Cây thiên lý không chỉ cho ta bóng mát, hương thơm về đêm còn là loại rau ngon bổ dưỡng, vị thuốc quý. Hoa lý thường xào, nấu canh với thịt, nấu canh cua, xào hải sản.
Lương y Minh Phúc, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP Vũng Tàu chia sẻ, thành phần dinh dưỡng hoa lý có tới 2,9% chất đạm, 2,8% chất bột đường, 3% chất xơ, các sinh tố B1, B2, C, PP, tiền sinh tố A và các chất khoáng cần thiết như kẽm, sắt, canxi, phốtpho. Đặc biệt, do có hàm lượng kẽm khá cao nên hoa thiên lý (cả lá non và ngọn non) là món ăn mềm dễ tiêu giàu dinh dưỡng, tăng sức kháng thể hợp với trẻ em và người cao tuổi.
Từ lâu nhân dân thường dùng hoa lý là món ăn bổ, cho nam giới yếu sinh lý. Có câu ca dao: "Thương chồng nấu cháo le le nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen", kinh nghiệm dân gian sử dụng hoa lý như là vị thuốc bổ dưỡng cho người suy nhược nam giới là khoa học, hợp lý...
Theo y học cổ truyền, hoa lý có vị ngọt dịu, tính bình, tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, ích thận, an thần dễ ngủ, tiêu viêm, nhẹ người. Hoa lý ăn rất tốt với trẻ em lười ăn, chậm lớn, người lớn ăn ngủ kém mắt yếu, phì đại tiền liệt tuyến, đau lưng, tiểu đêm...
TS Lê Thị Thanh Nhạn, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết thêm, dân gian thường dùng hoa thiên lý nấu với thịt nạc hoặc nấu lá vông để chữa mất ngủ. Nếu chân đau nhức có thể dùng hoa thiên lý xào thịt bò, thiên lý nấu canh cua ăn tuần 2 - 3 bữa cũng có tác dụng tốt. Trong thiên lý chứa nhiều kẽm nên thích hợp với người già mắc u phì tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, không nên nấu với các thức ăn giàu chất sắt như gan, thịt lợn nạc, rau muống... vì chất sắt có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể khiến không còn tác dụng. Ngoài ra, hoa thiên lý có hàm lượng chất xơ cao, chất diệp lục trong hoa khiến ta có cảm giác nhanh no, do vậy thích hợp với người tăng huyết áp, táo bón và người muốn giảm cân.
P.Hằng (ghi)