Đã nghe danh bảo tàng đồng quê đầu tiên ở Việt Nam (thôn Bình Di, xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) từ lâu, nhưng phải đến khi tận mục sở thị bảo tàng khổng lồ ấy, chúng tôi mới hiểu, giá trị của hồn quê Việt Nam trong những đồ vật tưởng chỉ là đồng nát.
Người mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc, ghi nhận những chia sẻ thân tình về bảo tàng kỷ lục Bảo tàng đồng quê đầu tiên ở Việt Nam là nhà giáo Ngô Thị Khiếu (Giám đốc bảo tàng). Có gặp bà ở ngoài đời mới thấy, cái nỗi niềm khao khát lưu giữ hồn quê trong bà lớn biết chừng nào. Có lẽ vì niềm khao khát cháy bỏng ấy mà hiện giờ, bảo tàng của bà đã lưu giữ đến hơn 2000 hiện vật. Tất cả đều mang dáng dấp và đặc trưng cho vùng đồng quê Bắc Bộ.
Theo chia sẻ của cô giáo Khiếu thì: “Tuần nào, bảo tàng cũng đón vài đoàn khách quốc tế đến thăm và ở lại dùng bữa cơm được nấu từ những đồ do chính tay gia đình tự chăn nuôi sản xuất”.
Ý tưởng xây dựng bảo tàng xuất phát từ đam mê sưu tầm những đồ vật đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ. Bà cho biết: “Đầu tiên, vợ chồng chúng tôi chỉ muốn sưu tầm một số hiện vật để giữ lại làm kỷ niệm. Thế nhưng, càng sưu tầm lại càng say. Từ những năm 1990 bắt đầu sưu tầm cho đến khi hiện vật bà sở hữu đã chứa chật một kho ở nhà cô em dâu, một kho ở nhà người quen, ngôi nhà trên Hà Nội của gia đình cũng phải dành toàn bộ tầng 4 và cầu thang để chứa đồ vật”.
|
Du khách say sưa thích thú với những đồ vật ở bảo tàng đồng quê. |
“Hai vợ chồng tôi hay đọc sách. Lần nào đi đâu cũng phải mua hàng chục cuốn mang về. Nhà sẵn một tủ sách lớn. Thêm nữa, việc sưu tầm đồ dùng thì càng lúc càng say. Lúc đầu, cả hai vợ chồng chỉ nghĩ sưu tầm chơi nhưng khi sưu tầm mới thấy hiện vật càng ngày càng hiếm.
Đồ đã hiếm, người dân không biết lại bán với giá rất rẻ theo giá đồng nát, thậm chí có những đồ vật chỉ có giá mấy nghìn đồng. Có những lần đi mua đồ, người ta nói bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu và còn cho thêm tiền nữa vì quá rẻ. Với nhiều người, nó là vật bình thường nhưng với tôi, những đồ vật ấy thực sự cuốn hút vô cùng. Nó thân thương và đáng quý như là máu thịt”, bà Khiếu tâm sự.
Mê đồ nông cụ, có những đêm khi đi sưu tầm về, lúc cả nhà đi ngủ, bà Khiếu lại một mình bật điện lên đóng cửa vào bỏ ra ngắm từng thứ một.
“May mắn trong một lần về dự khánh thành trường mầm non trong xã, tôi thấy trước cổng trường có bãi đất trống nên đã ngỏ lời xin mua lại. Càng may mắn hơn khi được sự đồng thuận và ủng hộ của nhiều người, cả chính quyền địa phương và người dân. Trong hơn 7 tỉ đồng xây dựng bảo tàng này, có đến hơn 3 tỉ đồng tôi nhận được từ sự ủng hộ của anh em, bạn bè và có cả những người không hề quen biết. Khi khánh thành, bảo tàng của tôi vinh dự được GS. Vũ Khiêu tặng đôi câu đối: “Giữ lấy tinh hoa từ thuở trước/ Để cho con cháu mãi sau này (sau chuyển thành “mãi ngàn sau”)”, bà Khiếu vui vẻ nói.
|
Cô giáo Ngô Thị Khiếu chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin ngay tại bảo tàng đồng quê đầu tiên của Việt Nam. |
Có người đã từng nói: “Chính cái đồng nát nhà quê của cô mới thành công”, bà Khiếu đã vì những lời động viên, những sự ủng hộ như thế mà ngày càng có niềm tin vào những việc mình làm.
Cho đến khi khánh thành và đi vào hoạt động đã hơn hai năm nay, khách tới bảo tàng của bà ngày càng đông. Người ở xa đến thăm không biết đi đâu ăn uống nghỉ ngơi, bà lại mày mò chế biến các món ăn từ đồ tự nhà trồng, nuôi.
Từ cá om trấu mấy tiếng đồng hồ đến nước mắm, mắm tôm, tương rồi miến dong, bánh gai… tất cả đều được làm thủ công và sạch, đúng vị truyền thống. Nhờ đó, rời khỏi bảo tàng đồng quê, du khách đều quyến luyến và mong muốn quay trở lại.
Niềm vui của bà giáo càng được nhân lên khi du khách tới thăm quan bảo tàng có cả những học sinh nhỏ tuổi nhất đến những cụ già đã ở cái tuổi ngoài 90. Rồi người đến lại giới thiệu người chưa biết, họ truyền tai nhau rằng: “Cứ đưa trẻ em về đây mà nghiên cứu lịch sử, cần gì phải đọc nhiều sách vở mà làm gì”.
Có được thành quả như ngày hôm nay, bà Khiếu rất tự hào vì chồng bà – Thiếu tướng Hoàng Kiền - hiện là Giám đốc Ban Quản lý đường tuần tra biên giới, đã 42 năm nay gắn bó với công binh, luôn bên cạnh ủng hộ và là người sưu tầm tích cực cùng bà. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của các con, của anh chị em thân cận và cả những người bà chưa một lần biết đến quý danh.
Lần lượt nhìn ngắm từng hiện vật trong bảo tàng của cô giáo Ngô Thị Khiếu, chúng tôi như được thấy cả một nông thôn Việt Nam thuần chất và mộc mạc, giản dị nhưng ấm áp hồn quê. Từ những đồ vật độc đáo cho đến cả những lời mời chào giới thiệu thân tình của người phụ nữ luôn nhận mình là “gái quê” ấy mà bước chân trên đường về của chúng tôi thêm phần lưu luyến, bịn rịn.
Theo Người Đưa Tin