Điện thoại Mi Mix Alpha là smartphone được bàn luận rất nhiều trong thời gian vừa qua, với thiết kế độc đáo và mức giá cũng cao vút. Tuy nhiên, Xiaomi chẳng mấy quan tâm liệu họ có bán được máy không.
Mix Alpha có thể coi là một chiếc điện thoại dạng ý tưởng (concept). Máy có màn hình bao vòng ra đằng sau mặt lưng, đạt tỉ lệ bao phủ tới 180% và không còn chỗ cho nút bấm vật lý. Mức giá của chiếc điện thoại này cũng rất cao: 2.800, cao hơn gần 1.000 USD so với mẫu điện thoại gập Samsung Galaxy Fold, và tất nhiên là cao hơn hẳn giá trung bình của smartphone Xiaomi.
Xiaomi đầu tư 70 triệu USD, người dùng liệu có quan tâm?
Tại buổi ra mắt, CEO Lei Jun cho biết công ty này đã đầu tư 70 triệu USD để phát triển chiếc Mix Alpha. Thật khó mà hình dung họ có thể bán được máy với số lượng đủ lớn để bù lại khoản đầu tư này, bởi ngay cả khi bán ra vào đầu năm sau, Mi Mix Alpha cũng chỉ có số lượng hạn chế.
|
Xiaomi Mi Mix Alpha có màn hình vòng ra lưng máy, camera 108 MP. Ảnh: Xiaomi.
|
Chính người dùng cũng không tỏ ra hào hứng với chiếc điện thoại này. Họ không nghĩ sẽ dùng nó làm gì.
"Tôi muốn biết sẽ dùng máy với màn hình như thế vào việc gì. Nghĩ nửa ngày cũng không ra, chưa nói là đắt nữa", một người dùng nhận xét trên Weibo.
"Với giá này, tôi có thể mua một chiếc iPhone hay Huawei xịn nhất", một người khác chia sẻ.
Thiết kế của chiếc điện thoại này rõ ràng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Màn hình càng phủ rộng, càng tăng khả năng bị vỡ, xước. Màn hình lớn cũng sẽ khiến máy tiêu tốn năng lượng nhiều hơn.
"Đây là một chiếc điện thoại đẹp mắt, và chỉ thế thôi", nhà phân tích Kiranjeet Kaur của IDC chia sẻ.
Lý do lớn nhất để Xiaomi đầu tư hàng triệu USD và ra mắt chiếc điện thoại này là để khoe về công nghệ của họ. Sự cạnh tranh giữa những nhà sản xuất Trung Quốc rất khốc liệt, khiến họ phải tự nghĩ ra cách để đột phá. Từ năm 2018, các hãng Trung Quốc đã nghĩ ra rất nhiều kiểu thiết kế: camera trượt, khoét lỗ, màn hình thác nước.
"Rõ ràng họ không nhắm tới thị trường phổ thông, mà chỉ muốn người dùng chú ý", bà Kaur nhận xét.
Thị trường nội địa là lý do Xiaomi phải bỏ tiền
Tại thị trường nội địa, Xiaomi thua các đối thủ như Huawei, Oppo hay Vivo về thị phần. Họ muốn người dùng trong nước biết rằng mình cũng có khả năng tạo ra các công nghệ hiện đại. Vào tháng 6, không lâu sau khi Oppo nói về camera ẩn dưới màn hình, Xiaomi cũng công bố thiết bị thử nghiệm tương tự. Ngay trước khi Samsung ra mắt Fold vào tháng 2, Xiaomi đã tung video về thiết bị của họ.
"Với Xiaomi, giá trị của Mix Alpha là để tạo hình ảnh về công ty đi đầu trong đột phá công nghệ ở ngành smartphone", nhà phân tích Ethan Qi của Counterpoint Research nhận xét.
|
Chiếc điện thoại này được đánh giá là không thực tế, bởi màn hình sẽ rất dễ rơi, vỡ khi sử dụng. Ảnh: Gizmochina.
|
Xiaomi rất cần đánh bóng hình ảnh ở thời điểm này, bởi họ bắt đầu hướng tới thị phần cao cấp sau khi tách dòng sản phẩm giá rẻ thành thương hiệu riêng Redmi.
"Huawei đã tạo được chỗ đứng trong thị trường smartphone cao cấp toàn cầu với dòng P và Mate. Xiaomi chắc chắn cũng muốn làm theo, bởi máy cao cấp có lợi nhuận cao hơn và đối thủ cũng khó cạnh tranh hơn", nhà phân tích Mo Jia của Canalys bình luận.
Dù còn nhiều nghi ngờ về tính hữu dụng, chiếc Mix Alpha cũng khiến nhiều người tò mò. Từ khóa "điện thoại màn hình bao quanh thân máy của Xiaomi" đã lọt vào những từ được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo sau khi ra mắt.
"Tôi thấy máy cũng thú vị đấy chứ, sao bị chê nhiều thế. Lei Jun cho biết cuối tuần này có thể trải nghiệm ở Mi Store rồi. Tôi chưa bao giờ vào cửa hàng của Xiaomi, nhưng tôi cũng muốn đi trải nghiệm xem sao", một người dùng chia sẻ trên Weibo.
|
Xiaomi từng gây tiếng vang vào năm 2016 khi ra mắt chiếc Mi Mix, có thiết kế thú vị hơn hẳn so với các smartphone của Apple, Samsung cùng thời điểm. Ảnh: Cnet.
|
Có thể nói, Samsung Galaxy Fold hay Huawei Mate X cũng là những chiếc điện thoại thử nghiệm và không hướng tới doanh số. Tuy nhiên, chúng còn giúp các công ty thu được nhiều kinh nghiệm hữu ích. Ông Qi cho rằng những chiếc smartphone dạng ý tưởng "không chỉ giúp Xiaomi làm thương hiệu, mà còn giúp họ có thêm kinh nghiệm về mặt công nghệ".
Những ý tưởng cũng là rất cần thiết để biết người dfung sẽ phản ứng thế nào. Dòng sản phẩm Mi Mix chính là những chiếc smartphone thử nghiệm của Xiaomi. Năm 2016, chiếc Mix đời đầu được khen ngợi vì giảm viền màn hình xuống tối đa ở 3 cạnh, và cũng chỉ được bán với số lượng giới hạn.
Một năm sau, Xiaomi bán Mi Mix 2 với số lượng lớn và khá thành công. Những thiết kế như camera trượt cũng được thử nghiệm, rồi vài tháng sau mới được đưa lên sản phẩm thương mại.
Không phải công ty nào cũng có nguồn lực để hiện thực hóa những ý tưởng. Đầu năm nay, thương hiệu Meizu của Trung Quốc gọi vốn cộng đồng trên Indiegogo để hiện thực hóa smartphone không nút bấm, không khe cắm Meizu Zero với mức giá 1.299 USD. Tuy nhiên, chiến dịch này đã thất bại khi chỉ có 40 khách hàng đồng ý đầu tư.
Theo Zing.vn