|
Theo dõi thân nhiệt tại cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. |
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM cho biết, mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp nhận khoảng 100 chuyến bay quốc tế với số lượng từ 2-3 triệu lượt khách, trong đó có 3 chuyến bay đến từ Trung Đông với số hành khách khoảng 750 người. Hiện không có chuyến bay trực tiếp từ châu Phi đến sân bay Tân Sơn Nhất, chủ yếu là hành khách quá cảnh qua các nước khác đến TP HCM. Lượng hành khách đến từ châu Phi chỉ vài ba trường hợp một ngày.
Tại của khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã bố trí 3 kíp trực thường xuyên 24/24 giờ, 2 máy đo
thân nhiệt từ xa, phòng cách ly, phương tiện bảo hộ, trang thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng thực hiện đúng theo quy trình cách ly và chuyển viện trong trường hợp phát hiện ca nghi ngờ.
Tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất đều được đo thân nhiệt từ xa để phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh Ebola. Đồng thời, từ 0 giờ ngày 11/8, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM cũng đã áp dụng tờ khai y tế bắt buộc đối với hành khách đến từ 4 nước châu Phi mà dịch Ebola đang hoành hành gồm: Nigeria, Liberia, Guinea và Sierra Leone. Ngoài ra, tùy trường hợp mà nhân viên y tế sẽ yêu cầu hành khách làm tờ khai y tế.
Trong ngày 11/8, có 3 hành khách quốc tế phải làm tờ khai y tế bắt buộc gồm 1 trường hợp đến từ Nigeria và 2 trường hợp đến từ Angola. Tuy nhiên, sau khi kết hợp đo thân nhiệt và thông tin từ tờ khai y tế, chưa phát hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh ở những trường hợp này.
Sau khi kiểm tra công tác chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng đánh giá cao công tác sẵn sàng chống dịch tại đây. Tuy nhiên, do bệnh Ebola có thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày nên không chỉ giám sát từ sân bay, ngành y tế thành phố còn tổ chức giám sát bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng để có thể phát hiện sớm nếu dịch Ebola xâm nhập vào nước ta.
Sở Y tế TP HCM cũng đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới làm đầu mối tập huấn phác đồ điều trị bệnh Ebola mà Bộ Y tế vừa ban hành cho các bệnh viện trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở điều trị rà soát biện pháp chống dịch, thành lập khu cách ly điều trị và trang bị sẵn sàng các loại dụng cụ bảo hộ để bảo vệ cho nhân viên y tế trong trường hợp có ca bệnh xảy ra.
Đánh giá về khả năng
dịch bệnh xâm nhập vào TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng nhận định: Tuy số lượng hành khách từ châu Phi nhập cảnh vào TP HCM không nhiều nhưng là một thành phố đông dân, ngoài khách du lịch số người học tập, công tác ở nước ngoài về TP HCM rất lớn là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh. Do đó TP HCM không chủ quan mà thực hiện tất cả các biện pháp để có thể ngăn chặn dịch xâm nhập. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng để không lúng túng trong xử lý nếu xuất hiện ca bệnh.
ThS.BS Lâm Kim Yến, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho biết, Ebola là dịch bệnh nguy hiểm, lây qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của bệnh nhân hoặc quá trình xử lý tử thi không tốt. Thời gian gần đây mức độ lây lan bệnh ở những quốc gia châu Phi tương đối nhanh, với khoảng 2.000 người mắc và 1.000 người tử vong. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã nhanh chóng triển khai khu vực cách ly đặc biệt ở khoa Nhiễm D để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Tại khu vực cách ly, bệnh viện chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, đồ bảo hộ, máy thở,…để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân và cho cả nhân viên y tế. Tại khu vực cách ly còn được gắn máy quay để theo dõi bệnh nhân thông qua màn hình bên ngoài phòng BS trực…
Chú thích ảnh: Kiểm tra thân nhiệt ở cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 12/8.
Bùi Hương