Sau tết Nguyên đán, TP.HCM có số ca sởi tăng đều, tình trạng nhập viện quá tải bắt đầu diễn ra ở các bệnh viện.
Chỉ có 30% trẻ trong diện chích ngừa được chích ngừa.
Trước tình hình dịch sởi lan nhanh, trong buổi giao ban tháng 2, Sở Y tế TP.HCM nhận định là do chủng ngừa không đầy đủ (mới đạt khoảng 90% hàng năm) nên đã tham mưu tổ chức chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho trẻ dưới 3 tuổi với tổng cộng số liều vaccine được duyệt là 100.000 liều.
Ngày 7/3, ngày mở màn chiến dịch TP.HCM tin tưởng là trong một tháng sẽ hoàn thành đợt tiêm vét, dịch sởi sẽ lui….Tuy nhiên, thực tế tổng kết sau 5 tuần tiêm vét, ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, toàn thành phố mới chỉ có gần 63% phường xã thực hiện tiêm bù vắc-xin sởi cho trẻ. Số mũi tiêm thực hiện được là hơn 23.000 mũi. Trong đó có hơn 8.600 mũi một và gần 14.500 mũi hai. Như vậy, mới chỉ có chưa đến 30% trẻ trong diện tiêm ngừa được tiêm vắc-xin sởi (so với dự kiến của ngành y tế TP.HCM đưa ra khi triển khai chiến dịch là 80.000-100.000 liều). TP.HCM vẫn đang nổ lực cho tiêm vét để hoàn thành được khoảng 95%, tuy nhiên cần phải kéo dài thêm thời gian 1-2 tuần nữa, tức là phải qua giữa tháng 5 thì mới hy vọng.
|
Hình minh họa. |
Nhưng trên thực tế, các trung tâm y tế dự phòng quận huyện lại có ý kiến khó có thể hoàn thành vì còn phải cùng lúc thực hiện nhiều chương trình khác. Trong khi chỉ có 75% số trạm y tế có 1 bác sĩ để lo tất tần tật các công việc khám chữa bệnh, khám sàng lọc chủng ngừa, quản lý các chương trình y tế khác nên không thể tổ chức vận động người dân đưa trẻ ra chích ngừa.
ThS.BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) nhận định, bệnh sởi đang ngày càng tăng cao và diễn biến phức tạp. Có khả năng bệnh đã lây lan trong cộng đồng. Hiện tại, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú gấp 3-4 lần công suất của khoa, nên quá tải, nhiều bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang.
Diễn biến bệnh bùng phát có bất thường?
Trả lời phóng viên về việc TP.HCM từ đầu năm đến nay TP.HCM có 90% trẻ dưới 10 tuổi mắc bệnh sởi, vậy đối tượng này có được hỗ trợ chủng ngừa trong trường học không, ThS.BS Trí Dũng cho biết Bộ Y tế chỉ cho tiêm vét trẻ dưới 2 tuổi, TP.HCM đã xin thêm cho trẻ dưới 3 tuổi. Vậy nên trẻ lớn hơn 3 tuổi và cả người lớn mà chưa từng bị mắc sởi, chưa tiêm ngừa thì người dân nên đi tiêm ngừa dịch vụ để phòng bệnh.
Các chuyên gia cho rằng, bệnh sởi có nhiều ca tử vong ở phía Bắc là một điều bất thường, Cục YTDP cần nghiên cứu chủng vi rút một cách khoa học chứ không thể tuyên bố chủ quan là không phát hiện biến chủng.
Khi nghe Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng báo cáo con số trẻ tử vong 108 ca ở Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực này ở TP.HCM chia sẻ là họ cảm thấy bất ngờ và cần phải xem lại quy trình chữa trị.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM chia sẻ, khi trẻ bị sởi phụ huynh không nên hoang mang lo lắng quá, mà hãy bình tĩnh quan sát, theo dõi. Nhẹ thì để ở nhà chăm sóc cho bé, vệ sinh sạch sẽ, không nên kiêng tắm, phòng ốc thoáng đãng, ăn uống thực phẩm dễ tiêu, sạch sẽ… Không nên thấy con bị bệnh là “ôm” ngay đến bệnh viện tuyến cuối vừa khổ cho bé lại vừa khiến cho bệnh nặng hơn. Nên vào bệnh viện địa phương vừa an toàn, vừa không bị quá tải, không phải chờ đợi lâu. Nếu bệnh nặng phải thật sự cần thở máy mà bệnh viện đó không có thì bệnh viện sẽ chuyển viện lên tuyến trên.
Ngoài ra, trẻ em đã tiêm đủ 2 mũi rồi thì không cần tiêm thêm nữa. Chỉ nên tiêm ngừa thêm một mũi 3 trong 1 để ngừa Sởi – quai bị - Rubella vào lúc khoảng 5 - 6 tuổi, trước khi vào lớp 1.
Đầu năm đến nay, TP.HCM có tổng cộng gần 1.000 ca mắc sởi (tăng gần gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2013 – chỉ 107 ca), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Hiện mỗi tuần có hơn 100 ca bệnh sởi mới nhập viện do biến chứng. Riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 90 – 100 ca sởi đến khám và điều trị, trong đó khoảng 10% số ca bệnh bị biến chứng nặng phải thở máy.
Bùi Hương