10 sự thật có thể bạn chưa biết về loãng xương

Google News

(Kiến Thức) - Khi bạn già đi, quá trình sản xuất xương suy giảm, đi đôi với hiện tượng mất xương gia tăng, khiến bạn có nguy cơ cao bị loãng xương.

Trong suốt cuộc đời, cơ thể bạn liên tục mất đi những xương cũ và hình thành xương mới. Khi bạn còn ở độ tuổi thanh niên, cơ thể hình thành nhiều xương hơn là mất đi, nhưng khi bạn già đi, quá trình sản xuất xương suy giảm, đi đôi với hiện tượng mất xương gia tăng, khiến bạn có nguy cơ cao bị loãng xương. Theo Hiệp hội National Osteoporosis Foundation (Mỹ), có khoảng 10 triệu người Mỹ mắc chứng loãng xương và 34 triệu người bị thiếu xương. Dưới đây là 10 điều bạn cần biết để giảm nguy cơ loãng xương:

Một xương bị gãy có thể có nghĩa là bạn đã bị loãng xương

Bạn bị ngã, sau đó bị gãy xương, đó là dấu hiệu đáng ngại cho thấy có thể bạn bị loãng xương, TS Connie Weaver thuộc Đại học Purdue (Mỹ) cho biết. Điều này là do có thể xương bị gãy đã ở trong tình trạng yếu do chứng loãng xương trước khi bạn bị ngã. Những người bị gãy xương và có các yếu tố nguy cơ của bệnh loãng xương, chẳng hạn như người có tầm vóc nhỏ hoặc có bệnh sử gãy xương trong gia đình... nên đặc biệt cảnh giác.

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ bị loãng xương

Những người bị tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 dễ bị yếu xương. Diane Schneider - tác giả cuốn sách The Complete Book of Bone Health cho biết: "Những người bị tiểu đường tuýp 1 bị gãy xương nhiều hơn, còn đối với những người bị tiểu đường tuýp 2, xương cũng yếu hơn".  Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 cũng có thể khiến xương yếu đi. Theo bà Schneider, "chúng tôi đang tìm kiếm mối liên hệ giữa xương và lượng chất béo trong cơ thể".

Ảnh minh họa. 

Người gầy tăng nguy cơ bị loãng xương

Sở hữu một thân hình nhỏ bé, gầy gò cũng đồng nghĩa với việc mật độ xương không dày đặc và dễ bị loãng xương, gãy xương. Một số nghiên cứu cho thấy bạn có nguy cơ cao bị loãng xương nếu bạn nhẹ hơn 57kg, Schneider cho biết. Do đó, những phụ nữ có xương nhỏ cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây loãng xương, đồng thời để ý đến sức khoẻ xương. 

Không hấp thụ đủ canxi khiến xương bạn yếu đi

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều người Mỹ có thể không hấp thụ đủ canxi - một khoáng chất cần thiết cho sức khoẻ xương. Tuy nhiên, nếu định uống bổ sung canxi, bạn nên nhớ rằng điều này có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và sỏi thận. Theo tổ chức Institute of Medicine (Mỹ), phụ nữ cần tới 1.000mg canxi mỗi ngày khi ở độ tuổi 50 và 1.200mg canxi mỗi ngày sau 50 tuổi. Theo bà Schneider, bạn nên hấp thụ canxi từ sữa, sữa chua, bông cải xanh, củ cải và các loại thực phẩm giàu canxi khác.

Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ bị loãng xương

Vitamin D rất cần thiết cho sức khoẻ xương vì nó giúp cơ thể hấp thụ canxi. Do đó, mỗi ngày bạn nên dành 20 phút tận hưởng ánh nắng Mặt Trời, dĩ nhiên không dùng kem chống nắng, cứ như vậy trong những tháng mùa hè cũng cung cấp đủ lượng vitamin D bạn cần trong cả năm. 

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Ngọc Anh (Theo Realage)