Lăng mộ của pharaoh Tutankhamun có phòng bí mật?
Cho đến nay, lăng mộ Tutankhamun là một trong những bí ẩn khảo cổ lớn nhất nhân loại. Trong năm 2015, nhà Ai Cập học Nicholas Reeves đưa ra giả thuyết rằng mộ của Tutankhamun có hai căn phòng bí mật. Thông tin này được ông Reeves đưa ra dựa trên các hình ảnh có độ phân giải cao về lăng mộ của pharaoh Tutankhamun. Theo đó, ông phát hiện dấu vết của các đường thẳng đặc biệt, “không tự nhiên” ở trên những bức tường của lăng mộ.
Những đường này nằm vuông góc với mặt đất, có khả năng là hai lối đi đã bị những người thợ xây lăng mộ lấp kín lại. Từ đó, ông Reeves khẳng định mộ của pharaoh Tutankhamun bao gồm hai ô cửa được trát kín và sơn phủ. Ông Reeves cũng nhận định căn phòng bí mật đó ban đầu được xây cho Nữ hoàng Nefertiti. Nữ hoàng Nefertiti là chính phi của Akhenaten - cha đẻ pharaoh Tutankhamun.
|
Lăng mộ của pharaoh Tutankhamun được cho là có hai căn phòng bí mật. |
Sau đó, Bộ Cổ vật Ai Cập cũng thực hiện một cuộc thử nghiệm tại lăng mộ của vua Tutankhamun (Vua Tut) để xác định có hay không căn phòng bí mật. Do vậy, các chuyên gia sử dụng công nghệ dò hình ảnh hồng ngoại để kiểm tra nhiệt độ các bức tường trong lăng mộ.
Bên cạnh giả thuyết cho rằng lăng mộ của pharaoh Tutankhamun có phòng mai táng bí mật chứa di hài của Nữ hoàng Nerfetiti thì có luồng ý kiến khác suy đoán người nằm trong căn phòng bí mật trên có thể là pharaoh Smenkhkare hoặc Nữ hoàng Meritation, chị ruột hoặc chị cùng cha khác mẹ của Tutankhamun. Bí ẩn về lăng mộ 3.300 tuổi này được các chuyên gia hy vọng sẽ được giải mã trong năm 2016.
Tranh cãi về vợ Chúa Jesus
Vào tháng 9/2012, Giáo sư Karen King công tác tại ĐH Harvard công bố báo cáo về tấm giấy cói có niên đại vào thế kỷ 4. Theo đó, tấm giấy cói được cho là "Phúc âm về vợ Chúa Jesus" rất có khả năng là bản sao của một kinh phúc âm viết từ thế kỷ thứ hai ở Hy Lạp.
Giáo sư Karen King nhận định tấm giấy cói được cho là "Phúc âm về vợ Chúa Jesus" có những cụm từ đáng chú ý đó là: "Jesus nói với họ rằng, vợ ta..." và "nàng là tông đồ của ta". Qua đó cho thấy chúa Jesus có khả năng đã lấy vợ và người này có thể trở thành linh mục được thụ phong.
|
Giáo sư Karen King cầm trên tay tấm giấy cói được cho là "Phúc âm về vợ Chúa Jesus". |
Ngay sau khi công bố này xuất hiện, một cuộc tranh cãi lớn về vợ Chúa Jesus nổ ra. Theo đó, một số cho rằng tấm giấy cói đó là giả mạo.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu ĐH Harvard công bố kết quả phân tích cổ thư trên và cho hay tấm giấy cói có niên đại khoảng 1.200 năm trước (giữa thế kỷ thứ 6-9), mực viết là loại được tạo ra cùng thời. Qua đó chứng minh tấm giấy cói này là có thật.
Các chuyên gia hy vọng sẽ giải mã được bí ẩn về xuất xứ của tấm giấy cói này trong thời gian tới. Bởi lẽ, người chủ giấu tên hiện tại của cổ thư này cho hay đã mua "Phúc âm về Vợ Chúa Jesus" từ một người đàn ông có tên Hans-Ulrich Laukamp. Người này có được tấm giấy từ Potsdam (Đông Đức cũ), năm 1963.
Hiện các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu cổ vật này để có thể đưa ra những kết luận chính xác nhất, khoa học nhất về: thời gian văn bản này được viết, ai là người viết, được viết như thế nào... Các chuyên gia hy vọng sẽ có những kết quả nghiên cứu mang tính đột phá về tấm giấy cói "Phúc âm về vợ Chúa Jesus" trong năm 2016.
Bí ẩn về lăng mộ của Tần Thủy Hoàng
Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc từ lâu đã trở thành một trong những bí ẩn lớn đánh đố nhân loại. Cụ thể, các chuyên gia đã phát hiện lăng mộ của Tần Thủy Hoàng từ thế kỷ 20. Kể từ năm 1974, các nhà khoa học đã thực hiện một số cuộc khai quật và tìm thấy đội quân đất nung hùng hậu trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định đó chỉ là một phần nhỏ của lăng mộ.
|
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa khai quật toàn bộ lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. |
Nếu muốn khai quật toàn bộ lăng mộ của Tần Thủy Hoàng thì các chuyên gia sẽ phải hóa giải những cạm bẫy chết người tại nơi an nghỉ của vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc này. Một trong những cạm bẫy nguy hiểm khiến các chuyên gia chưa dám tiếp cận sâu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng đó là 2 con sông Trường Giang và Hoàng Hà chảy vào biển lớn cũng được mô phỏng trong ngôi mộ của hoàng đế này bằng cách sử dụng thủy ngân thay thế nước bình thường. Những mối nguy hiểm khi tiến sâu vào lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được đề cập trong Sử ký Tư Mã Thiên.
Các chuyên gia hy vọng với sự phát triển của công nghệ như hiện nay sẽ đẩy nhanh quá trình khám phá toàn bộ lăng mộ của Tần Thủy Hoàng một cách an toàn cũng như có thể bảo quản được các cổ vật ở trong tình trạng tốt nhất khi thực hiện các cuộc khai quật.
Tâm Anh (tổng hợp)