Voi quật chết quản tượng ở Đại Nam vì mùi sơn?

Google News

Quản tượng tại khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) chăm sóc và huấn luyện chú voi được hơn năm năm nhưng bất ngờ bị chính chú voi này quật chết.

Đến lúc này, nhiều cơ quan chức năng mới giật mình nhận ra quy trình chăm sóc và huấn luyện loài động vật hoang dã này gần như bị thả nổi.
Ngày 24/12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương phối hợp cùng cơ quan đại diện CITES (viết tắt của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) phía Nam tới làm việc với Công ty cổ phần Đại Nam (P.Hiệp An, TP Thủ Dầu Một) để làm rõ vụ voi tại khu du lịch này quật chết quản tượng.
Bị voi quật chết trong chuồng
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện ban giám đốc điều hành vườn bách thú khu du lịch Đại Nam cho biết nguyên nhân khiến quản tượng Đoàn Hữu Tài (28 tuổi, quê Vĩnh Long) bị voi tên Ka quật chết do quản tượng đi băng qua chuồng khi đang nhốt voi.
Cụ thể, theo tường trình của ông Dương Thành Phi - giám đốc vườn thú, khoảng 15h ngày 23/12 quản tượng Đoàn Hữu Tài lấy thùng sơn nước đi băng qua chuồng nhốt voi Ka (khu du lịch Đại Nam chỉ có hai chuồng nhốt mỗi bên một con voi, trong đó Ka là voi con) để tới sân chơi của voi ở phía bên kia chuồng.
Khi anh Tài chưa băng qua khỏi chuồng thì bị voi Ka (9 tuổi, nặng 2 tấn) dùng vòi quấn lấy và đập người anh Tài vào vách tường. Anh Tài la lên, một số nhân viên gần đó cũng tri hô ứng cứu, voi Ka mới chịu thả anh Tài vào hồ nước. Anh Tài bị chấn thương nặng, hộp sọ bị vỡ và tử vong trên đường đưa tới bệnh viện.
Đánh giá về vụ việc, ông Trần Văn Nguyên - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương - cho biết đây là một sự việc rủi ro đối với người chăm sóc thú.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy chuồng voi tại khu du lịch Đại Nam được xây dựng bằng các trụ lớn có khoảng hở 30-47cm, bên ngoài còn có rãnh nước để ngăn cách với đường đi của du khách, theo đánh giá của ông Nguyên là “an toàn”.
Tuy nhiên, ông Nguyên thừa nhận đó mới chỉ là đánh giá chủ quan của cá nhân, hiện chưa có quy định nào về chuồng nuôi nhốt voi. Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cũng nói chưa có quy định chung quy trình nuôi nhốt và huấn luyện voi.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, cả vườn thú của khu du lịch Đại Nam có gần 600 động vật các loại. Mỗi năm đơn vị này đều có ít nhất bốn đợt kiểm tra vườn thú ở khu du lịch Đại Nam nhưng chủ yếu kiểm tra biến động tăng/giảm số thú nuôi nhốt, nhắc nhở và yêu cầu đơn vị cam kết nuôi thú đảm bảo an toàn. Đại diện Chi cục Kiểm lâm Bình Dương nhấn mạnh rất khó đánh giá việc nuôi nhốt thú thế nào là đảm bảo an toàn vì nhiều loài còn thiếu quy định để đánh giá.
 Voi Ka đang được nhốt riêng.
Chủ yếu dựa vào kinh nghiệm
Theo tìm hiểu, nhân viên quản tượng Đoàn Hữu Tài làm việc ở khu du lịch Đại Nam từ năm 2008, chăm sóc hai con voi từ đó tới nay. Trước đó, anh Tài từng làm cho một khu du lịch tại TP.HCM.
Trong hợp đồng lao động ký với Công ty Đại Nam xác định chức danh của anh Tài là “nhân viên chăm sóc và nuôi dưỡng thú”. Hợp đồng không có dòng nào nói về trình độ chuyên môn mà anh Tài được đào tạo.
Theo một cán bộ của cơ quan đại diện CITES phía Nam, chưa có quy định nào về yêu cầu chuyên môn đối với người chăm sóc voi, cũng chưa có trường lớp nào đào tạo về nghiệp vụ này. Hầu hết quản tượng chăm sóc voi đều dựa trên kinh nghiệm.
Có thể nhiều quản tượng nuôi voi từ khi voi còn nhỏ, bình thường voi rất hiền nên quản tượng chủ quan mà quên mất là dù được chăm sóc bao lâu thì voi vẫn là động vật hoang dã và có những bản năng nhất định.
Theo một người bạn từng làm cùng anh Đoàn Hữu Tài, hoàn cảnh gia đình anh Tài khá khó khăn do nhà đông anh em, anh Tài thường phải trích một phần thu nhập hằng tháng gửi về phụ giúp cha mẹ ở Vĩnh Long.
Ngay trong đêm 23/12, thi thể anh Tài đã được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương về quê và gia đình đang lo chuyện hậu sự cho anh.
Về việc hỗ trợ gia đình quản tượng Đoàn Hữu Tài, đại diện Công ty cổ phần Đại Nam cho biết trước mắt công ty sẽ hỗ trợ chi phí đưa thi thể anh Tài về quê và tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình.
Trả lời về câu hỏi nguyên nhân liên tiếp xảy ra các vụ nhân viên khu du lịch Đại Nam bị thú nuôi tấn công có phải do quy trình chăm sóc thú ở đây “có vấn đề”, đại diện Công ty Đại Nam chỉ cho rằng đây là một tai nạn đáng tiếc.
Có thể mùi sơn khiến voi nổi điên
Tiến sĩ Phan Việt Lâm, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết voi hay một số động vật khác dù được thuần phục, nuôi dưỡng, huấn luyện trong môi trường nhân tạo nhưng bên trong mỗi động vật luôn tồn tại tính hoang dã.
Đặc biệt đối với voi đực, việc huấn luyện khó khăn gấp 2-3 lần so với voi cái vì “cá tính mạnh mẽ”, khó thuần phục hơn.
Cũng theo ông Lâm, ngoài việc xây dựng chuồng trại chắc chắn thì điều đặc biệt cần tránh là không nên tiếp cận con vật khi có yếu tố khác lạ, bất thường về màu sắc, âm thanh, mùi...
Việc này có thể làm con vật hoảng loạn, khơi dậy tính hoang dã và tấn công lại những người tiếp xúc hằng ngày.
Đối với người chăm sóc voi bị quật chết ở Đại Nam, theo ông Lâm, yếu tố lạ ở đây có thể là tiếp cận với voi trong điều kiện chiều tối, mang những thùng sơn có mùi (hóa chất) lạ.
Ông Lâm cho rằng không chỉ đối với voi mà một số loài thú hung dữ khác như hổ, sư tử... các chuồng trại đều được đầu tư chắc chắn thì phải giữ một khoảng cách an toàn đối với du khách tham quan, không để khách tiếp xúc trực tiếp với con vật.
Bản thân các loài thú hoang dã này khi bị nuôi trong chuồng trại luôn bị ức chế, du khách khi tham quan không nên dùng mọi cách chọc phá. Điều này có thể làm con vật hoảng loạn, phản ứng tiêu cực.
Hổ khu du lịch Đại Nam từng vồ chết nhân viên
Vào ngày 10/9/2009, hai nhân viên khu du lịch Đại Nam vào chuồng hổ để trồng cây xanh (hổ đã được di dời sang chuồng khác). Nhưng bất ngờ một con hổ từ chuồng bên cạnh nhảy rào sang chuồng nơi nhân viên đang trồng cây, vồ chết tại chỗ một nhân viên và làm bị thương nặng nhân viên còn lại. Sau đó, Công ty cổ phần Đại Nam đã chi hàng trăm triệu đồng hỗ trợ gia đình hai nhân viên này.

 


Theo Tuổi trẻ