Truyền hình số di động: Xu hướng công nghệ mới

Google News

Trong tương lai gần, truyền hình số di động sẽ trở thành một xu hướng khi thiết bị di động dễ dàng thu được tín hiệu truyền hình kỹ thuật số.

Vừa qua Công ty Hoàng Kim đã giới thiệu một công nghệ DVB-T2 Lite trên các thiết bị phát hình của GatesAir - một công ty hàng đầu về lĩnh vực phát thanh truyền hình. Công nghệ này giúp cho các hệ thống phát hình kỹ thuật số DVB-T2 hiện có phát các nội dung truyền hình số có thể đồng thời thu được trên các thiết bị giải mã truyền hình số phổ biến (set top box) và các thiết bị di động.
Truyen hinh so di dong: Xu huong cong nghe moi
 Truyền hình số di động sẽ trở thành một xu hướng công nghệ mới.
Khả năng này sẽ giúp tăng cao số lượng khán giả xem truyền hình bằng các phương tiện di động, tăng hiệu quả sử dụng băng thông, đồng thời góp phần kích thích tăng trưởng thiết bị di động toàn cầu. Xa hơn nữa việc xem tín hiệu truyền hình kỹ thuật số trực tiếp từ các trạm phát hình kỹ thuật số sẽ loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây nghẽn mạng di động gây ra bởi các nhu cầu tải dữ liệu truyền hình IP của các thiết bị di động. Nói cách khác, người xem truyền hình di động có thể thu được chương trình truyền hình bằng các điện thoại thông minh của mình mà không cần đến kết nối mạng viễn thông.
Công nghệ này cho phép tích hợp luồng video LTE-A+ vào trong tín hiệu phát hình kỹ thuật số DVB-T2. LTE-A+ là một phiên bản mở rộng của công nghệ di động LTE, hay theo cách gọi phổ biến là 4G. Dấu ‘+’ có nghĩa là ngoài các thành phần tiêu chuẩn của LTE, các thiết bị di động có công nghệ này sẽ được trang bị thêm khả năng nhận phổ tín hiệu từ các trạm phát hình kỹ thuật số công suất lớn và đặt trên các tháp truyền hình cao hơn các tháp di động thông thường.
Nền tảng của kỹ thuật này là chủ yếu khai thác khung dữ liệu mở rộng FEF (future extension frames) của DVB-T2. Khung dữ liệu này được dành cho việc phát triển các dịch vụ gia tăng từ hoạt động phát hình quảng bá kỹ thuật số tiêu chuẩn. DVT-T2 Lite sẽ nhúng dữ liệu video số vào khung này. Do giới hạn kích thước của khung mở rộng, các thông số và tiêu chuẩn của tín hiệu video cho di động dẽ được điều chỉnh thích hợp để tích hợp vào khung. Kích thước của FFT sẽ giảm chỉ còn 2K, 4K, 8K, và 16K, thành phần pilot PP8 sẽ không còn xuất hiện trong T2-Lite; tốc độ PLP TS sẽ giảm xuống còn 4 Mbps; chòm sao quay sẽ không có trong điều chế 256-QAM; DVB-T2 Lite dùng mã sữa lỗi LDPC 1/3 và 2/5 để phù hợp với tiêu chuẩn thu của các thiết bị di động.
Trên thế giới, hiện nay hàng loạt các công ty truyền thồng thông lớn như BBC, TDF, RAI và các nhà phát triển công nghệ truyền hình số di động đang tập trung phát triển ứng dụng này. Tại Việt Nam, mạng phát hình kỹ thuật số đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, các trạm phát sóng truyền hình DVB-T2 chủ yếu của Việt Nam đều chưa khai thác khung mở rộng này. Ứng dụng công nghệ này sẽ mang lại một nguồn lợi to lớn về kinh tế, chính trị. Về mặt quản lý tài nguyên sóng, chúng ta chỉ khai thác dựa vào băng thông dành cho truyền hình số hiện cấp cho các đài phát và không cần thay đổi bất kỳ cấu trúc hệ thống nào của các trạm phát. Như vậy, về mặt kỹ thuật, các đài phát hiện nay chỉ cần nâng cấp các phiên bản exciter số hiện nay lên các dòng exciter số có hỗ trợ DVB-T2 Lite như các dòng Maxiva M2X exciter của Gatesair. Còn về phía người xem truyền hình, ngoài việc xem truyền hình số truyền thông qua các set top box, đây là một lựa chọn tiện lợi và thích hợp cho các nhu cầu xem truyền hình kỹ thuật số trên các thiết bị di động có chức năng 3GPP mà không cần gắn thêm anten hay bất cứ thiết bị giải mã đặc biệt nào.

Theo VTV