Khi nói đến những đột phá công nghệ cao, thung lũng công nghệ cao Silicon luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến và là giấc mơ của nhiều quốc gia. Nối tiếp Trung Quốc, Nhật Bản, và các "con hổ châu Á", Việt Nam gần đây cũng đưa ra các dự án tham vọng về một thung lũng công nghệ Silicon của riêng mình; một kế hoạch toàn diện để thay đổi hình ảnh đất nước từ một nhà sản xuất linh kiện điện tử thành một “ông lớn” trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu. Được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, dự án nhằm mục đích xây dựng các công ty công nghệ mang tính cạnh tranh quốc tế và đưa một trong những thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Đà Nẵng thành một trung tâm công nghệ cao.
|
Flappy Bird là một thành công lớn của công nghệ Việt. |
Nói đến tiềm năng về một thung lũng công nghệ Silicon phát triển ở Việt Nam, tờ Atlantic cũng đề cập đến tựa game gây bão cộng đồng thế giới trong thời gian này là
Flappy Bird, ứng dụng game cho điện thoại di động được phát triển bởi lập trình viên trẻ tuổi người Việt Nam Nguyễn Hà Đông. Tờ báo cho biết Flappy Bird là một trong những ứng dụng game được tải về nhiều nhất trên thế giới, cho thấy tiềm năng chưa được khai thác của các “tech Startup” (doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp) Việt Nam, cũng như những thách thức mà họ phải đối mặt. Mặc dù tựa game đã bị gỡ bỏ, nhưng nó vẫn được xem là một thành công vẻ vang, khuyến khích sự phát triển của giới công nghệ Việt Nam.
Câu chuyện về Flappy Bird khuyến khích các nhà phát triển game Việt Nam đưa ra các sản phẩm công nghệ tốt hơn. Nó cũng là bài học cho các doanh nhân trẻ đối với vấn đề bản quyền, thuế và thông tin với báo chí khi sản phẩm của họ thành công. Tờ báo trích lời của ông Lê Đình Tĩnh, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao về dự án Thung lũng Silicon: “Đây là thời điểm để Việt Nam tham gia vào cuộc đua công nghệ. Các quốc gia cố chấp, không chịu thay đổi theo vòng quay công nghệ sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn của tình trạng lạc hậu và đói nghèo”.
Bước đầu, dự án Thung lũng Silicon tại Việt Nam đã tiếp cận có phương pháp để xây dựng các chương trình “startup”, cung cấp giải pháp để giúp các doanh nghiệp phát triển ý tưởng của họ và bắt đầu kinh doanh. Việt Nam đã có vài thành công công nghệ khởi động, những hi vọng về một Việt Nam công nghệ không còn là điều quá viễn tưởng. Không giống như làn sóng “startup” (doanh nghiệp khởi nghiệp) ở Ấn Độ, phần đa trong số đó được thành lập bởi người Mỹ, sự bùng nổ của các startup công nghệ ở Việt Nam đa phần đều được dẫn dắt bởi người trẻ Việt.
Lưu Thoa (theo Atlantic)