Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola. Tuy nhiên, việc lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực Châu Phi là hoàn toàn có thể.
Để chủ động đối phó với dịch bệnh do vi rút Ebola, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do
vi rút Ebola; tăng cường truyền thông; phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng thuộc phạm vi quản lý về phòng chống lây nhiễm bệnh khi đi đến các nước có dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường và duy trì giám sát thường xuyên các đối tượng kiểm dịch y tế nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia vùng dịch bệnh để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.
Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị từng ngành chức năng báo cáo về tình hình triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Ebola.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện Cục không đưa lao động ở Việt Nam sang vùng có dịch và những khu vực có khả năng xuất hiện dịch. Đồng thời, tổ chức phối hợp với các bộ ngành liên quan để đưa lao động Việt Nam ở ngước ngoài về nước an toàn.
|
Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo Liên ngành phòng chống dịch bệnh Ebola. |
Đối với ngành giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu, nên triển khai đồng bộ công tác kiểm soát dịch Ebola chứ không nên chỉ tập trung vào đường hàng không. Bởi, giao thông đường thủy, đường bộ cũng có nguy cơ
lây nhiễm bệnh vào Việt Nam rất cao.
Về vấn đề dịch bệnh Ebola có ảnh hưởng đến du lịch hay không? Đại điện Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết, dịch bệnh Ebola ít nhiều ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê thì số lượng du khách từ các quốc gia Tây Phi vào Việt Nam rất ít. Riêng Việt Nam thì dường như không có khách du lịch đi đến các quốc gia này.
Điểm đáng được chú ý nhất tại cuộc họp đó là phần báo cáo của Phòng lãnh sự quán (Bộ Ngoại giao). Theo bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó phòng LSQ, hiện chưa có con số báo cáo cụ thể số công dân ở Việt Nam ở từng nước khu vực tây Phi.
Tuy nhiên, riêng ở Nigieria, theo báo cáo về thì có 15 công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại quốc gia này. Trong đó, 5 người ở ngoài vùng dịch, còn 10 người ở trong vùng dịch.
Phát biểu kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch Ebola đã được WHO nâng mức báo động khẩn cấp ở những quốc gia có dịch. Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của việc ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam như thế nào.
Hiện bệnh do vi rút Ebola vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh dịch có thể được khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly bệnh nhân, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các bộ, ngành khẩn trương triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola với quyết tâm không để dịch xâm nhập vào Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết; đồng thời tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cán bộ cũng như người dân để tránh gây hoang mang trong cộng đồng...
Minh Hoàng