Theo quảng cáo chỉ cần cài đặt phần mềm trên các điện thoại cảm ứng, người dùng sẽ không phải băn khoăn lựa chọn biện pháp chống côn trùng, không mất tiền mua máy đuổi muỗi, không bị độc do dùng hóa chất, không mất thời gian tìm cách đuổi muỗi bằng phương pháp dân gian... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những phần mềm này không có tác dụng đuổi muỗi.
Đuổi muỗi, đuổi cả chuột!?
Theo một số quảng cáo của các đơn vụ cung cấp phần mềm, ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone, đơn giản tiện lợi và vô cùng hiệu quả. Chỉ cần cài đặt những ứng dụng chạy trên Android hay iOS là mọi việc sẽ hoàn tất. Ứng dụng Anti-Mosquito giả lập tần số sóng siêu âm của loài dơi và chuồn chuồn, vốn là kẻ thù của muỗi, khiến chúng sợ và tránh xa khu vực phát sóng. Anti Mosquito Free cung cấp 3 tần số khác nhau 17kHz, 19kHz và 22kHz để người dùng điều chỉnh cho phù hợp, từ đó ứng dụng sẽ sử dụng loa của điện thoại để phát ra sóng âm này làm cho muỗi khó chịu nhưng không ảnh hưởng tới người sử dụng.
Mosquito Buster là sản phẩm của hãng phần mềm SeaGarden (Nhật Bản) phát triển riêng cho những smartphone chạy hệ điều hành Android. Giống như Anti-Mosquito, khi cài đặt vào điện thoại ứng dụng này, chương trình sẽ dùng loa của máy để phát ra sóng âm thanh mà loài muỗi rất sợ. Có nhiều lựa chọn cho người dùng điện thoại theo hoàn cảnh cụ thể. Nếu muốn đuổi muỗi thì chọn chế độ sóng âm từ 16 - 19kHz. Nếu muốn đuổi chuột thì chọn mức từ 25kHz trở lên.
Ứng dụng Anti-Mosquito Ultra-Sonic Pro sử dụng tần số từ 16 - 20kHz để đuổi muỗi và côn trùng. Tuy nhiên, đây là ứng dụng có giao diện người dùng đơn giản nhất chỉ với 1 nút nhấn bật hoặc tắt mà không cần thiết phải lựa chọn bất kì tần số nào trước. Ứng dụng iOS và Android Mosquito Sound cũng là một phần mềm xua đuổi muỗi, côn trùng miễn phí trên iOS và Android, phát ra âm thanh với các tần số khác nhau làm cho muỗi hay các côn trùng khác thấy khó chịu và tránh xa.
|
Ảnh minh họa. |
Không có tác dụng
GS Bùi Công Hiển, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, không có một nghiên cứu hay cơ sở khoa học nào chứng minh những phần mềm đuổi muỗi này có tác dụng. Về nguyên lý, những âm thanh trong giao tiếp sinh học có thể hấp dẫn hoặc xua đuổi côn trùng, nhưng đối với những loại muỗi nào, tần số bao nhiêu thì phải tính toán cụ thể.
Một báo cáo khoa học năm 2010 đã được công bố sau khi tiến hành 10 thử nghiệm khác nhau, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: “Các thiết bị đuổi muỗi điện tử bằng sóng siêu âm là không có tác dụng ngăn ngừa muỗi cắn”. Nhiều khi quảng cáo chỉ dựa trên nguyên lý, còn thực tế thì không.
Về việc các ứng dụng này có thể mô phỏng sóng âm thanh của tiếng đập cánh chuồn chuồn hay loài dơi, trên thực tế, tần số đập cánh của chuồn chuồn là từ 20 - 170Hz, đó là con số thấp hơn nhiều so với mức 15kHz mà các nhà phát triển ứng dụng nói. Ngay cả ở mức tần số 20 - 170Hz cũng là không có tác dụng nhiều trong việc ngăn muỗi đốt.
Các nhà khoa học từng thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với lồng kính chứa hàng trăm con muỗi. Sau đó họ sử dụng một chiếc điện thoại có cài đặt ứng dụng đuổi muỗi và cho cánh tay trần vào bên trong lồng kính. Với dải tần số từ 3 - 11kHz, các sóng âm thanh là hoàn toàn vô tác dụng với đám muỗi.
Cũng theo GS Bùi Công Hiển, tai người không thể nhận biết được các sóng siêu âm này, do đó nếu thực sự là các ứng dụng này có thể phát ra tần số khoảng 12kHz thì tai chúng ta sẽ không thể nhận biết được. Các sóng âm thanh này cũng không gây hại đến sức khoẻ của con người nhưng nó tạo ra sự khó chịu đối với tai. Thậm chí một nghiên cứu khác được công bố trên trang web của Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ còn cho thấy, tần suất cắn của loài muỗi tăng cao hơn bình thường khi sử dụng sóng siêu âm. Với nguồn sóng âm thanh có tần số 9 - 18kHz. Kết quả là số lượng vết đốt tăng lên khoảng 20 - 50% khi nguồn sóng âm thanh được bật, đặc biệt là ở tần số 11kHz có tỷ lệ tăng cao đột biến.
Theo các chuyên gia, ngay cả tần số phát ra từ những chiếc máy đuổi côn trùng cũng không hoặc có rất ít hiệu quả, tốt nhất là nên sử dụng các phương pháp đuổi muỗi truyền thống, mắc màn khi đi ngủ để đảm bảo sức khoẻ.
Bảo Khánh