tế dự phòng và các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ sự xâm nhập của vi rút hoang dại vào Việt Nam để kịp thời ứng phó.
Đồng thời duy trì việc tổ chức cho trẻ em uống vắc xin phòng bệnh bại liệt đạt tỷ lệ cao để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam.
Cũng liên quan đến bệnh bại liệt, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh bại liệt có thể để lại những di chứng vĩnh viễn, suy hô hấp, khó thở, ngừng tim, dẫn đến tử vong.
“Nhiễm virus bệnh bại liệt rất nguy hiểm. Hiện nay, không có thuốc điều trị và để lại hậu quả nặng nề như: liệt hô hấp, tê liệt các cơ”, PGS Dũng cho biết.
Theo PGS. Dũng, bệnh bại liệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn nếu chưa có miễn dich cũng có nguy cơ nhiễm virus bại liệt. Tuy nhiên, đối tượng mắc nhiều nhất là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó đa phần gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3.
Để phòng chống bệnh bại liệt, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là sử dụng vắc xin. “Uống văcxin là cách duy nhất để ngăn ngừa bệnh. Trẻ sơ sinh nên được uống văcxin phòng bại liệt vào các tháng thứ 1, thứ 2 và thứ 3 sau khi sinh”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.
Theo WHO, từ đầu năm 2014 đến nay, thế giới đã ghi nhận thêm 68 trường hợp nhiễm virus bại liệt hoang dại, tăng 44 trường hợp so với năm 2013. 60% các ca bệnh bại liệt là do sự lây lan quốc tế của virus bại liệt hoang dại. WHO cho rằng đây là một sự kiện bất thường và nếu không được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng này có thể dẫn đến thất bại trong việc thanh toán bệnh bại liệt trên phạm vi toàn cầu.
Tại Việt Nam, từ năm 2000 đến nay không có ca bệnh bại liệt nào và cũng không ghi nhận sự lưu hành của virus bại liệt hoang dại. Tuy nhiên, nguy cơ virus bại liệt hoang dại xâm nhập vào nước ta luôn tiềm tàng do trẻ em đi du lịch nước ngoài hoặc những khách du lịch đến từ vùng dịch.
Để ngăn chặn sự lây lan quốc tế của vi rút bại liệt hoang dại cần thiết có sự hợp tác ứng phó quốc tế. Đối với các nước đang có ca bệnh phải ngăn chặn việc lây truyền của chủng vi rút bại liệt hoang dại bằng các biện pháp phòng chống như uống vắc xin bại liệt bổ sung, giám sát định kỳ vi rút và tiêm chủng.
Lê Phương