Trước thông tin đề thi THPT quốc gia môn Tiếng Anh 2015 sẽ có phần tự luận, nhiều học sinh băn khoăn phần tự luận sẽ ở dạng bài nào, cấu trúc và cách triển khai một đoạn văn tự luận bằng tiếng Anh ra sao? Kiến Thức gợi ý phương pháp làm bài thi tự luận môn tiếng Anh dưới đây.
Để viết được một đoạn văn (paragraph), trước tiên các bạn cần hiểu rõ bố cục và cách sắp xếp chi tiết trong một đoạn văn chứ không thể "nghĩ sao viết vậy" như một số học sinh thường làm.
Thông thường một đoạn văn viết bằng tiếng Anh có độ dài dao động trong khoảng 80 đến 150 từ (words). Trong một đoạn văn chuẩn thường phải có câu chủ đề (topic sentence). Trong câu chủ đề phải có hai phần: chủ đề (topic) và ý chính (controlling idea). Thông thường câu chủ đề là câu mở đầu đoạn văn. Mặc dù trong cách viết tiếng Anh, câu chủ đề còn có thể có các vị trí khác trong đoạn văn, nhưng để an toàn và không tự làm khó mình, khi thi các em nên sử dung cách viết với câu chủ đề là câu đầu tiên.
|
Nhiều học sinh băn khoăn phần tự luận trong đề thi tiếng Anh sẽ ở dạng bài nào, về chủ đề gì. |
Khi đã có câu chủ đề, ta phải tìm ý để có thể triển khai ý chính. Việc tìm ý không quá phức tạp. Thí sinh chỉ cần tự đặt ra những câu hỏi liên quan đến câu chủ đề sau đó tự trả lời chúng. Những câu hỏi này thường bắt đầu bằng các từ nghi vấn (question words) như What, When, Where, Why, How.
Những câu trả lời cho các câu hỏi trên sẽ được sử dụng như supporting sentences (các câu văn chứng minh, diễn giải ý chính trong câu chủ đề). Khi đã có các supporting sentences, người viết chỉ cần ráp nối chúng lại thì sẽ có một đoạn văn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, mấu chốt ở công đoạn này là các bạn phải biết sắp xếp các câu văn theo một trật tự nhất định chứ không phải "có gì viết nấy".
- Cách sắp xếp supporting sentences trong một đoạn văn:
Tùy theo đề bài, người viết có thể sắp xếp supporing sentences theo 1 trong các trật tự dưới đây:
+ Từ các chi tiết quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất.
+ Từ các chi tiết ít quan trọng nhất đến chi tiết quan trọng nhất (ngược với cách 1).
+ Theo trật tự thời gian (cái gì xảy ra trước kể trước, cái gì xảy ra sau kể sau).
+ Theo trình tự của công việc phải làm (ví dụ như bạn đang hướng dẫn người khác nấu cơm thì bạn sẽ chỉ họ làm theo các bước: Thứ nhất, lấy gạo bỏ vào nồi. Thứ hai, vo gạo. Thứ ba, bỏ nồi vào nồi cơm điện (nếu nấu bằng nồi cơm điện). Thứ tư, cắm phích vào ổ điện. Thứ năm, bật công tắc nấu. Cuối cùng, chờ khoảng 20 đến 25 phút thì cơm chín.
+ Theo trình tự không gian. Thường trật tự này chỉ được áp dụng trong một đoạn văn tả quang cảnh/nơi chốn. Ví dụ như đề bài yêu cầu bạn tả góc học tập của mình. Trường hợp này bạn có thể bắt đầu từ bất kể vị trí nào: từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, từ trái sang phải, từ phải sang trái, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới...tùy theo góc độ mà bạn quan sát để mô tả.
Cuối cùng, bạn có thể kết thúc đoạn văn bằng một câu kết (concluding sentence). Thông thường câu kết được thực hiện bằng cách viết lại câu chủ đề theo một dạng khác mà thôi. Tuy nhiên, câu kết không nhất thiết luôn phải có trong đoạn văn, nghĩa là nếu bạn tự tin mình viết tốt thì kết bài với câu kết, còn không thì không sử dung câu này.
Một yêu cầu quan trọng nữa đối với một đoạn văn đó là sự thống nhất. Sự thống nhất là một đặc tính quan trọng để đánh giá đoạn văn đó có tốt hay không. Sự thống nhất ở đây có nghĩa là đoạn văn đó chỉ nói về một đề tài. Tất cả các câu trong đoạn đều phải đề cập đến đề tài đó, không được đi lệch hướng.
- Các bước làm một bài viết đoạn văn bằng tiếng anh
+ Viết câu chủ đề (Lưu ý: cần triệt để lợi dụng đề bài để viết thành câu chủ đề).
+ Kiểm tra lại câu chủ đề để biết chắc trong câu chủ đề của bạn có topic và controlling idea.
+ Tìm ý để chứng minh/diễn giải ý chính bằng cách đặt các câu hỏi mở đầu bằng từ nghi vấn. Lưu ý: do độ dài của đoạn văn bị khống chế nên bạn chỉ cần đặt khoảng 5 câu hỏi là được. Nhớ rằng các câu hỏi phải liên quan đến câu chủ đề.
+ Ráp các câu trả lời cho các câu hỏi của bạn (supporting sentences) lại thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Cần nhớ mấu chốt ở bước này là bạn phải biết chắc mình đang sử dụng trật tự nào để ráp nối supporting sentences.
+ Cân nhắc có nên viết câu kết hay không. Nếu không chắc chắn thì bỏ qua bước này.
+ Kiểm tra lại các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp có thể có trong từng câu viết của bạn.
Thầy Phan Huy Phúc, giáo viên Tiếng Anh, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho hay: “Phần tự luận trong đề thi tiếng Anh sẽ không gây ra khó khăn cho học sinh. Bởi vì mức độ câu hỏi tự luận sẽ không khó và chiếm số điểm nhỏ trong đề thi. Học sinh cần ghi nhớ kiến thức kĩ và sâu hơn chứ không đơn thuần là nhớ mang máng kiến thức để lựa chọn câu trả lời. Ôn tập lại để ghi nhớ từ vựng, ngữ pháp (cách thiết lập một câu, một cụm câu), cách diễn đạt ý trôi chảy. Đọc lại những bài đọc hiểu trong SGK, đặc biệt là SGK Tiếng Anh lớp 12 để ghi chú một vài chủ đề thường gặp”.
Cũng theo thầy Phúc, một số chủ đề có thể sẽ xuất hiện trong yêu cầu viết bài tự luận đó là:
- Con người: sở thích của bản thân, người yêu thương nhất trong gia đình, người bạn mà bạn yêu quý nhất, thần tượng…
- Giáo dục: môn học yêu thích, người thầy mà bạn ngưỡng mộ…
- Thể thao: môn thể thao yêu thích…
- Du lịch: địa điểm du lịch mà bạn yêu thích…
- Công việc: ước mơ của bạn, người bạn muốn trở thành trong tương lai…
Trước đó, giải đáp thắc mắc của hầu hết học sinh, giáo viên về phần tự luận trong đề thi tiếng Anh THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Năm ngoái đề thi tốt nghiệp môn Ngoại ngữ đã có phần thi viết và thu được kết quả khả quan. Đề thi chỉ yêu cầu viết một đoạn văn với những tiêu chí đơn giản để đánh giá cách dùng từ ngữ, khả năng viết câu... của thí sinh chứ chưa phải là viết một bài luận với yêu cầu cao. Năm nay, đề thi THPT quốc gia cũng chỉ kế thừa điều này chứ không có gì mới mẻ".
Đông Nhiên