Trường hợp có nhu cầu, Samsung Việt Nam được quyền thay đổi mục tiêu sử dụng của tòa nhà Trung tâm R&D hoặc được quyền chuyển nhượng tòa nhà gắn với quyền sử dụng đất của dự án cho một bên khác để thực hiện mục tiêu nghiên cứu phát triển hoặc kinh doanh bất động sản.
Đây là một trong những đề xuất được Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (gọi tắt là Công ty SEV) đưa ra khi thực hiện xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội.
Cùng đề xuất này, báo cáo về cơ chế, chính sách đối với dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển của Công ty SEV được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ, SEV còn đề xuất hoàng loạt các ưu đãi khác.
"Xin" hàng loạt ưu đãi
Trung tâm R&D hiện tại (Trung tâm SVMC) được thành lập năm 2013 tại Hà Nội dưới hình thức là Chi nhánh phụ thuộc của Công ty SEV. Hiện SVMC đang thuê 12 tầng tại Tòa nhà PVI, số 1 đường Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội làm trụ sở.
Do nhu cầu tăng thêm đội ngũ nhân lực R&D, Samsung muốn nâng trung tâm SVMC thành trung tâm R&D hiện đại nhất Đông Nam Á. Công ty SEV sẽ tự đầu tư xây dựng tòa nhà phục vụ hoạt động R&D với tổng vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD trên diện tích 11.603m2, quy mô xây dựng tòa nhà 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, có khả năng cung cấp không gian làm việc cho khoảng 3.000 người.
Theo báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Công ty SEV đã đề xuất được hưởng hàng loạt cơ chế, chính sách áp dụng cho Dự án xây dựng tòa nhà văn phòng cho Trung tâm R&D tại Tây Hồ Tây (dự kiến chính thức khởi công vào đầu 2020-PV).
Cụ thể, SEV đề xuất được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất bao gồm cả các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng dự án, xây dựng văn phòng và các hoạt động sau này; phân bổ chi phí và nhân lực nghiên cứu phát triển của Trung tâm R&D cho Công ty SEV và SEVT tại Bắc Ninh và Thái Nguyên; cơ chế về giá điện ưu đãi cho cơ sở nghiên cứu khoa học; miễn lệ phí trước bạ cho phần đất chuyển nhượng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số các đề xuất trên thì Trung tâm SVMC hiện đang hưởng hai loại cơ chế là: cơ chế về doanh nghiệp chế xuất, nhưng không bao gồm giao dịch liên quan đến chuyển nhượng Dự án và xây dựng văn phòng và cơ chế phân bổ chi phí theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
SEV cũng đề xuất, trong trường hợp có nhu cầu, Công ty SEV được quyền thay đổi mục tiêu sử dụng của tòa nhà Trung tâm R&D hoặc được quyền chuyển nhượng tòa nhà gắn với quyền sử dụng đất của dự án này cho một bên khác để thực hiện mục tiêu nghiên cứu phát triển hoặc kinh doanh bất động sản.
Một đề xuất nữa cũng được SEV đưa ra, rằng để đáp ứng nhu cầu về văn phòng làm việc trong thời gian chưa xây xong tòa nhà mới, Công ty SEV phải tạm thời thuê thêm địa điểm mới tại Hà Nội làm văn phòng làm việc. Các hoạt động tại văn phòng mới giống với hoạt động tại Trung tâm SVMC hiện tại. Do đó, SEV đề xuất được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất cho các địa điểm mới thuê.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thành lập Trung tâm R&D là điều kiện bắt buộc để hai dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp thiết bị di động, điện tử và viễn thông công nghệ cao của Công ty SEV tại Bắc Ninh và SEVT tại Thái Nguyên được hưởng cơ chế và mức độ ưu đãi như hiện nay.
Đồng thời, hoạt động R&D của dự án phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Công nghệ cao, là "hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao" và "nghiên cứu sáng tạo công nghệ cao mới", được khuyến khích đầu tư và thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định.
Ưu đãi thuế: Chưa có cơ sở xem xét
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về bản chất, mô hình hoạt động của Trung tâm R&D tại Khu đô thị Tây Hồ Tây không thay đổi so với Trung tâm SVMC, chỉ khác về địa điểm thực hiện và thay vì đi thuê thì Công ty SEV sẽ nhận chuyển nhượng dự án và xây dựng tòa nhà hiện đại hơn để tự phục vụ hoạt động R&D, đảm bảo sự ổn định lâu dài.
Đối với đề xuất được áp dụng cơ chế doanh nghiệp chế xuất bao gồm cả giao dịch liên quan đến chuyển nhượng dự án và xây dựng tòa nhà, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm R&D tại Tây Hồ Tây được kế thừa các cơ chế, chính sách từ Trung tâm SVMC chuyển sang thì các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng dự án và xây dựng tòa nhà được hưởng theo cơ chế của doanh nghiệp chế xuất là hướng tới sự đồng bộ trong cả gói chính sách ưu đãi áp dụng chung cho Trung tâm R&D.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, trường hợp Công ty SEV có nhu cầu điều chỉnh mục tiêu của Dự án thì phải phù hợp với quy hoạch của khu đất; đồng thời ưu đãi liên quan đến mục tiêu R&D của Dự án sẽ bị thu hồi hoặc điều chỉnh lại theo quy định của pháp luật nếu không đáp ứng các tiêu chí về ưu đãi.
Chính vì vậy, bộ này lưu ý, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần có quy định ràng buộc các nội dung nêu trên tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trong văn bản góp ý về cơ chế, chính sách đối với dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển của Công ty SEV, liên quan đến vấn đề thuế thu nhập doanh nghiệp theo kiến nghị của SEV, Bộ Tài chính cho biết, Chi nhánh Trung tâm nghiên cứu là đơn vị hạch toán phụ thuộc SEV nên pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chưa có quy định về việc phân bổ chi phí giữa hai doanh nghiệp độc lập (SEV và SEVT).
Đồng thời đến nay, Công ty SEV vẫn chưa lựa chọn xong phương án thực hiện dự án nên chưa có đủ cơ sở để có ý kiến cụ thể về việc phân bổ chi phí nghiên cứu và phát triển của Trung tâm SVMC giữa Công ty SEV và SEVT. Do đó, theo Bộ Tài chính, doanh nghiệp căn cứ theo các quy định của pháp luật về thuế để thực hiện khi có phương án triển khai cụ thể.
Còn UBND Tp. Hà Nội thì cho rằng, để được áp dụng các ưu đãi (về thuế nhập khẩu) thì doanh nghiệp phải được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định hoặc dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là dự án ứng dụng công nghệ cao.
Hà Nội cũng cho rằng, để được hưởng miễn lệ phí trước bạ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Công ty SEV phải có văn bản (hoặc giấy phép, giấy chứng nhận) của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học hoặc doanh nghiệp khoa học, công nghệ theo quy định.
Liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế, văn bản góp ý của UBND Tp. Hà Nội cũng nhấn mạnh "chưa có cơ sở pháp lý xác định Chi nhánh Công ty SEV (Trung tâm R&D) là doanh nghiệp chế xuất hay được áp dụng các ưu đãi đối với doanh nghiệp chế xuất. Do vậy, việc đề nghị áp dụng Chi nhánh Công ty SEV (Trung tâm R&D) là doanh nghiệp chế xuất chưa có đủ cơ sở để xem xét".
Theo GenK