|
Ông Ngọc và vợ trong một điệu khiêu vũ. |
Ông Trần Huy Ngọc sinh năm 1944 hiện ở phòng 102, nhà D15 tập thể nhà máy Dệt 8-3 Hà Nội, xuất phát từ niềm đam mê khiêu vũ của mình, ông đã hướng dẫn và truyền lại niềm đam mê đó cho nhiều người.
Năm 1959, ông vào đoàn Văn công Tây Nguyên, năm 1963 chuyển về làm việc tại Phân xưởng In Nhuộm nhà máy Dệt 8-3 Hà Nội. Sẵn có ít "vốn" cùng với sự đam mê nghệ thuật, ông trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa quần chúng nhà máy, tham gia xây dựng phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", động viên công nhân viên chức bám máy bám việc, tay búa tay súng, thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" và làm thay phần việc của những thanh niên nhà máy lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1979, ông được nhà máy cử đi học 2 năm chương trình trung cấp văn hóa quần chúng của Thủ đô. Trở về nhà máy với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, ông được phân công chuyên trách về phong trào văn hóa - thể thao. Từ những năm đó, phong trào văn hóa quần chúng của công nhân viên chức nhà máy với sự lao động sáng tạo, tâm huyết đầy trách nhiệm của ông đã trở thành nòng cốt trong hoạt động của Cụm Văn hóa - Thể thao Minh Khai trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Năm 2000, ông được nghỉ hưu trí và từ đây ông dành nhiều thời gian cho môn nghệ thuật khiêu vũ mà ông yêu thích. Năm 2002, ông được mời tham gia đoàn Nghệ thuật 19/5 trực thuộc Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Biết ông là người tận tụy, chỉn chu trong công việc nên nhiều cơ quan, doanh nghiệp mời ông hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng tổ chức xây dựng phong trào văn hóa quần chúng cơ sở, đặc biệt là bộ môn khiêu vũ thiên về thể thao theo phong cách truyền thống dân tộc mềm mại, duyên dáng. Ngoài thời gian tham gia biểu diễn theo chương trình của đoàn nghệ thuật 19/5, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng học viên, ông dành cả gian phòng khách để mở lớp học tại nhà. Thời gian học linh hoạt theo sự chủ động sắp xếp của từng đối tượng, nên căn phòng ít khi vắng bóng học viên và nhà ông trở thành điểm văn hóa giao lưu ấm áp, tin cậy của khu dân cư.
Đến nay, ông đã "cho ra lò" cả ngàn học viên với nhiều đối tượng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Có học viên chân chậm mắt mờ khi nghỉ hưu, sau khóa học đã được cải thiện và nay trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Có học viên cũng trở thành những "diễn viên" như ông, miệt mài đem những bước đi khoan thai mềm mại đến những sàn tập mới, mở ra nhiều điểm hẹn văn hóa cho đông đảo công chúng yêu thích môn nghệ thuật này.
Say mê gắn bó với khiêu vũ quần chúng 14 năm qua đã giúp ông quên đi tuổi tác, rèn thêm trí - lực và có thêm niềm tin yêu, niềm vui trong cuộc sống.
Cẩm Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội)