Gợi ý lời giải môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 sáng 11/6

Google News

Thầy Nguyễn Phi Hùng, Đặng Ngọc Khương (Trung tâm Hocmai.vn Online) sẽ đưa ra gợi ý lời giải môn Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội và TP HCM.

GỢI Ý LỜI GIẢI MÔN NGỮ VĂN ĐỀ THI VÀO LỚP 10 Ở HÀ NỘI 
Goi y loi giai mon Ngu van ky thi vao lop 10 sang 11/6
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thành phố Hà Nội sáng 11/6.

Phần I (7.0đ) 
Câu 1. - Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
- Mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến đánh cá ra khơi của đoàn thuyền (theo đó là trình tự thời gian từ chiều xuống đến lúc bình minh) 
Câu 2. - Hình ảnh so sánh trong câu thơ giúp người đọc hình dung rõ bức tranh hoàng hôn trên biển vừa tráng lệ, huy hoàng vừa sống động, kỳ thú. 
- Hoàng hôn buông xuống nhưng không gian không chìm vào bóng tối mà rực lên ánh sáng, trên mặt nước lại cháy bùng ngọn lửa.
 - Hình ảnh thiên nhiên cũng gợi lên sức sống, không khí hào hứng, náo nức của những người ngư dân trong buổi ra khơi đánh cá.
 Câu 3. Hai câu thơ thể hiện lòng biết ơn của những ngư dân với biển cả quê hương:
 Biển cho ta cá như lòng mẹ 
 Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Câu 4Yêu cầu 
* Hình thức: 
- Đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch khoảng 12 câu.
 - Gạch chân dưới từ ngữ dùng làm phép thế và câu cảm thán. 
* Nội dung: Vẻ đẹp của cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong buổi bình minh: 
- Đoàn thuyền trở về trong khúc ca khải hoàn “Câu hát căng buồm với gió khơi”. 
- Đoàn thuyền trở về trong tư thế hào hùng, chạy đua với thiên nhiên: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. 
- Đoàn thuyền trở về với đầy ắp cá tôm trong cảnh bình minh rạng ngời: “Mặt trời đội biển nhô màu mới/ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi". 
=> Vẻ đẹp của con người lao động làm chủ vũ trụ, làm chủ cuộc đời đã hòa với vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. 
+ Chú ý: Học sinh cần làm rõ các biện pháp nghệ thuật: Kết cấu vòng tròn, ẩn dụ, nhân hóa, điệp ngữ.
 Phần II(3.0đ)
 Câu 1Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi ra đời năm 1971. Đây cũng là những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt nhất. Máy bay Mỹ ngày đêm ném bom, băm nát tuyến đường Trường Sơn – tuyến huyết mạch giao thông quan trọng để miền Bắc chi viện sức người, sức của cho miền Nam chống Mỹ. 
- Tác giả Lê Minh Khuê từng là nữ thanh niên xung phong trong những năm tháng dữ dội ấy, được chứng kiến những gian khổ, hy sinh cũng như lòng dũng cảm, tâm hồn tuyệt đẹp của tuổi trẻ Trường Sơn. Lê Minh Khuê không ngăn được xúc động và đã viết lên một áng văn nóng bỏng đạn bom mà vẫn mát rượi trữ tình để tôn vinh thế hệ trẻ anh hùng của non sông, đất nước.
 - Xuất xứ: Đây là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, rút từ tập truyện ngắn cùng tên.
 Câu 2. Điều khiến nhân vật “tôi” đến gần quả bom lại thấy không sợ nữa chính là nhân vật “tôi” cảm thấy ánh mắt các chiến sĩ đang dõi theo mình. Đây chính là tâm trạng của nhân vật Phương Định – nữ trinh sát mặt đường, trong một lần phá bom. Chi tiết trên đã cho người đọc thấy lòng quả cảm, sự tự trọng của người nữ chiến sĩ anh hùng. Chính điều này giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi, dũng cảm chiến đấu.
 Câu 3Yêu cầu: 
* Hình thức: Đoạn văn nghị luận khoảng nửa trang giấy thi.
 * Nội dung: Bàn về mối quan hệ giữa cá nhân – tập thể.
 - Khẳng định đây là mối quan hệ cần thiết, quan trọng, không thể thiếu với mỗi con người.
 - “Con người chính là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”, không ai có thể sống cá nhân, đơn lẻ. Nếu mỗi người không biết hòa mình vào tập thể, sẽ không tạo nên một cộng đồng, xã hội.
 - Sức mạnh của mỗi cá nhân hợp lại sẽ tạo nên sức mạnh tập thể lớn lao (dẫn chứng trong chiến tranh, sức mạnh của nhân dân đã đánh tan quân xâm lược; trong thời bình, nhân dân chung tay góp sức xây dựng đất nước phát triển…) Ngược lại, sức mạnh của tập thể sẽ giúp cho mỗi cá nhân có thêm động lực(dẫn chứng). 
- Bài học nhận thức và hành động cho bản thân. 
GỢI Ý LỜI GIẢI MÔN NGỮ VĂN ĐỀ THI VÀO LỚP 10 Ở TPHCM 

Goi y loi giai mon Ngu van ky thi vao lop 10 sang 11/6-Hinh-2
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TPHCM sáng 11/6. 
 Câu 1 
 1. Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn: 
- Lặp từ ngữ: “Tôi”; “hát quốc ca”. 
2. Cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam: Xúc động, thiêng liêng, phấn chấn, vui sướng và tự hào. 
- Cảm xúc đó được thể hiện qua các cụm từ như: “Tôi rất xúc động”; “một cảm giác thật khó tả”; “một điều gì đó thiêng liêng… dâng lên trong lòng tôi”; “tinh thần mạnh mẽ’; “khí thế hừng hực”; “cảm xúc thật mãnh liệt”…
 3. Ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên 
- Tình yêu nước, niềm tự hào về dân tộc thường trực trong trái tim mỗi con người Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị.
 - Tình yêu nước bắt đầu từ tình cảm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và lan rộng ra cộng đồng, xã hội. 
- Gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. 
4. Thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay.
 - Một số trường học thực hiện rất tốt; nhiều bạn học sinh thuộc và hát quốc ca một cách say mê và đầy lòng tự hào. 
- Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều học sinh không thuộc quốc ca, không cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của việc hát quốc ca nên thường hát một cách gượng ép, chiếu lệ. Nhiều nhà trường và thầy cô giáo không nhắc nhở, giáo dục học sinh về ý nghĩa và sự cần thiết phải thuộc và hát quốc ca khi cần thiết. 
- Thực trạng đó rất đáng buồn và báo động. Bởi hát quốc ca một cách say mê và tự giác cũng là biểu hiện của tình yêu nước, thể hiện niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông. 
Câu 2 
1. Mở bài. 
- Dẫn dắt vấn đề: Thái độ sống của giới trẻ nói chung.
 - Nêu vấn đề: Thái độ vô cảm của một số bạn trẻ trong chính gia đình mình khi sống chỉ biết quan tâm đến các thần tượng trên phim ảnh, đắm chìm với sở thích riêng mà thờ ơ với những vất vả lo toan, yêu thương trìu mến của cha mẹ, người thân. 
2. Thân bài 
* Giới thiệu vấn đề: 
- “Vô cảm” là hiện tượng, thờ ơ, dửng dưng, không quan tâm mọi việc đang diễn ra xung quanh, chỉ biết nghĩ đến bản thân với những lợi ích riêng, thỏa mãn lòng ham muốn ích kỷ. 
- Bệnh “vô cảm” biểu hiện rất phức tạp nhưng đáng báo động nhất là sự vô cảm của một bộ phận bạn trẻ trong chính gia đình mình, với những người thân yêu của mình.
 * Thực trạng. 
- Nhiều bạn trẻ sống thờ ơ với những vất vả, lo toan của bố mẹ, cũng như những người thân yêu; thờ ơ trước sự quan tâm, thương yêu.
 Dẫn chứng: Nhiều bạn trẻ vẫn ăn chơi, đua đòi trong khi bố mẹ làm việc rất vất vả; nhiều bạn trẻ coi việc bố mẹ chăm sóc, yêu thương mình là việc hiển nhiên, không cần đền ơn, đáp nghĩa, vì vậy càng nhận được sự quan tâm chăm sóc nhiều, thì càng tỏ ra vô ơn. 
- Nhiều bạn trẻ mải mê dán hình thần tượng khắp nơi, thần tượng của họ có thể chỉ là những người trên phim ảnh hoạc ở một đất nước xa xôi, trong khi những vui, buồn, khó khăn, vất vả của bố mẹ thì họ không bao giờ biết đến. Nhiều bạn trẻ đắm chìm trong sở thích riêng, dù sở thích đó có khi đi ngược lại với hoàn cảnh sống và điều kiện gia đình. 
* Nguyên nhân: 
 - Do lối sống ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ.
 - Do sự nuông chiều quá mức. 
* Hậu quả.
 - Biến con người thành những cỗ máy không có lý trí, không tình cảm. - Khiến cho những tình cảm thiêng liêng ngày mai một dần. 
*Giải pháp:
 - Mỗi người cần sống yêu thương và trách nhiệm hơn. Sống với thế giới thực nhiều hơn thế giới ảo. Trước hết, phải yêu thương, quan tâm những người thân trong gia đình. Có như thế mới biết yêu thương đồng loại nói chung.
 3. Kết bài. 
 - Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề. 
Câu 3 
1. Mở bài. 
- Tác giả, tác phẩm.
+ Hữu Thỉnh sinh 1942, quê ở Tam Dương,Vĩnh Phúc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 
 + Bài thơ “Sang thu” viết năm 1977, in trong tập Từ chiến hào đến thành phố. 
+ Hai khổ đầu là cảm nhận tinh tế của tác giả về những chuyển biến của trời đất, ở thời khắc giao mùa từ hạ sang thu, được thể hiện qua hình ảnh và ngôn ngữ giàu sức biểu cảm. 
2. Thân bài 
* Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên qua hai khổ thơ trong bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh. 
- Khổ 1: Nhà thơ cảm nhận sự chuyển biến của đất trời ở thời khắc sang thu qua hương vị: “Hương ổi”, qua vận động của gió, của sương: “Gió se", “sương chùng chình”. 
+ Hương ổi nồng nàn lan trong gió bắt đầu hơi se lạnh, sương thu chùng chình chậm lại… 
+ Mùa thu sang ngỡ ngàng, được cảm nhận qua sự phán đoán. Chú ý phân tích các từ: Bỗng, phả, chùng chình, hình như… 
- Khổ 2: Không gian mở rộng từ dòng sông đến bầu trời.
 + Dòng sông mùa thu chảy chậm hơn, cánh chim bắt đầu vội vã như cảm nhận được cái lạnh của tiết trời… 
+ Hình ảnh đám mây duyên dáng, mảnh mai như một dải lụa nối hai mùa hạ và thu… Chú ý phân tích từ: Dềnh dàng, vội vã, vắt… 
* Liên hệ với khổ thơ trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải (Học sinh có thể chọn đối tượng khác nhưng phải phù hợp). 
Mọc giữa dòng sông xanh
 Một bông hoa tím biếc 
 Ơi con chim chiền chiện 
 Hót chi mà vang trời 
 Từng giọt long lanh rơi 
Tôi đưa tay hứng về. 
- Mùa xuân và thiên nhiên xứ Huế được miêu tả qua vài nét khắc họa: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời. 
- Qua vài nét khắc họa đó, tác giả đã vẽ ra được một không gian mênh mông, cao rộng của dòng sông xanh, hoa tím biếc – màu tím đặc trưng của xứ Huế; cả âm thanh của tiếng chim chiền chiện hót vang trời trên cao, bông hoa mọc lên từ dưới nước, giữa dòng sông xanh.
 - Cảm xúc của tác giả là say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp tươi sáng, tràn trề sức sống của mùa xuân được bộc lộ qua lời gọi: “Ơi’, “hót chi” và qua sự chuyển đổi cảm giác. 
- Khổ thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và sức sống tha thiết của tác giả. 
* Điểm gặp gỡ của hai tác giả 
- Bằng những hình ảnh, ngôn từ giàu sức gợi, cả hai tác giả đã tái hiện những bức tranh thiên nhiên nên thơ, gợi cảm và đầy sức sống. Bức tranh thiên nhiên đó không chỉ được cảm nhận bằng thị giác, thính giác mà bằng cả tâm hồn. Qua đó cho thấy sự quan sát và cảm nhận tinh tế của nhà thơ về khoảnh khắc giao mùa, ẩn trong đó là tình yêu quê hương tha thiết mà tác giả giành cho quê hương, đất nước. 
3. Kết bài 
- Khẳng định lại vẻ đẹp, sức sống của thiên nhiên đất nước và sự tinh tế, nhạy cảm của tâm hồn các nhà thơ.

Theo Zing