Thông tin về chiếc điện thoại Bphone của Bkav sản xuất đã bị root thành công và một số chuyên gia bảo mật nhận định có thể dùng từ "hack" khiến nhiều người bất ngờ đồng thời cũng đang gây ra rất nhiều tranh cãi trên các diễn đàn công nghệ uy tín.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Hải, Phó Giám đốc TT Dịch vụ kỹ thuật hệ thống bán lẻ FPT Shop và F.Studio by FPT cho hay, đối với những người bình thường thì vẫn thường quy tất cả mọi động thái can thiệp hệ thống vào nhóm hack.
"Tuy nhiên hack đúng nghĩa phải là việc can thiệp sâu hệ thống, thay đổi hệ thống, cài mã độc để làm chuyện xấu... Theo nghĩa này thì root không phải là hack", ông Hải giải thích.
Đồng thời, ông Hải cũng khẳng định: "Root ở đây chỉ đơn giản là chiếm quyền control máy, hay nói một cách đơn giản hơn là lấy quyền admin.
Bởi bình thường người dùng Android được cấp quyền user, root để chiếm quyền admin. Root cũng không phải gì to tát, root bắt nguồn từ Linux và root có nghĩa là phân vùng gốc".
Cùng với đó, theo quan điểm cá nhân của mình, ông Hải nhấn mạnh, nhóm Tekcafe đã root chiếc Bphone chứ không phải hack được smartphone này.
"Việc cho rằng, nhóm Tekcafe đã hack được chiếc Bphone là không đúng bản chất vấn đề, dễ gây hiểu nhầm. Ở đây, họ đã sử dụng một phần mềm khai thác lỗ hổng Android và để chiếm quyền root.
Ngoài ra, việc nói là nhanh nhất thì cũng cần phải xem rõ xem nhanh nhất là chỉ thời gian gì? Thời gian thực hiện thao tác root hay thời gian từ lúc bán đến lúc bị root", ông Hải nói thêm.
Cùng quan điểm đó, ông Vũ Mạnh Linh, một chuyên gia công nghệ cũng đánh giá, nhóm Tekcafe đã dùng phần mềm để root chiếc điện thoại Bphone chứ không phải hack.
"Hack và root là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng được.
Root là chiếm quyền sử dụng cao nhất của chiếc điện thoại còn hack là bí mật tìm ra một giải pháp để có thể tiếp cận hoặc thay đổi thông tin trên một hệ thống của ai đó mà không được sự cho phép của họ.
Hack thì sẽ rất khó nhưng với root thì hiện tại ngay kể cả những chiếc iPhone hay Samsung Galaxy cũng có thể bị root rất đơn giản", ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh nhìn nhận, sở dĩ chiếc máy bị root nhanh có thể là do "sự nổi tiếng của chính chiếc điện thoại này nên mới có đông người cùng ngồi tìm hiểu và làm nhanh đến thế".
Còn theo chuyên gia công nghệ Trần Xuân Thành thì vì các lí do an toàn mà các nhà sản xuất smartphone trên thế giới không hề muốn người sử dụng root máy.
Bởi khi chiếm được quyền cao nhất, bạn sẽ có nhiều hành động can thiệp sâu vào hệ điều hành và nhiều khả năng hệ điều hành rất dễ bị lỗi.
"Root giống như cái khóa cửa, bạn root máy đồng nghĩa với bạn đã phá đi cái khóa cửa. Nhiều máy sau khi root xong ngoài lỗi hệ điều hành còn gây lỗi phần cứng.
Trong khi Bphone chưa cho ra bản ROM chính thức nào để sữa lỗi khi máy gặp lỗi này. Thêm vào đó, hầu hết những máy đã root thì sẽ không được chấp nhận bảo hành.
Vì thế, mọi người không am hiểu sâu thì không nên root máy, bởi sẽ gây hại cho chính túi tiền của mình", anh Thành nhấn mạnh.
Trước đó, chúng tôi đã liên hệ với phía Bkav nhưng không nhận được câu trả lời về thông tin này.