|
Ảnh minh họa. |
Đối với người cao tuổi, mùa hè là điều kiện dễ sinh bệnh tật vì sức đề kháng kém. Xin giới thiệu một số món cháo mùa hè vừa bổ dưỡng, vừa có tác dụng chữa bệnh dưới đây để các cụ tham khảo và áp dụng nhằm nâng cao sức khoẻ, giải trừ những bức xúc trong cơ thể, kéo dài tuổi thọ.
Cháo đậu xanh: Một nắm đậu xanh rửa sạch ngâm khoảng 2 tiếng, 100g gạo tẻ, hai thứ ninh nhừ. Khi cháo chín có thể cho đường hoặc muối tùy ý thích của mỗi người; dùng đường phèn hay đường đỏ đều được. Tác dụng: Cháo giải nhiệt làm cho miệng hết khát ở những người bị nhiệt, háo, phù thũng, ngứa lở sẽ hết, giải độc cho cơ thể khi bị nhiễm chất độc hoặc các chất độc do cơ thể đào thải hằng ngày.
Cháo mướp: Gạo tẻ 30g ninh nhừ. Khi cháo chín cho một quả mướp thái nhỏ. Khi ăn cho đường trắng hay muối. Tác dụng: Cháo làm mát huyết, trừ cảm gió, chữa ho có đờm, giải độc thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc. Đây là món ăn bổ trợ cho các cụ đang chữa bệnh viêm phế quản, khí quản trong mùa hè.
Cháo sắn dây: Lấy 30g bột sắn dây, 100g gạo tẻ nấu cháo. Khi chín ăn ấm nóng. Tác dụng: Bổ trợ cho người cao tuổi bị bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành làm thiểu năng tuần hoàn ở tim, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa gây tỳ vị hư, miệng khô, khát nước nhiều trong mùa hè.
Cháo tỏi: Lấy 30g tỏi bóc vỏ thái mỏng, đun sôi trong 5 phút, chắt lấy nước nấu cùng với 100g gạo thành cháo. Khi cháo nhừ, cho một chút muối, dầu ăn, để nguội ăn trong ngày. Cháo ăn hơi cay vì có tỏi. Cháo giúp cho giảm mỡ máu, gan nhiễm mỡ, sát trùng, diệt khuẩn, kích thích tiêu hóa gây thèm ăn, hạ huyết áp, chống ung thư.
Cháo rau răng ngựa: Lấy 60g rau răng ngựa hay còn gọi là rau trường thọ, rửa sạch thái nhỏ nấu lên với 100g gạo thành cháo. Cháo nhừ nêm gia vị vừa ăn. Tác dụng: Chữa bệnh kiết lỵ cấp tính, viêm đại tràng, hay đau quặn mót rặn đi ngoài, phân sống hay lỏng, có khi lẫn mũi, máu. Ăn cháo này vài ngày cho tới khi phân khô thì dừng.
Cháo bạc hà: Lấy 30g bạc hà tươi sắc lên lấy nước, cho thêm 100g gạo tẻ nấu lên thành cháo. Khi cháo nhừ cho một chút đường phèn ăn trong ngày. Tác dụng: Chữa bệnh sốt, giải cảm, đau đầu, mắt đỏ, đau họng, mất tiếng, nói khàn.
Cháo hoắc hương: Lấy 15g hoắc hương đun sôi lấy nước, nấu với 100g gạo tẻ. Cháo chín cho thêm một chút đường, ăn trong ngày. Tác dụng: Chữa bệnh đau đầu, đau tức ngực liên sườn, đau bụng đi ngoài phân lỏng, bụng đầy trướng ậm ạch khó tiêu, tinh thần buồn bã, ăn ngủ thất thường.
Cháo ý dĩ: Một phần ý dĩ, 2 phần gạo nấu thành cháo. Khi cháo chín cho một chút gia vị, ăn trong ngày. Tác dụng: Chữa tả lỵ, lợi tiểu tiện, tiêu thủy thũng, chữa co gân, phong thấp lâu ngày, kiện tỳ, bổ phế, kích thích tiêu hóa.
Cháo hoài sơn: Hoài sơn, còn gọi là củ mài 100g, gạo 100g, nấu nhừ thành cháo. Khi cháo chín nêm gia vị, ăn trong ngày. Tác dụng: Bổ tỳ vị, bổ phế thận, sinh tân chỉ khát bình suyễn, chữa bệnh tả, lỵ lâu ngày, hư lao, tiểu đêm nhiều lần, thận hư ở người già.
BSCK I Kim Lan (nguyên cán bộ Viện Châm cứu T.Ư)