Đa số các fanpage giả mạo đều lấy logo và đặt tên gần giống với các thương hiệu lớn như FPT Shop, Viễn Thông A, Điện Máy Xanh…
Nội dung lừa đảo thường sẽ có dạng: “Bán 1.000 iPad Air 2 Wi-Fi 16 GB với giá 99.000 đồng. Chương trình khuyến mãi nhằm tri ân khách hàng cũng như quảng bá thương hiệu trên toàn quốc với ưu đãi khủng.” Ngoài ra, một số trang giả mạo FPT Shop còn đăng tải thông tin bán 100 iPhone 5S với giá 100.000 đồng với lý do xả kho?
|
Một số fanpage lừa đảo hiện nay trên Facebook. Ảnh: M.HOÀNG. |
Để tham gia, người dùng chỉ cần like fanpage, chia sẻ công khai bài viết lên trang Facebook cá nhân, để lại số điện thoại và chờ xác nhận đặt hàng.
Chiêu lừa đảo này chủ yếu nhằm lấy cắp thông tin cá nhân và lượt like của bạn. Nhiều người cứ nghĩ rằng làm theo yêu cầu cũng không mất mát gì nên cứ thử. Tuy nhiên, sau khi đạt được một lượng like nhất định, những kẻ lừa đảo sẽ đổi tên fanpage, gộp nó vào một trang khác hoặc bán lại cho người khác.
Cách nhận biết fanpage lừa đảo
- Đa số các đơn vị, thương hiệu lớn hiện nay đều có dấu tích màu xanh bên cạnh.
- Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra thêm các thông tin liên quan trong phần About, thời gian thành lập fanpage.
- Thông tin không rõ ràng, mập mờ và ít khi trả lời lại bình luận của người dùng.
- Hãy thử làm một phép tính đơn giản về số tiền và những món đồ mà họ cho/tặng, bạn sẽ thấy xuất hiện sự vô lý…
Khi gặp phải các trường hợp trên, bạn hãy báo cáo với Facebook để họ có hình thức xử lý thích hợp. Đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, hạn chế chia sẻ các bài viết không rõ ràng để tránh ảnh hưởng đến người khác.
Giống như nhiều công cụ khác, Facebook cũng có mặt tốt và xấu, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người sử dụng.
Theo Minh Hoàng/Kỷ Nguyên Số